1.000 tỷ hoàn thuế 'treo' 2 năm không giải quyết: Samsung kêu ca tới Chủ tịch TP.HCM

Trần Lê - 17/08/2023 00:54 (GMT+7)

(VNF) - Trong rất nhiều vấn đề vướng mắc được các doanh nghiệp Hàn Quốc phản ánh thì chậm hoàn thuế là một vấn đề nóng, khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc.

VNF
DN Hàn Quốc phản ánh các vướng mắc trong hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh tại TP. HCM (ảnh ITPC)

Trao đổi tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp Hàn Quốc mới đây, đại diện Công ty Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC), nhà máy tại Khu công nghệ cao TP. HCM (SHTP) có tỷ trọng xuất khẩu đến 90%. Năm 2020, DN đã xin phép chuyển đổi từ loại hình doanh nghiệp thông thường sang doanh nghiệp chế xuất (EPE) và được phê duyệt vào 1/5/2021.

Tuy nhiên, trước và sau khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì phát sinh vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Cụ thể, SEHC chưa được hoàn số tiền 24 triệu USD cho giai đoạn trước khi chuyển đổi sang EPE. Cùng với đó, 20 triệu USD trong vòng 18 tháng (từ tháng 6/2021 đến tháng 12/2022) cũng chưa được hoàn. Tổng cộng số tiền thuế VAT chờ hoàn đến 44 triệu USD, tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Nhà máy Samsung SEHC, liên quan vấn đề này, Tổng cục Thuế đã chủ trì cuộc họp với các bên tham gia, gồm có Vụ Pháp chế, Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính, Cục thuế TP. HCM, và đại diện của Samsung, tổ chức tại Tổng cục thuế (tại Hà Nội). 

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bất cứ quyết định giải quyết nào được đưa ra. Còn nếu tính từ thời điểm bắt đầu phát sinh tiền thuế VAT chưa được hoàn đến nay đã hơn 2 năm mà chưa có bất cứ giải quyết nào cho doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và Nam Việt Nam (KOCHAM), một số công ty Hàn Quốc tại TP. HCM gặp khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Cộng đồng DN Hàn Quốc đề nghị UBND TP. HCM cần tích cực hơn nữa trong việc đứng ra giải quyết vấn đề này.

Bên cạnh đó, theo Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP. HCM, các doanh nghiệp chủ yếu phản ánh sự chậm trễ trong hoàn thuế; thủ tục rườm ra liên quan đến giấy phép đầu tư, chứng nhận quyền sử dụng đất...

Đại diện GS Engineering & Construction Corp nêu vấn đề vướng mắc của GS E&C gồm xem xét lại giá đất khu đô thị mới tại Nhà Bè, chậm trễ quyết toán chi phí xây dựng tuyến đường Tân Sơn Nhất- Bình Lợi- Vành đai ngoài đã được đề cập từ cuộc đối thoại lần trước, nhưng chưa được tháo gỡ. Công ty kiến nghị TP. HCM sớm thành lập Tổ công tác giải quyết các kiến nghị một cách hiệu quả.

Hàn Quốc hiện là một trong những đối tác thương mại lớn của TP. HCM, đứng thứ 4/120 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp trên địa bàn.

Trong năm 2022, có 125 dự án đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư Hàn Quốc vào TP. HCM, với tổng vốn đầu tư hơn 60,6 triệu USD (chiếm 10,25% so với tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM).

Lũy kế đến nay, Hàn Quốc đã có 2.135 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 5,5 tỷ USD (chiếm 9,64% so với tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM).

Cùng chuyên mục
Tin khác