Tài chính quốc tế

Ý sẽ tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường bất chấp ‘lời cảnh tỉnh’ từ Mỹ

(VNF) - Thủ tướng Ý Giuseppe Conte cam kết Ý sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, bất chấp lời cảnh tỉnh của Mỹ rằng việc này có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của Ý trên trường quốc tế.

Ý sẽ tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường bất chấp ‘lời cảnh tỉnh’ từ Mỹ

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte.

Phát biểu trước quốc hội, ông Conte nói rằng việc Ý ký biên bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác chuỗi cung ứng và cung cấp hạ tầng với Trung Quốc sẽ được tiến hành trong tuần này nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo lời Thủ tướng Conte, biên bản ghi nhớ không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý và nó sẽ giúp Ý tiếp cận một thị trường khổng lồ.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Tập Cận Bình sẽ thăm Ý, Monaco và Pháp từ ngày 21-29/3.

Tại cuộc họp báo hôm 18/3 ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngọai giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố sự hợp tác giữa 2 nước trong sáng kiến BRI có lợi cho cả đôi bên và bày tỏ tin tưởng Italy sẽ có quyết định đúng đắn dựa trên lợi ích của chính mình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Ý, Monaco và Pháp từ ngày 21-29/3.

BRI được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất hồi năm 2013. Đến nay, sáng kiến đã mở rộng phạm vi tới khoảng 70 quốc gia, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 23.000 tỷ USD và dân số 4,4 tỷ người.

Nhằm vào các dự án thúc đẩy kết nối hạ tầng cơ sở như đường sắt, cảng biển, cầu đường, đường ống năng lượng, Trung Quốc đưa ra sáng kiến này không chỉ nhắm đến các nước đang phát triển mà cả những nước phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Sáng kiến Vành đai và Con đường là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy quyết tâm nâng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trước đó, đề cập tới việc Ý có ý định tham gia đàm phán một thỏa thuận sơ bộ để gia nhập sáng kiến BRI của Trung Quốc, người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng Garrett Marquis cho rằng BRI sẽ không mang lại lợi ích kinh tế cho Ý và có thể ảnh hưởng đáng kể tới hình ảnh quốc tế của Rome.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng ra tuyên bố chỉ trích BRI, nói rằng các dự án dưới sáng kiến này "gần như chắc chắn được dùng cho việc tịch thu tài sản để thế nợ".

Nhiều nước từ chối tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Một nguồn tin ngoại giao nói với Reuters rằng Ý đang đối mặt trước "nhiều áp lực" từ Trung Quốc để ký kết một biên bản ghi nhớ (MoU) về việc gia nhập BRI. Đây là bước đầu tiên hướng tới việc Ý chấp nhận các khoản đầu tư hạ tầng của Trung Quốc.

Nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đã ký MoU gia nhập sáng kiến BRI của Trung Quốc, trong đó có Croatia, Cộng hòa Czech, Hungary, Hi Lạp, Malta, Ba Lan và Bồ Đào Nha.

Nếu Ý cũng đồng ý ký kết, nước này sẽ là thành viên đầu tiên của nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 gia nhập BRI. Các thành viên hiện tại của G7 gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ.

Ý rơi vào khủng hoảng kinh tế vào cuối năm 2018 và đây là lần thứ ba xảy ra khủng hoảng như vậy trong vòng 1 thập niên qua. Chính phủ nước này đang nỗ lực tìm cách cải thiện nền kinh tế.

Xem thêm >> Bình Nhưỡng: Các cuộc tập trận của Hàn Quốc có thể ‘phá vỡ quan hệ liên Triều’

Tin mới lên