Diễn đàn VNF

Ông Trương Đình Tuyển: ‘Việt Nam không hăng hái thúc đẩy cũng chẳng cần cản trở RCEP’

(VNF) – Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), nếu Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) thành công, trong ngắn hạn, sẽ có sự dịch chuyển thương mại không có lợi cho Việt Nam.

Ông Trương Đình Tuyển: ‘Việt Nam không hăng hái thúc đẩy cũng chẳng cần cản trở RCEP’

Ông Trương Đình Tuyển, cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại

Nhật Bản, Ấn Độ sẽ cản trở RCEP

Với việc Hoa kỳ rút khỏi TPP, ông Trương Đình Tuyển cho rằng lợi ích kinh tế của Việt Nam sẽ bị giảm đi rõ rệt.

"Cam kết sâu rộng của Việt Nam trong TPP chủ yếu là để đáp ứng đòi hỏi của Hoa Kỳ. Đổi lại, Hoa Kỳ cũng phải mở cửa thị trường sâu rộng cho hàng hóa của ta. Vì vậy, cam kết của ta trong TPP bảo đảm sự cân bằng tổng thể. Giờ Hoa Kỳ rút khỏi TPP, sự cân bằng bị phá vỡ", ông Tuyển nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Tuyển cũng cho rằng có TPP-11 vẫn còn hơn không. Với việc hoãn thực thi một số điều khoản, Việt Nam có thể tham gia TPP-11 sau khi xem xét toàn diện các nội dung được hoãn thực thi, bảo đảm lợi ích của mình và xác lập được thế cân bằng mới.

Cựu Bộ trưởng Thương mại cũng cho hay lợi dụng việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP, Trung Quốc đang thúc đẩy RCEP nhằm dành vị thế thượng phong, dẫn giắt cuộc chơi và giữ vai trò định hình nền thương mại toàn cầu (Nhật Bản cũng muốn như vậy).

"Nếu RCEP thành công, trong ngắn hạn, sẽ có sự dịch chuyển thương mại không có lợi cho ta. Ta không nên hăng hái thúc đẩy và cũng không cần cản trở nó. Sự khác biệt giữa yêu cầu của Nhật Bản với khă năng đáp ứng của Trung Quốc và xu hướng bảo hộ còn khá mạnh của Ấn Độ sẽ làm chậm quá trình đàm phán RCEP", ông Tuyển nhận định.

10 năm gia nhập WTO: Hai nền kinh tế trong một quốc gia

Đánh giá 10 năm gia nhập WTO, ông Tuyển cho biết Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng tuy nhiên thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế vẫn chưa hình thành đầy đủ.

"Điểm yếu nhất là chưa có một thị trường cạnh tranh trong một số lĩnh vực quan trọng, trong khi đây là một tiêu chí chủ yếu đo mức độ thị trường của một nền kinh tế", ông Tuyển nhìn nhận.

Ông Tuyển cũng cho rằng trong 10 năm qua, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chậm được tạo điều kiện phát triển nên quy mô nhỏ, tiềm lực hạn chế, sức cạnh tranh thấp. Quá trình hội nhập cũng chưa làm gia tăng nội lực của kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, FDI đang chiếm trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 70% kim ngạch xuất khẩu.

"Sự gắn kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước kém. Hệ quả là tồn tại hai nền kinh tế trong một quốc gia", ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, sau 10 năm, khoảng cách giàu nghèo đang bị doãng ra trong khi công tác giảm nghèo chưa bền vững. Một bộ phận trong giới trẻ bị tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập, chạy theo lối sống thực dụng. Vấn đề an toàn thông tin và an ninh mạng cũng đang là thách thức lớn đối với từng cá nhân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.

"Sau 10 năm gia nhập WTO, chúng ta đã tận dụng được những cơ hội mà hội nhập mang lại nên đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng cũng chưa khai thác hết cơ hội mà tiến trình này mạng lại và do đó, đang phải đối đầu với những thách thức lớn. Nguy cơ rơi vào bẫy tự do hóa và bấy thu nhập trung bình vẫn còn hiện hữu và là thách thức lớn với nhà nước, người dân và cộng đồng doanh nghiệp nước ta", ông Tuyển nhận xét.

Chủ nghĩa bảo hộ chỉ là xu hướng ngắn hạn

Theo ông Tuyển, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là một xu thế lớn của thế giới đương đại. Nội năng của nó là sự phát triển rất nhanh, rất mạnh của khoa học- công nghệ khiến quá trình quốc tế hóa sản xuất và phân công lại lao động xã hội diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới, hình thành mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

"Bảo hộ chỉ là xu hướng ngắn hạn. Sự nẩy sinh của xu hướng này có nguyên nhân từ khủng hoảng của mô hình phát triển và phương thức quản trị toàn cầu".

Vì vậy, ông Tuyển cho rằng Việt Nam cần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Tiêu chí cơ bản cho việc lựa chọn là lấy lợi ích quốc gia làm tối thượng. Mọi tuyến hội nhập và việc lựa chọn các FTA phải bảo đảm thúc đẩy sự phát triển của đất nước, nâng cao đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, phải chủ động cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, phát huy mạnh mẽ nội lực; coi nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng, phải làm cho doanh nghiệp dân tộc mạnh lên.

"Hiện ta đã tham gia nhiều FTA với nhiều thị trường quan trọng. Vì vậy, tới đây cần tính toán kỹ khi tham gia các Hiệp định mới. FTA với Israel là một sự lựa chọn đúng. Có thể xem xét FTA với Nam Phi, Brazil, Argentina nếu các đối tác này cũng sẵn sàng. Vào thời điểm thích hợp có thể đặt vấn đề đàm phán FTA song phương với Hoa Kỳ", ông Tuyển nêu quan điểm.

Ông Tuyển cũng lưu ý hiện nay cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tràn đến. Cuộc cách mạng này sẽ tích hợp với tiến trình hội nhập tạo ra những cơ hội và những thách thức mới.

"Ta phải có cách tiếp cận đúng. Cần áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng này, trước hết vào những lĩnh vực ta có lợi thế so sánh tốt nhất. Từ đó, tạo tác động lan tỏa sang các lĩnh vực khác. Công nghệ thông tin, nông nghiệp du lịch chính là những lĩnh vực ta có lợi thế. Hết sức coi trọng đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên nguồn nhân lực cho những lĩnh vực này", cựu Bộ trưởng Thương mại phân tích.

Tin mới lên