‘Nhiều người là giáo sư, phó giáo sư mà ăn không nên đọi, nói không nên lời’
Lưu Thủy -
29/03/2018 09:15 (GMT+7)
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, hiện có nhiều người mang chức danh là giáo sư, phó giáo sư mà "ăn không nên đọi, nói không nên lời".
Giáo sư nhưng "ăn không nên đọi, nói không nên lời"
Sáng 28/3, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc làm việc với Bộ GD&ĐT về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nêu những vấn đề Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ GD&ĐT giải trình, báo cáo thêm, trong đó có vấn đề dư luận rất quan tâm là việc công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị: "Trong 1.226 ứng viên, bộ đã công bố có 94 ứng viên do có đơn thư, hội đồng chưa xem xét công nhận. Việc chưa xem xét này không phải trách nhiệm của Thủ tướng, không phải tại Thủ tướng mà tôi không được phong hàm.
Đó là do hội đồng phong hàm giáo sư quốc gia, Bộ GD&ĐT bám vào tiêu chí, nguyên tắc thực hiện chứ Thủ tướng không đi vào chi tiết, không thuộc trách nhiệm của Thủ tướng. Cho nên đừng đổ ngược lên cho Thủ tướng, phải công khai minh bạch việc này".
Về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ công tác của Thủ tướng nhận xét: Việc phong rồi rà soát lại các chức danh giáo sư, phó giáo sư chẳng qua là giọt nước tràn ly, là hệ quả của việc kéo dài nhiều năm qua mà không được giải quyết rốt ráo, triệt để.
"Tôi tưởng rằng nhân vụ này làm lại, phải thay đổi căn bản. Đây là cơ hội để chúng ta thay đổi căn bản. Có thể chúng ta phải thành lập một nhóm thanh tra thực sự độc lập rà soát lại tất cả, nhưng chúng ta lại chưa làm như thế. Nếu không làm như thế tôi nghĩ xã hội tiếp tục bức xúc", TS Nguyễn Đình Cung nói.
TS Nguyễn Đình Cung nêu thực trạng: "Bạn bè ta, anh em ta nhiều người là giáo sư, phó giáo sư. Nhưng phải nói là có nhiều người là giáo sư, phó giáo sư mà ăn không nên đọi, nói không nên lời".
"Ngay cơ quan tôi có người làm phó giáo sư về, yêu cầu tôi phải phong làm nghiên cứu viên cao cấp. Tôi nói tôi không làm như vậy, không phải tôi trả lương, phong cấp theo giáo sư, phó giáo sư. Họ đi kiện khắp nơi, tôi nói tôi còn ngồi đây thì anh không được như thế. Phải đánh giá con người theo kết quả công việc anh làm được gì chứ không phải dựa vào danh" - TS Cung khẳng định.
Liên quan đến uy tín đất nước
Báo cáo với Tổ công tác của Thủ tướng về vấn đề rà soát tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư đã và đang được dư luận quan tâm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: "Chúng tôi đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, kế hoạch 31/3 sẽ kết thúc. Hội đồng này thậm chí trao đổi, làm việc với từng ứng viên để tâm phục khẩu phục".
"Cuối tháng sẽ có kết quả do ban thanh tra cung cấp. Ứng viên nào đáp ứng đầy đủ điều kiện thì công nhận, không đáp ứng đủ điều kiện thì không công nhận, dù bất kể là ai", ông Nhạ khẳng định.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, Bộ đã có giải trình với Thủ tướng và công luận. Kết quả về cơ bản, các ứng viên đáp ứng tiêu chuẩn đạt chức danh GS, PGS với những tiêu chuẩn đã được xây dựng khoảng 20 năm. Tuy nhiên, cũng có những ứng viên chưa đáp ứng được tiêu chuẩn và qua các Hội đồng cũng sàng lọc chưa chuẩn.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, căn cứ theo quy định, nếu xét xong thấy có vấn đề thì cần rà soát lại. Bước đầu, sau rà soát có 94 ứng viên có đơn thư cần phải giải quyết đúng theo quy trình và có các minh chứng chưa đủ tin cậy...
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Công tác của Thủ tướng cho rằng vấn đề rà soát chức danh giáo sư, phó giáo sư còn liên quan đến uy tín đất nước.
"Đây không phải là câu chuyện ta giải trình với ta. Vấn đề là quốc tế và công luận. Đây là sự tin cậy, là uy tín của một đất nước", ông Thiên nói.
Theo ông Thiên, các tiêu chuẩn đào tạo, kể cả tiêu chuẩn phong hàm giáo sư, phó giáo sư vốn là thực chất nhưng khi đáp ứng nhu cầu, vừa là thật nhưng tính hư ảo trong đó cao, sẽ dễ bị "hình thức hóa".
6 vấn đề của Bộ GD&ĐT gây bức xúc trong dư luận
Tại buổi kiểm tra, Tổ Công tác của Thủ tướng cũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT làm rõ, báo cáo giải trình với Thủ tướng 6 vấn đề đang khiến dư luận xã hội bức xúc và yêu cầu phải có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Thứ nhất, vấn đề tổ hợp đề trong tuyển sinh khi có tình trạng các ngành kỹ thuật, tài chính, ngân hàng… lại tuyển sinh qua các môn văn, sử, địa… Đây là việc khác so với trước đây nên được xã hội quan tâm, tuy đã giao quyền tự chủ cho các trường nhưng cũng phải xem xét, cân nhắc kỹ.
Thứ hai, vấn đề biên chế giáo viên. Tổ trưởng Tổ công tác nhắc tới một số vụ việc gần đây như 500 giáo viên Đắk Lắk mất việc làm; tình trạng giáo viên làm hợp đồng 10 năm nhưng lương thấp hơn lương cơ bản. Đây tuy không phải là trách nhiệm của Bộ nhưng Bộ có trách nhiệm kiểm soát chung.
Thứ ba, vấn đề nhức nhối của xã hội liên quan tới đạo đức, phẩm chất của nhà giáo, như tình trạng ép học sinh học thêm, bạo lực, chạy điểm, chạy trường, gây bức xúc cho xã hội. Đặc biệt, liên tục xảy ra các vụ việc xúc phạm danh dự nhà giáo, hành hung giáo viên.
Thứ tư, dư luận rất quan tâm việc công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Thứ năm, sau khi Thủ tướng làm việc với ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, ĐH Đà Nẵng… với quyết tâm xây dựng các trường có thương hiệu nổi trội trong khu vực và quốc tế, thì đến nay Thủ tướng chưa nhận được báo cáo về tình hình thực hiện các kết luận của Thủ tướng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cần phối hợp với các địa phương để tiến hành nhanh việc giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ chế thu hút đầu tư…
Thứ sáu, là công tác cải cách hành chính của Bộ. Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những đổi mới tích cực vừa qua nhưng cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông. Hiện nay vấn đề này Bộ GD&ĐT đang triển chưa hiệu quả.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.