Tài chính

Yuanta: Cổ phiếu ngân hàng, BĐS, thép, hóa chất và thực phẩm sẽ dẫn dắt TTCK đi lên trong tháng 1

(VNF) - "Thị trường có thể sẽ tiếp tục đi lên trong tháng 1/2022 nhờ vào kết quả kinh doanh tích cực trong quý IV/2021. Dự báo nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản (BĐS), thép, hóa chất và sản xuất thực phẩm là những nhóm dẫn dắt đà tăng của thị trường", Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nêu quan điểm.

Yuanta: Cổ phiếu ngân hàng, BĐS, thép, hóa chất và thực phẩm sẽ dẫn dắt TTCK đi lên trong tháng 1

Yuanta: Cổ phiếu ngân hàng, BĐS, thép, hóa chất và thực phẩm sẽ dẫn dắt TTCK đi lên trong tháng 1

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy GDP Việt Nam cả năm 2021 tăng 2,58%, đóng góp bởi đà hồi phục mạnh mẽ trong quý IV (tăng 5,22% so với quý IV/2020) nhờ vào: Dòng vốn FDI có tăng tốc trong những tháng cuối năm; xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh bất chấp giai đoạn giãn cách và khó khăn về logistic; hoạt động sản xuất công nghiệp hồi phục mạnh những tháng cuối năm bất chấp tình trạng thiếu hụt lao động; tăng trưởng doanh thu bán lẻ hồi phục từ cuối quý III tuy nhiên lũy kế cả năm vẫn giảm nhẹ do khó khăn chung của nền kinh tế ảnh hưởng tới chi tiêu tiêu dùng; các yếu tố vĩ mô như lãi suất, tỷ giá, lạm phát vẫn duy trì ổn định trước những ảnh từ môi trường toàn cầu, đặc biệt chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2021 vẫn ở mức thấp 1,84%.

Nhận định trong báo cáo thị trường chứng khoán tháng 1/2022 công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 vẫn tiếp tục đến từ đà hồi phục của hoạt động sản xuất công nghiệp khi tình trạng thiếu lao động kỳ vọng sau Tết nguyên đán sẽ được giải quyết, xuất nhập khẩu tăng trưởng nhờ sự hồi phục kinh tế toàn cầu, cũng như cầu nội địa sẽ tăng tốt hơn trong năm 2021.

Bên cạnh đó, dòng vốn FDI bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong giai đoạn 2020-2021 theo Yuanta sẽ khả quan hơn nhiều trong năm 2022 khi các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu tìm kiếm nơi mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh khi nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn mới và biến chủng Omicron không quá nghiêm trọng.

"Chúng tôi kỳ vọng vào các chính sách điều hành, ổn định vĩ mô và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sau đại địch. Việc triển khai các gói kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp hợp lý, đúng đối tượng sẽ là yếu tố thúc đẩy hồi phục nền kinh tế. Ngoài ra, việc đẩy mạnh các dự án đầu tư công vẫn là một trong những yếu tốt then chốt hỗ trợ tăng trưởng kinh tế giai đoạn này", nhóm chuyên gia của Yuanta nhấn mạnh.

Thêm vào đó, Việt Nam là một trong số những nước tốc độ tiêm chủng nhanh trên thế giới, với tỷ lệ tiêm đủ 2 liều hiện nay là 86,3% dân số từ 18 tuổi trở lên, đây là yếu tố giúp cú sốc giãn cách xã hội như từng xảy ra trong quý III/2021 sẽ không xảy ra và đảm bảo đà hồi phục kinh tế được ổn định hơn. Yuanta cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng, dự báo GDP tăng khoảng 6,39% trong năm 2022 dựa trên những động lực tăng trưởng trên và mức nền thấp của năm 2021.

Với thị trường chứng khoán, Yuanta nhìn nhận mức định giá vẫn còn hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực. Tỷ lệ P/E 4 quý gần nhất của chỉ số VN-Index đang giao dịch ở mức 17,5 lần, trong khi đó mức P/E của hầu hết các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á đều trên mức 20 lần (ngoại trừ TTCK Thái Lan đang có mức P/E là 15,3 lần nhờ vào việc mở cửa lại nền kinh tế sớm).

"Thị trường có thể sẽ tiếp tục đi lên trong tháng 1/2022 nhờ vào kết quả kinh doanh tích cực trong quý IV/2021. Dự báo nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, thép, hóa chất và sản xuất thực phẩm là những nhóm dẫn dắt đà tăng của thị trường", phía Yuanta nêu quan điểm.

Cũng theo nhận định của công ty chứng khoán này, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng "nóng" và rủi ro trung hạn đang ở mức thấp.

Yuanta dự báo chỉ số VN-Index đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh trong tháng 1/2022 và mức mục tiêu kỳ vọng là 1.534 điểm, đồng thời khuyến nghị các cổ phiếu đáng chú ý trong tháng 1 gồm: nhóm ngân hàng (TPB, VIB, MSB, STB, HDB); nhóm bất động sản (KDH, NLG, HDC, HDG, NTL); nhóm kim loại (VGS, NKG); nhóm hóa chất (DPM, DGC, DCM, DDV, PSW); nhóm sản xuất thực phẩm (MSN, VHC).

Tin mới lên