Nhân vật

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng ở đâu trong danh sách người giàu nhất Đông Nam Á?

(VNF) – Tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện đang đứng thứ 25 trong danh sách người giàu nhất Đông Nam Á. Trong số 6 quốc gia có tỷ phú USD theo danh sách Forbes, Việt Nam chỉ góp mặt 2 cái tên, trong khi Thái Lan có tới 37 tỷ phú, Singapore có 21 tỷ phú, Indonesia có 20 tỷ phú, Philippines có 13 tỷ phú và Malaysia có 11 tỷ phú.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng ở đâu trong danh sách người giàu nhất Đông Nam Á?

Mặc dù là người giàu nhất Việt Nam nhưng xét trong khu vực, tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn đang ở vị trí khá khiêm tốn

Sau khi lọt vào nhóm 500 người giàu nhất thế giới theo xếp hạng của tạp chí danh tiếng Forbes thì đến thời điểm hiện tại (8 giờ sáng ngày 27/11), tỷ phú Phạm Nhật Vượng của Việt Nam đã rời nhóm và đang xếp ở vị trí thứ 512 trong danh sách Forbes với khối tài sản 4,2 tỷ USD.

Theo thống kê của VietnamFinance, hiện trong khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 104 tỷ phú USD theo danh sách Forbes, tập trung tại 6 quốc gia bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Đứng đầu trong danh sách trên là anh em nhà Chearavanont – chủ sở hữu tập đoàn Charoen Pokphand Group (C.P Group) của Thái Lan với tổng tài sản lên đến 29,7 tỷ USD.

Anh em nhà Chearavanont được mệnh danh là những "ông trùm" ngành thức ăn chăn nuôi. Năm 1969, Dhanin Chearavanont kế nhiệm cha để trở thành Chủ tịch C.P Group. Sau đó, doanh nhân này mở rộng từ kinh doanh hạt giống lâu năm sang chăn nuôi, đặc biệt là gia cầm.

Hiện tập đoàn này hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực như sản xuất thức ăn chăn nuôi, viễn thông, dược phẩm, tài chính... C.P Foods là một trong những mảng kinh doanh nổi tiếng nhất. Trong khi đó, C.P All hiện cũng vận hành hàng nghìn cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại Thái Lan.

Xếp thứ 2 là Henry Sy – "vua bán lẻ" Philippines, người đứng đầu tập đoàn SM Investments hiện đang sở hữu khối tài sản 20,4 tỷ USD.

Henry Sy chuyển từ Trung Quốc sang Philippines để gặp cha năm 12 tuổi. Ngay sau đó, ông bắt đầu bán giày trên nhưng con phố Manila. Năm 1958, Henry tự mở cửa hàng giày đầu tiên mang tên Shoe Mart.

Trong giai đoạn bất ổn chính trị, kinh tế 1970 - 1980, Henry Sy đẩy mạnh phát triển hệ thống Shoe Mart khắp Philippines khi mà các nhà đầu tư khác chững lại. Trên đà thành công, tập đoàn SM Investments của ông tiếp tục khai trương cửa hàng bách hoá và trung tâm mua sắm đầu tiên tại nước này.

Ngoài bán lẻ, SM Investments còn hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, tài chính tại Philippines và Trung Quốc. Tập đoàn này đang sở hữu ngân hàng lớn nhất Philippines - BDO Unibank và là hãng bất động sản hàng đầu châu Á.

Đứng thứ 3 là gia đình Chirathivat của Thái Lan – những người đang sở hữu tập đoàn bán lẻ lừng danh Central Group – đơn vị đã chi tới 1 tỷ USD mua lại chuỗi siêu thị Big C Việt Nam.

Năm 1925, người sáng lập tập đoàn, ông Tiang Chirathivat đã nhập cư từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) sang Bangkok để lập nghiệp. Ông mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ chuyên bán đồ nhập khẩu tại quận Thonburi bên bờ tây sông Chao Phraya.

Năm 1956, gia đình ông quyết định mở rộng việc kinh doanh với một cửa hàng lớn ở Chinatown, lấy tên là Central Trading, tiền thân của Central Group sau này.

Sau khi bước chân vào ngành kinh doanh trung tâm thương mại với việc mở cửa Central Plaza Ladprao tại vùng ngoại ô phía bắc Bangkok năm 1982, tập đoàn của Chirathivat bước vào giai đoạn nâng cấp chuỗi cửa hàng. Central Group mở rộng sang kinh doanh khách sạn vào năm 1983 và sau đó mở rộng thị trường sang Trung Đông, Bali và cả Maldives.

Central Group là ví dụ tiêu biểu về mô hình một doanh nghiệp gia đình. Theo nhiều nguồn tin, có tới 150 thành viên trong dòng họ Chirathivat đang làm việc tại Central Group.

Thống kê từ VietnamFinance cho thấy, tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện đang đứng thứ 25 trong tổng số 104 tỷ phú Đông Nam Á xuất hiện trong danh sách người giàu Forbes.

Hiện Việt Nam mới chỉ có 2 tỷ phú USD, trong khi con số này ở Thái Lan là 37, Indonesia là 20, Philippines là 13 và Malaysia là 11 tỷ phú.

Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup là tỷ phú USD đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam, bắt đầu từ ngày 7/3/2011 với giá trị tài sản khoảng 21.200 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD tại thời điểm đó.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng được tạp chí Forbes nêu tên lần đầu vào năm 2013, giữ vị trí 974 thế giới với tổng tài sản 1,5 tỷ USD, và tăng lên 2,1 tỷ ba năm sau đó. Ông cũng là tỷ phú Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes năm 2013.

Forbes từng ví trường hợp của ông Vượng như một câu chuyện làm giàu tiêu biểu của một cá nhân ở Việt Nam trong thời đổi mới.

Ngoài ông Phạm Nhật Vượng, một đại diện khác của Việt Nam trong danh sách người giàu Forbes là tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, người hiện đang đảm nhiệm cương vị Tổng giám đốc hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air, đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng HDBank.

Bà Thảo sở hữu khối tài sản 2,2 tỷ USD, xếp thứ 1.107 trong danh sách người giàu thế giới và xếp thứ 49 trong danh sách người giàu Đông Nam Á.

Trong số 6 quốc gia có tỷ phú USD thì Việt Nam là quốc gia có số lượng ít nhất với chỉ 2 tỷ phú. Trong khi đó, Thái Lan có tới 37 tỷ phú, Singapore có 21 tỷ phú, Indonesia có 20 tỷ phú, Philippines có 13 tỷ phú và Malaysia có 11 tỷ phú.

Tin mới lên