Tiêu điểm

Forbes: Kinh tế Việt Nam sẽ 'tăng tốc' năm 2018

(VNF) – Forbes nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc vào năm 2018 nhờ nguồn vốn "dồi dào" của các nhà đầu tư nước ngoài.

Forbes: Kinh tế Việt Nam sẽ 'tăng tốc' năm 2018

Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH EXEDY Việt Nam (100% vốn Nhật Bản).

Mặc dù chỉ tiêu tăng trưởng GDP mà Quốc hội giao cho Chính phủ năm 2018 là từ 6,5-6,7% nhưng tại Hội nghị giữa Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phải quyết tâm để đạt mức thấp nhất là 6,7%, cao hơn năm 2017.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,7% cho cả hai năm 2017-2018, cao hơn so với lần công bố trước là 6,3% và 6,5%.

Thậm chí Ngân hàng Thế giới vốn rất thận trọng trong các dự báo cũng cho rằng kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ phát triển mạnh hơn năm 2017.

Khởi đầu không thuận lợi

Những tháng đầu năm 2017, nền kinh tế Việt Nam có phần u ám, không một vùng, miền nào trên cả nước thoát khỏi sự tàn phá của thiên tai. Hạn hán đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp trong khi khai thác mỏ phải đối mặt với chi phí sản xuất cao và phải giảm giá bán ra nước ngoài.

Nắng nóng gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trumps về việc rút quân khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương hồi tháng 1/2017 cũng ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Các nhà hoạch định chính sách đã lo ngại Việt Nam sẽ không thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, những rào cản đó đã không ngăn được đà phát triển của Việt Nam. Việt Nam vẫn là "thỏi nam châm" thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư

Theo nhận định của giới phân tích, các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện tử và các nhà máy sản xuất sợi polyester dành sự quan tâm đặc biệt tới Việt Nam vì chi phí thấp, nguồn lao động dồi dào và các chính sách ngày càng cởi mở của chính phủ.

Sự phát triển cũng đã giúp người dân có cuộc sống tốt hơn, giảm tỷ lệ đói nghèo chỉ còn 13,5%. Cuộc sống của người dân được cải thiện cũng đem lại nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư bán hàng ở Việt Nam.

Công ty phân tích thị trường SSI Research (Mỹ) nhận định: "Chúng ta có thể suy luận hợp lý rằng số vốn đăng kí đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2017 cao sẽ dẫn đến việc nguồn vốn FDI được giải ngân vào năm 2018 cao".

Các nhà máy sản xuất sợi polyester dành sự quan tâm đặc biệt tới Việt Nam.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12 năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đã đạt mức kỷ lục, lên tới hơn 17 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm ngoái. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,88 tỷ USD, tăng trên 44% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 58,53 tỷ USD, tăng 16,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 155,24 tỷ USD, tăng 23%.

Hầu hết đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và vùng lãnh thổ Đài Loan, những nơi có chi phí sản xuất cao hơn ở Việt Nam.

Nguồn lao động trẻ, dễ đào tạo và sẵn sàng làm việc với mức lương tối thiểu là 172 USD/tháng chính là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Khoảng 60% trong số 93 triệu người Việt Nam đang ở độ tuổi lao động.

Các khoản đầu tư "khủng" trong năm 2017 và triển vọng năm 2018

Tháng 2/2017, Samsung Display, công ty con của Samsung Electronics rót thêm 2,5 tỷ USD vào Việt Nam, nâng tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam lên 6,5 tỷ USD.

Tập đoàn Samsung có 6 nhà máy tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 15 tỷ USD và đã giải ngân được 10 tỷ USD. Các nhà máy của Samsung tạo việc làm cho khoảng 136.700 lao động.

Công ty Polytex Far Eastern của Đài Loan trong năm nay cũng đã đăng ký một nhà máy sản xuất sợi polyester trị giá 490 triệu USD.

Tập đoàn Samsung có 6 nhà máy tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 15 tỷ USD.

Ngày 18/12, Vietnam Beverage (thuộc Tập đoàn Thai Bev, Thái Lan) đã đấu giá thành công hơn 343 triệu cổ phiếu Sabeco, tương đương khoảng 53,59% cổ phần với giá 320.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị thương vụ là 109.965,6 tỷ đồng, tương đương gần 5 tỷ USD.

Dustin Daugherty, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực kinh doanh của Công ty tư vấn Dezan Shira & Associates tại thành phố Hồ Chí Minh cho hay: "Nguồn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Mặc dù mọi người chỉ chú ý đến các thương vụ đầu tư nước ngoài lớn, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty đa quốc gia nhỏ hơn tiếp tục tăng lên. Các nhà đầu tư đang dành sự ưu ái đặc biệt đến thị trường Việt Nam".

"Tôi nghĩ kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ vẫn duy trì đà phát triển như năm nay, thậm chí tốt hơn. Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng", ông nhận định.

Tin mới lên