13 dự án trọng điểm có tổng mức đầu tư hơn 175.000 tỷ đồng chờ gỡ vướng

Hà Mai - 18/02/2022 07:57 (GMT+7)

Sở GTVT TP. HCM vừa gửi danh mục các dự án vướng mắc khó khăn trên địa bàn TP cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ. Tổng mức đầu tư của 13 dự án trọng điểm này là hơn 175.000 tỷ đồng.

VNF
13 dự án trọng điểm có tổng mức đầu tư hơn 175.000 tỷ đồng chờ gỡ vướng

Càng đợi, vốn càng tăng

Trong danh sách 13 dự án, có 4 dự án đang chuẩn bị đầu tư gồm: dự án BT cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh - Q.8, H.Bình Chánh) tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng đang chờ “chốt” hình thức đầu tư từ ngân sách thành phố hoặc theo hình thức BT và dự án xây dựng cụm cảng trung chuyển - ICD tại P.Long Bình (TP.Thủ Đức) 6.200 tỷ đồng đang chờ báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện và thủ tục tiếp theo.

Ngoài ra, còn 2 dự án là đầu tư xây dựng đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài tổng vốn 15.900 tỉ đồng và dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 vốn 75.777 tỷ đồng. Đây là 2 dự án quan trọng có tổng mức đầu tư lớn nhất và cũng là công trình trọng điểm đang được TP. HCM tích cực triển khai.

Trong đó, cao tốc TP. HCM - Mộc Bài hiện vẫn đang chờ ý kiến của Thủ tướng về đề xuất bố trí vốn ngân sách của T.Ư gần 6.000 tỷ đồng phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Đây là vướng mắc lớn nhất hiện nay của dự án bởi theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, hiện chưa có đủ cơ sở để UBND TP báo cáo, giải trình cho HĐND TP về dự kiến nguồn vốn, khả năng cân đối vốn cho mục này.

Đáng nói, trong thời gian chờ đợi, cao tốc TP. HCM - Mộc Bài đã “kịp” đội vốn lên gần 50% so với mức 10.700 tỷ đồng (Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà Ban Quản lý dự án 2 (Tổng cục Đường bộ) trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định cuối năm 2018), chủ yếu là do cập nhật phát sinh đền bù, giải phóng mặt bằng.

Kế hoạch ban đầu, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dự kiến tháng 3/2021 thi công để dự án hoàn thành vào dịp 30/4/2025, góp phần chào mừng 50 năm thống nhất đất nước, đồng thời giải tỏa áp lực cho QL22 đang quá tải nghiêm trọng. Tuy nhiên, do vướng mắc nhiều thủ tục về vốn, dự án đến giờ vẫn chưa thể khởi công.

Loạt dự án trọng điểm của TP. HCM đang chờ Chính phủ gỡ vướng

Là điểm đầu của cao tốc TP. HCM - Mộc Bài, đường Vành đai 3 cũng đang chờ cái gật đầu cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới. Cuối tháng 1 vừa qua, UBND TP.HCM đã trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Trong đó, kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo bố trí nguồn vốn T.Ư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với kinh phí gần 40.000 tỉ đồng. Đồng thời, đề xuất nhiều cơ chế chính sách đặc thù để tạo điều kiện cho địa phương tổ chức thực hiện dự án, hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến vành đai này vào năm 2026.

Mới nhất, TP. HCM cùng các tỉnh có đường Vành đai 3 đi qua tiếp tục xin Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và kiến nghị tăng tổng vốn trung hạn thời gian này để có đủ vốn bố trí cho dự án.

Vừa làm, vừa chờ gỡ vướng

Bên cạnh các công trình đang chuẩn bị đầu tư, nhóm dự án đang thực hiện chờ xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cũng điểm tên 9 công trình trọng điểm. Nổi bật nhất phải kể đến tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên). Trong công văn gửi Thủ tướng ngày 30/12/2021, UBND TP. HCM kiến nghị được chấp thuận cho phép sử dụng ngân sách TP để bố trí kinh phí đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ của Công ty TNHH một thành viên đường sắt đô thị số 1 TP. HCM trong giai đoạn chuẩn bị vận hành khai thác thương mại tuyến này.

