Tài chính quốc tế

Bất đồng với Mỹ, Trung Quốc ‘bơm’ thêm 5 tỷ USD cho Venezuela

(VNF) - Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) mới đây đã chính thức phê duyệt khoản vay 5 tỷ USD cho Venezuela nhằm đẩy mạnh phát triển những ngành kinh tế trọng điểm của nước này, trong đó có dầu mỏ, hãng thông tấn Prensa Latina đưa tin ngày 3/7.

Bất đồng với Mỹ, Trung Quốc ‘bơm’ thêm 5 tỷ USD cho Venezuela

Tổng thống Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Chia sẻ trên tờ Prensa Latina, Bộ trưởng Tài chính Venezuela Simon Zerpa ca ngợi mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Venezuela. Ông tiết lộ rằng trong cuộc gọi gần đây giữa Tổng thống Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Venezuela Nicolas Maduro, cả hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ mong muốn cùng đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

Theo ông Zerpa, mối quan hệ này sẽ giúp Venezuela thiết lập các mạng lưới thương mại và hệ thống tài chính mới để kết nối với cộng đồng quốc tế nhằm đối phó với những lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ.

Ông Zerpa, một trong những người có tên trong ‘danh sách đen’ của Bộ Tài chính Mỹ, hiện đang có chuyến công dung tới Bắc Kinh (Trung Quốc) để tiến hành đàm phán sâu hơn nữa về các kế hoạch hợp tác với giới chức Trung Quốc trong tuần này.

Bộ trưởng Tài chính Venezuela Simon Zerpa.

Động thái này của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng về thương mại giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Cùng với các lệnh cấm vận của Liên minh Châu Âu thời gian qua, các biện pháp trừng phạt kinh tế mới của Mỹ tiếp tục đặt gánh nặng cho Venezuela, làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng tài chính tại nước này, nơi mà nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ.

Cùng với Nga, Trung Quốc từ lâu là đối tác chiến lược của Venezuela khi thường xuyên cho quốc gia này vay những khoản tiền khổng lồ. Bù lại Trung Quốc có được những quyền lợi về khai thác, đầu tư dầu mỏ, khoáng sản, đồng thời củng cố một đồng minh chống Mỹ ở Mỹ Latin.

Venezuela hiện vẫn đang nợ Trung Quốc 19,3 tỷ USD, khoảng 10,4 tỷ USD trong đó là khoản nợ theo thỏa thuận cung cấp khoản tín dụng 20 tỷ USD ký giữa hai nước năm 2010. Một khoản nợ khác trị giá 8,4 tỷ USD vẫn tồn đọng trong khuôn khổ Quỹ Trung Quốc – Venezuela thông qua ba đợt cấp.

Chính phủ Venezuela đã phát hành tiền ảo đồng Petro nhằm giúp nền kinh tế thoát khỏi tình trạng khủng hoảng.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã ngừng việc “bơm” tiền cho Venezuela từ 3 năm trước, khi Venezuela đề nghị thay đổi các điều khoản trả nợ do giá dầu lao dốc và suy giảm sản lượng khai thác dầu thô, đẩy nền kinh tế Venezuela vào tình trạng siêu lạm phát.

Chính sách của Trung Quốc là không cho vay mới cho đến khi các khoản vay cũ được thanh toán hết, điều không thể xảy ra với Venezuela vì nước này mới đang trả lãi và số dư nợ vẫn chưa thay đổi.

Trong những tháng gần đây, Venezuela đề nghị tổ chức nhiều cuộc gặp khác nhau để Trung Quốc cung cấp các khoản vay mới, bao gồm giải ngân nốt số tiền trong khoản 20 tỷ USD ký từ trước, nhưng những đề nghị này đều bị phớt lờ, theo các nguồn tin từ Venezuela.

Theo giới quan sát, với tình trạng kinh tế của Venezuela hiện nay, khả năng trả nợ Trung Quốc là rất khó. Để có thể đòi tiền về, Trung Quốc sẽ vướng vào một cuộc tranh chấp thương mại rắc rối và một quy trình không thân thiện để thu tiền về một cách cưỡng ép.

Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Venezuela dường như đã đạt ngưỡng 41.838%.

Tổng thống Maduro khẳng định Venezuela đang là nạn nhân của một "cuộc chiến tranh kinh tế" do phe đối lập bảo thủ và các cường quốc bên ngoài như Mỹ thực hiện nhằm lật đổ ông.

Một ngày sau khi cuộc bầu cử tổng thống Venezuela diễn ra với chiến thắng thuộc về ông Nicolas Maduro, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21/5 ra sắc lệnh trừng phạt nước này, tăng áp lực kinh tế lên Venezuela.

Theo đó, sắc lệnh trừng phạt của ông Trump cấm Venezuela giao dịch mua bán bất kỳ khoản nợ nào của chính phủ nước này hay của các công ty thuộc sở hữu nhà nước Venezuela với công dân Mỹ. Sắc lệnh trừng phạt này nhằm ngăn chặn chính phủ Venezuela thanh lý tài sản.

Ngày 22/5 Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã tuyên bố trục xuất Đại biện lâm thời Mỹ tại nước này vì có âm mưu chống lại chính quyền Venezuela.

Trong khi đó, phía Mỹ cũng tuyên bố sẽ có những biện pháp trả đũa. Những diễn biến ngoại giao mới này một lần nữa khiến quan hệ ngoại giao Mỹ- Venezuela, vốn không “thuận buồm xuôi gió” trong nhiều năm qua, nay lại thêm sóng gió.

Trả lời Business Insider ngày 29/6, giáo sư Steve H. Hanke tại đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho biết tỉ lệ lạm phát hàng năm của Venezuela dường như đã đạt ngưỡng 41.838%. Ông Hanke là người đã nghiên cứu về nền kinh tế Venezuela trong hơn 20 năm qua. Ông cho biết con số này đánh dấu lần đầu lạm phát ở Venezuela vượt ngưỡng 40.000%.

Theo Business Insider, chính phủ Venezuela hiện tại đã không còn công bố dữ liệu về kinh tế, bao gồm các chỉ số liên quan tới lạm phát. Ngân hàng trung ương Venezuela chưa có phản hồi khi được hỏi về thông trên. Họ đã ngừng cung cấp các số liệu về vấn đề này trong ít nhất 1 năm qua.

Dù là một nước xuất khẩu dầu mỏ, nhưng Venezuela đang trong tình trạng thiếu lương thực và thuốc men nghiêm trọng sau một thời gian mặt hàng "vàng đen" này sụt giá mạnh. Venezuela cũng đang vất vả tìm cách đối phó với tình trạng siêu lạm phát và nguy cơ vỡ nợ giữa lúc đang phải hứng chịu nhiều lệnh cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã phải in thêm tiền trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ giảm và đồng nội tệ bolivar đã gần như vô giá trị.

Xem thêm >> Philippines: Rúng động 12 quan chức bị sát hại

Tin mới lên