Diễn đàn VNF

TS Huỳnh Thế Du ‘phản pháo’ chuyên gia kinh tế trưởng WB về thuế VAT

(VNF) – Sau khi ông Sebastian Eckhardt - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, có những chia sẻ với báo giới về tác động của việc tăng thuế VAT đối với người nghèo, TS Huỳnh Thế Du - Giám đốc đào tạo tại Khoa Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam – đã có những ý kiến phản biện.

TS Huỳnh Thế Du ‘phản pháo’ chuyên gia kinh tế trưởng WB về thuế VAT

TS Huỳnh Thế Du - Giảng viên chính sách công kiêm Giám đốc đào tạo tại Khoa Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam

Bình luận về chương trình tăng thuế VAT của Bộ Tài chính Việt Nam, ông Sebastian Eckhardt cho rằng: tranh luận về tác động tới phân bổ thu nhập của thuế VAT, đặc biệt là đối với người nghèo là rất quan trọng. Đây là vấn đề gây tranh cãi khắp nơi trên thế giới. Không giống như thuế thu nhập có tính chất lũy tiến, thuế VAT không phân biệt đối tượng nộp thuế. Tất cả các hộ gia đình đều phải trả thuế VAT như nhau, bất kể mức thu nhập thế nào. Vì vậy, thuế VAT có tính chất lũy thoái.

"Bởi vì các hộ gia đình giàu thường có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn, và dùng nhiều hàng hoá đắt đỏ hơn nên họ trả phần lớn thuế VAT. Tại Việt Nam, theo tính toán của chúng tôi thì 20% hộ gia đình nghèo nhất chỉ trả khoảng 9% tổng số thu thuế VAT. Trong khi đó, 20% hộ gia đình giàu nhất trả gần 40% tổng số thu thuế VAT. Điều này có nghĩa là nếu một hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10.000 đồng do thuế suất thuế VAT thấp thì hộ giàu tiết kiệm được 40.000 đồng. Vì vậy, thuế suất thuế VAT thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo", ông Sebastian Eckhardt nói.

Ông Sebastian Eckhardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

Nhận định về phân tích này của chuyên gia kinh tế trưởng WB, TS Huỳnh Thế Du đặt câu hỏi: "Có thực sự là thuế suất VAT thấp mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo? Hay nói cách khác là tăng thuế VAT thì người giàu chịu gánh nặng thuế nhiều hơn?"

Theo điều tra mức sống hộ gia đình năm 2014 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân/tháng của một nhân khẩu thuộc 20% dân số có thu nhập nhất là 660 nghìn đồng. Con số này ở nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất là 6,413 triệu đồng - gấp 9,7 lần nhóm thấp nhất.

Tính ra, tổng thu nhập của nhóm thấp nhất (20%) chỉ chiếm 4,2% tổng thu nhập của các hộ gia đình cả nước, trong khi nhóm cao nhất (20%) là 48,6%.

Khi nhóm thấp nhất phải nộp khoảng 9% và nhóm cao nhất nộp gần 40% thuế VAT thì thuế suất trên một đồng thu nhập của nhóm thấp nhất gấp hơn 2,6 lần nhóm cao nhất [(9%/4,2%)/(<40%/48,6%)].

"Nói cách khác là thuế VAT ở Việt Nam đang có tính lũy thoái rất cao và so với tỷ phần thu nhập thì người giàu đang phải nộp thuế ít hơn rất nhiều so với người nghèo. Như vậy kết luận phải là khi tăng thuế VAT thì gánh nặng của người nghèo cao hơn người giàu chứ không phải là ngược lại như phát biểu được báo trích dẫn của ông Sebastian Eckhardt", TS Huỳnh Thế Du cho hay.

Vị Giám đốc đào tạo Khoa Chính sách công và Quản lý của Đại học Fulbright Việt Nam cũng để ngỏ khả năng truyền thông không nêu hết ý của ông Sebastian Eckhardt. "Nhưng nếu đúng ông ấy nói như vậy thì rất ngạc nhiên khi một người có vai vế của một tổ chức có uy tín lại dùng kỹ xảo của con số tuyệt đối như vậy", ông Du nói.

Trước đó, khi bình luận về thuế suất VAT, TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright – cũng khuyến cáo Chính phủ cần thận trọng với quyết định tăng thuế vì 3 lý do.

Một là thuế VAT nhìn chung có tính "lũy thoái", do vậy sẽ đánh vào người thu nhập thấp nặng nề hơn. Người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Song do người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn - do vậy khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng.

TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

Thứ hai, tỷ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện đã khá cao, cao hơn hẳn so với các nước EU – là những nước có thuế suất VAT thuộc nhóm cao nhất thế giới. Với thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10%, VAT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách của Việt Nam. Trong khi đó, với mức thuế suất phổ thông trung bình cao hơn hẳn (21,3%), VAT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU (xem 2 đồ thị ở dưới). Điều này cũng ngụ ý rằng, việc tăng thuế suất VAT không hiển nhiên cải thiện vai trò của sắc thuế này trong tổng ngân sách.

Thứ ba, và quan trọng nhất, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp, trong khi tỷ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28-29% GDP. Việc tăng thuế VAT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách "vung tay quá trán" hay các dự án nghìn tỷ đắp chiếu và kém hiệu quả.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kì tháng 8/2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã đưa ra nhận định: "việc điều chỉnh thuế VAT có tác động đến người dân nhưng Bộ Tài chính đánh giá rằng với mức điều chỉnh như vậy, tác động đối với người thu nhập thấp, người nghèo là không nhiều".

Theo bà Mai, hiện luật thuế VAT quy định 25 nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế, 15 nhóm dịch vụ, hàng hoá chịu thuế 5%.

Dựa trên kết quả khảo sát mức sống dân cư được công bố năm 2014, Bộ Tài chính nhận thấy nhóm người có thu nhập thấp dành tới 59,6% thu nhập để chi cho y tế, thực phẩm và giáo dục.

Ngược lại, nhóm người thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% tổng chi cho các nhóm hàng hoá thiết yếu này.

Trong khi đó, y tế và giáo dục hiện đang là đối tượng không chịu thuế, lương thực - thực phẩm do người dân sản xuất trực tiếp bán ra cũng không chịu thuế, chỉ có khâu kinh doanh - buôn bán mới chịu thuế ở mức thấp 5%. Các mặt hàng thiết yếu khác như thuốc chữa bệnh, các mặt hàng đầu vào của nông nghiệp…đều ở mức thuế suất thấp 5%, dự kiến tăng lên 6%. Thuế suất phổ thông hiện là 10%, dự kiến tăng lên 12%.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Mai cho rằng, với nhóm người thu nhập thấp, người nghèo hiện Chính phủ vẫn có những chính sách an sinh xã hội khác nhằm giúp đỡ những đối tượng này từ y tế, giáo dục, nhà ở…


Tin mới lên