Công ty TNHH đường sắt đô thị số 1 được thành lập từ tháng 12/2015 nhưng phải đến 2019 mới được bổ nhiệm giám đốc và bắt đầu đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, từ tháng 4 - 12/2019, do chưa được cấp kinh phí hoạt động theo đề án thành lập nên các nhân sự không được nhận lương. Các chi phí duy trì hoạt động thường xuyên ở công ty luôn ở mức tối thiểu, dẫn đến không đảm bảo đủ nhân sự để tiếp nhận đào tạo, chuyển giao công nghệ theo tiến độ của dự án xây dựng.

Không những thế, việc giải ngân vốn ODA “nhỏ giọt” cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tuyến metro số 1 phải tiếp tục lùi đích tới 2023. Lũy kế giải ngân vốn ODA cấp phát đến nay là 10.341 tỉ đồng, giá trị vốn còn lại chưa giải ngân là 3.991,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách T.Ư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án chỉ là 1.704,6 tỷ đồng (đạt 43% nhu cầu). Trong thời gian chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, UBND TP. HCM vừa chấp thuận cho Ban Quản lý đường sắt đô thị tiếp tục triển khai các công việc của dự án metro số 1 song song với quá trình thực hiện thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.

Đối với dự án Xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, công trình trọng điểm giải tỏa ách tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất có vốn đầu tư gần 4.850 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông TP. HCM dự kiến có thể tiến hành khởi công trước 1 gói thầu hầm nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn vào đầu quý 2/2022 để đồng bộ với tiến độ xây dựng Nhà ga T3. Khu vực này hiện đã có mặt bằng sạch.

Song, TP. HCM vẫn đang chờ Thủ tướng cho phép thực hiện trước việc bàn giao mặt bằng khu đất khoảng 11,8 ha đất quốc phòng với hình thức Bộ Quốc phòng chuyển giao cho địa phương quản lý để nhanh chóng triển khai thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, các dự án như Đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - QL1; Mở rộng xa lộ Hà Nội và QL1; Xây dựng cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 2); Đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2… cũng đang chờ xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chấp thuận các đề xuất gỡ vướng của UBND TP.HCM.

Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng để phục hồi kinh tế

Cả 13 dự án trên đều đã “nhẵn mặt” trong danh sách các dự án trọng điểm luẩn quẩn hàng thập kỷ trong vòng đội vốn - chậm tiến độ - đội vốn. Đây là nguyên nhân chính khiến bức tranh giao thông TP. HCM ngày càng kém, ùn tắc từ trong ra ngoài. Các công trình xây dựng tiếp theo chỉ mang tính chất chắp vá, quá lỗi thời so với nhu cầu thực tế. Trong khi đó, các dự án đã khởi công nhưng chậm về đích lại hình thành hàng trăm lô cốt bủa vây khắp các tuyến đường, cản trở lưu thông, gây nhếch nhác bộ mặt đô thị.

Bởi vậy, khi dự án Vành đai 3 đạt được những bước tiến quan trọng về tiến độ nhờ sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, đã không giấu nổi niềm vui vì “Tết này được làm việc”.

Theo ông Lâm, từ việc sát sao chỉ đạo nhanh chóng gỡ vướng cho các dự án trọng điểm của TP. HCM cho tới bổ sung vào quy hoạch, thúc đẩy đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc khu vực Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL sau nhiều năm chậm trễ, đang cho thấy Chính phủ dành sự quan tâm rất lớn đến việc hoàn thiện hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía nam, trong đó có TP. HCM.

Người đứng đầu ngành giao thông TP kỳ vọng những tín hiệu đáng mừng này sẽ là khởi điểm để giao thông TP. HCM tạo nên những đột phá từ 2022, tạo tiền đề cho kinh tế thành phố phục hồi sau đại dịch.

TS Dương Như Hùng (Trường ĐH Bách khoa TP. HCM) khẳng định giao thông TP. HCM không thể chờ đợi, chậm trễ hơn nữa. Trong đại dịch, những yếu kém về hạ tầng càng bộc lộ rõ khi đứt gãy chủ yếu của kinh tế là hệ thống logistics. Trong thời gian tới, nếu TP. HCM muốn phục hồi nhanh, muốn cạnh tranh thì phải nắm bắt cơ hội chuyển đổi số, phải cắt giảm chi phí phân phối, đón cơ hội chuyển sang nền kinh doanh thương mại trực tuyến. Muốn làm được điều này, không có cách nào khác là đẩy đầu tư hạ tầng lên.

Xem thêm: Họp liên ngành để xử lý tình trạng bát nháo ở sân bay Tân Sơn Nhất

Theo TNO
Cùng chuyên mục
Tin khác