Ngân hàng

Không dùng ngân sách, nguồn lực nào để xử lý nợ xấu?

(VNF) – Song song với vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước, các khoản vay đặc biệt từ tổ chức bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng hợp tác xã và các TCTD khác cũng sẽ là nguồn lực để hỗ trợ các TCTD yếu kém xử lý nợ xấu, trong bối cảnh không được phép dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.

Không dùng ngân sách, nguồn lực nào để xử lý nợ xấu?

Vay đặc biệt từ nhiều nguồn ngoài Ngân hàng Nhà nước sẽ là nguồn lực quan trọng trong xử lý nợ xấu

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (26/10) đã có báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).

Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn rằng quy định về việc các TCTD khi được kiểm soát đặc biệt ngoài được vay của NHNN thì được vay tổ chức bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng hợp tác xã và các TCTD khác trong một số trường hợp có thể dẫn đến hậu quả rất lớn trong trường hợp rủi ro, đặc biệt đối với tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong điều kiện không sử dụng trực tiếp ngân sách nhà nước để cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD yếu kém, cần thiết phải có các biện pháp hỗ trợ để giúp các TCTD có triển vọng phục hồi, tránh nguy cơ đổ vỡ gây mất an toàn hệ thống.

"Việc quy định các TCTD được kiểm soát đặc biệt ngoài được vay của NHNN thì được vay đặc biệt của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Hợp tác xã và các TCTD khác phù hợp với chủ trương huy động nguồn lực từ bên ngoài", Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay.

Ủy ban cho biết thêm, theo kinh nghiệm quốc tế, tổ chức bảo hiểm tiền gửi đóng vai trò tích cực và quan trọng trong việc tham gia cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD yếu kém (Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan...). Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm tiền gửi hiện hành chưa có hành lang pháp lý đầy đủ để tổ chức bảo hiểm tiền gửi được phép tham gia vào cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD yếu kém cũng như hỗ trợ tài chính cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi như nhiều nước trên thế giới đang thực hiện.

"Vì vậy, trên cơ sở thực trạng tài chính và để tạo cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, cần thiết bổ sung các quy định cho phép Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia xử lý cơ cấu lại TCTD yếu kém (trước mắt tập trung đối với Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; các loại hình TCTD này có quy mô nhỏ hơn so với loại hình ngân hàng thương mại và Công ty tài chính) gắn với xử lý nợ xấu, cũng như bảo vệ quyền lợi của tổ chức và cá nhân gửi tiền", Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá.

Về việc vay đặc biệt của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam từ Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (Quỹ bảo toàn), theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật quy định Quỹ tín dụng nhân dân được vay đặc biệt của Ngân hàng Hợp tác xã từ Quỹ bảo toàn là khả thi, để có thêm biện pháp hỗ trợ TCTD yếu kém là Quỹ tín dụng nhân dân và đồng thời phù hợp với mục tiêu hoạt động của Quỹ này .

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề xuất bổ sung các biện pháp hỗ trợ TCTD bao gồm cả việc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia mua trái phiếu dài hạn để tăng vốn cấp 2 cho TCTD hỗ trợ. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, biện pháp này sẽ góp phần nâng cao vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc tham gia hỗ trợ nguồn tài chính cho TCTD tham gia hỗ trợ cơ cấu lại TCTD yếu kém.

Tin mới lên