12 dự án yếu kém về 'siêu Ủy ban': Khép lại quá khứ?

Nguyễn Quỳnh - 18/07/2019 08:35 (GMT+7)

Nhiều người sẽ dần quên mất những sai lầm và vi phạm cần phải điều tra làm rõ ở từng dự án yếu kém của ngành Công Thương.

Vừa qua, vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý 12 dự án yếu kém thuộc ngành Công Thương đã được chuyển giao từ Bộ Công Thương sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC).

Điều này được xem là tạo điều kiện để CMSC thực hiện tốt quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với các Tập đoàn/Tổng công ty đã được chuyển giao từ Bộ Công Thương, đồng thời tạo thuận lợi trong phối hợp giữa CMSC với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành trong việc tiếp tục xử lý các dự án này.

Không “trông chờ” vào Nhà nước

Theo Bộ Công Thương, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến năm 2018 đã có 2 nhà máy hoạt động kinh doanh bước đầu có lãi; 1 nhà máy đang được xem xét để đưa ra khỏi danh sách các dự án, doanh nghiệp thua lỗ (Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng); 4 dự án còn lại tiếp tục hoạt động và tiếp tục giảm dần lỗ.

Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng đang được xem xét đưa ra khỏi danh sách các dự án kém hiệu quả. (Ảnh: Báo Công Thương)

Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay đã có 2 dự án vận hành sản xuất trở lại và 1 dự án đã hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi động lại nhà máy. Một số vấn đề phức tạp, khó giải quyết về pháp lý ở các dự án cũng được tập trung xử lý có hiệu quả như ở Dự án Nhà máy thép Việt Trung, Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ...

Theo đánh giá của ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), các giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, doanh nghiệp đã được triển khai thực hiện một cách tổng thể và toàn diện. Cùng với việc xử lý các vấn đề tài chính, quản trị, thị trường, hỗ trợ pháp lý, khoa học và công nghệ, các vấn đề về lao động việc làm, ổn định xã hội, bảo đảm môi trường, an ninh - quốc phòng đã được tính tới để xử lý, qua đó tới nay đã tạo được những chuyển biến tích cực ở các dự án, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho biết, thời gian tới, các Tập đoàn, Tổng công ty cần tiếp tục tập trung rà soát, cập nhật và đánh giá kỹ lại các vấn đề cụ thể còn đang vướng mắc, tranh chấp ở các hợp đồng EPC, quyết toán và xử lý tài sản của dự án; xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể công việc cần xử lý.

Các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra tiếp tục phối hợp để phát hiện, kết luận và xử lý các trường hợp vi phạm; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt là trách nhiệm đối với phần tài dản bị thất thoát, thiệt hại do vi phạm gây ra.

“Đối với các dự án, doanh nghiệp đang có hoạt động sản xuất kinh doanh cần tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp đổi mới công tác quản trị, tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, xây dựng kế hoạch thị trường để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp một cách bền vững. Coi đây là nhiệm vụ cấp bách và thường xuyên. Phát huy tinh thần sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị, loại bỏ tâm lý “trông chờ” vào sự hỗ trợ của nhà nước”, ông Hưng cho hay.

Tại buổi tiếp nhận bàn giao, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch CMSC đã nêu quan điểm: CMSC và Bộ Công Thương sẽ thường xuyên trao đổi, phối hợp để xử lý tồn đọng liên quan đến các dự án bàn giao.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh ký kết bàn giao nhiệm vụ xử lý một số dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương. (Ảnh: cmsc.gov.vn)

Nói về tiến trình xử lý các dự án, ông Hoàng Anh đề cập đến việc tăng trách nhiệm của người đứng đầu các Tập đoàn, Tổng công ty có dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Ông Hoàng Anh chỉ rõ: “Trách nhiệm của các Chủ tịch, Tổng giám đốc là rất nặng nề. Đây là một trong những tiêu chí đánh giá có hoàn thành nhiệm vụ hay không, nếu trong 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ là có vấn đề”.

Đẩy khó cho người khác…

Nhìn vào việc chuyển giao các dự án yếu kém của ngành Công Thương đã một thời bết bát sang một cơ quan quản lý sâu sát hơn, đặc biệt là có liên quan đến việc quản lý chi tiêu tiền của nhà nước, nhiều người nghĩ rằng đây là một động thái tích cực.

Cũng như lời khẳng định của lãnh đạo ngành Công Thương rằng, dù đã bàn giao nhưng Bộ Công Thương vẫn sẽ phối hợp chặt chẽ với CMSC trong việc tiếp tục triển khai những nhiệm vụ chung được Thủ tướng Chính phủ giao.

Nhưng theo quan điểm của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) thì việc chuyển giao các dự án này đã chứng tỏ ngành Công Thương cực kỳ nhiều vấn đề và vô trách nhiệm trong suốt cả một thời gian dài, từ việc đề xuất cho vay cũng như đề xuất bảo lãnh vay đối với các dự án thuộc ngành mình quản lý.

Cụ thể là để dẫn đến tình trạng yếu kém của các dự án như vừa qua, rõ ràng là có khuyết điểm rất lớn trong hoạt động quản lý của ngành Công Thương nói riêng, của các cơ quan quản lý nhà nước nói chung liên quan đến lĩnh vực đầu tư công cũng như việc bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình vay nợ nước ngoài.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Ảnh: KT)

Vì thế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc chuyển giao 11/12 dự án của ngành Công Thương sang CMSC chính là động thái “đánh bùn sang ao”. Bởi dù có được chuyển giao đi đâu chăng nữa, bên tiếp nhận vẫn phải tiếp tục xử lý dứt điểm các dự án này và chấp nhận một thực tế là: sẽ có lỗ cũng như phải bán tài sản tại một số dự án không có khả năng hồi phục, vì nếu đổ thêm vốn thì càng mất thêm, nhất là khi các dự án đó có liên quan đến công nghệ lạc hậu.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định Bộ Công Thương đã giải được bài toán bằng cách đẩy khó khăn cho người khác. Nhưng điều đáng ngại hơn cả là nhiều người sẽ dần quên mất những sai lầm cũng như những vi phạm nghiêm trọng cần phải điều tra, giám sát và làm rõ ở từng dự án.

“Việc làm này vô hình chung đã khép lại những sai lầm từ trước đến nay của ngành Công Thương và nhiều người đã có thể “thở phào nhẹ nhõm” với những vi phạm của mình. Nhiều người sẽ quên mất những hậu quả này do ai tạo ra, sai ở đâu và sai như thế nào và việc xử lý những người có liên quan sẽ đi đến đâu? Những lỗi lầm của những người đi trước trong việc thẩm định, phê duyệt, thực thi, tiến hành kí kết các hợp đồng cũng như triển khai đầu tư xây dựng của các dự án yếu kém vẫn chưa được nhắc đến”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đưa ra nhiều câu hỏi.

Lấy ví dụ ngay trong những tranh chấp còn đang tồn tại ở các hợp đồng EPC, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ, bản thân các hợp đồng trước đây với các nhà thầu đã không có sự cụ thể và rõ ràng, cũng như không có các điều khoản ràng buộc quy định trách nhiệm của hai bên.

“Chính vì thế khi nói đến các dự án chậm tiến độ sẽ rất khó xử phạt nhà thầu, vì các hợp đồng đã kí không có quy định cũng như cam kết nào chỉ ra điều này với những điều khoản ràng buộc chặt chẽ cũng như quy trách nhiệm giữa hai bên”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Theo VOV
Cùng chuyên mục
Tin khác