Tài chính

Chứng khoán phái sinh: Nhà đầu tư ngần ngại và dấu hỏi về SCIC

(VNF) - Có những vấn đề mà một nhà đầu tư cá nhân như anh Trần Tiến Dũng "chưa lý giải được" như các tổ chức cụ thể là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có tham ra vào thị trường phái sinh này hay không?

Chứng khoán phái sinh: Nhà đầu tư ngần ngại và dấu hỏi về SCIC

Thị trường chứng khoán phái sinh đã chính thức mở cửa khai trương phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 10/8 với sản phẩm đầu tiên là Hợp đồng tương lai chỉ số VN30.

Hiện tại đã có 7 công ty chứng khoán được phép tham gia thị trường chứng khoán phái sinh là HSC, SSI, VPBS, BSC, VCSC, VNDIRECT và MBS với gần 2.500 tài khoản giao dịch. 

Một điểm đáng lưu ý là sản phẩm phái sinh cho phép nhà đầu tư bán khống. Họ được phép bán hợp đồng tương lai trước và sau đó mua lại để đóng vị thế và chốt lãi/lỗ, có thể chốt lãi/lỗ ngay trong ngày giao dịch (giao dịch T+0). Nhà đầu tư có thể mua và bán cùng một hợp đồng tương lai ngay trong ngày để chốt lãi/lỗ và tránh biến động giá qua đêm.

Tuy vậy, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), các sản phẩm chứng khoán phái sinh cũng ẩn chứa những rủi ro mang tính hệ thống. Trong lịch sử, thị trường chứng khoán thế giới đã nhiều lần chứng kiến rủi ro từ các sản phẩm chứng khoán phái sinh, gần nhất là cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 xuất phát từ loại chứng khoán được đảm bảo bằng các khoản nợ dưới chuẩn. 

Sở GDCK Hà Nội trông đợi sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên này sẽ thu hút nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chuyên nghiệp trong giai đoạn đầu thị trường ra mắt.

Tuy vậy, dường như chứng khoán phái sinh vẫn là một điều gì đó rất mới mẻ và sự e dè của cộng đồng đầu tư vẫn đang bao trùm lên thị trường.

Trao đổi với VietnamFinance, anh Trần Tiến Dũng, 45 tuổi, người đã tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ khi thị trường bắt đầu mở cửa tháng 7/2000, cho biết anh vẫn đang "đứng ngoài cuộc chơi", chưa đổ tiền vào các công cụ phái sinh ngay bây giờ mà tiếp tục quan sát thị trường một thời gian trước khi rút hầu bao.

Theo anh Dũng, vấn đề mua bán khống là cuộc chơi bắt buộc tất cả các thị trường lớn trên thế giới phải có, thế giới họ đã có từ mấy chục năm rồi. Thị trường muốn phát triển phải có các sản phẩm mới và phái sinh là một trong các sản phẩm đó.

Chứng khoán phái sinh tạo sân chơi cho các tổ chức cá nhân có kiến thức tài chính và kinh nghiệm trải nghiệm giao dịch này. Thị trường sẽ hấp dẫn các tổ chức, cá nhân trong nước cũng như nước ngoài tham gia đông hơn. Thanh khoản thị trường sẽ tăng lên rất nhiều... Theo anh Dũng, đó là những lợi ích có thể kể đến mà sản phẩm chứng phái sinh mang lại cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo nhà đầu tư chứng khoán "lão luyện" này, ở chiều ngược lại có những vấn đề mà một nhà đầu tư cá nhân như anh "chưa lý giải được" như các tổ chức cụ thể là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có tham ra vào thị trường phái sinh này hay không? 

"Cho đến giờ này tôi vẫn băn khoăn vai trò của SCIC trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Vấn đề nữa là các công ty chứng khoán họ vẫn đang hưởng đặc quyền mà không thị trường chứng khoán nào trên thế giới cho phép họ được tự doanh (vừa đá bóng vừa thổi còi trên thị trường chứng khoán)", nhà đầu tư Trần Tiến Dũng giãi bày.

Theo anh, việc tạo sóng trong chỉ số VN30 là một việc vô cùng đơn giản với các tổ chức. "Các tổ chức họ đang ở trong bóng tối còn các nhà đầu tư cá nhân thì lại là những người ngoài ánh sáng, ai cũng biết mua bán khống là một giao dịch cực kỳ rủi ro nếu thiều kiến thức kinh nghiệm và tiềm lực tài chính thì mất tiền nhanh nhất là nhảy vào mua bán khống", anh Dũng nói.
Tin mới lên