2 năm thực hiện đề án, Đà Nẵng có gần 41.000 trẻ em thụ hưởng chương trình sữa học đường
Lệ Chi -
19/01/2020 18:03 (GMT+7)
(VNF) - Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng vừa tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án Sữa học đường. Chương trình có sự tham dự của gần 500 đại biểu các sở, ban ngành, hiệu trưởng trường mầm non, các trung tâm bảo trợ xã hội, các cơ sở giáo dục đặc biệt, chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập trên toàn thành phố Đà Nẵng.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, hiện có 423 trường mầm non, trường chuyên biệt và các cơ sở bảo trợ và các nhóm lớp độc lập tư thục có trẻ mẫu giáo tham gia Đề án. Tổng số trẻ mẫu giáo tham gia Đề án là 40.952/51.680 trẻ, đạt tỷ lệ 79.2%. Trong đó, trường công lập 21.400/22.652 trẻ đạt tỷ lệ 94.5%; trường ngoài công lập 14.516/21.422 trẻ đạt tỷ lệ 67.8%; nhóm lớp độc lập tư thục có 5036/7606 trẻ tham gia, đạt tỷ lệ 66.2%.
Chương trình Sữa học đường tại Đà Nẵng đã thu hút nhiều sự quan tâm từ các thầy cô giáo của các trường và nhóm trẻ, với 8 báo cáo tham luận và các ý kiến chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn của các đơn vị trong công tác quản lý và chỉ đạo việc triển khai thực hiện Đề án Sữa học đường năm học 2018-2020.
Trong quá trình thực hiện Đề án tại các cơ sở giáo dục mầm non, công tác kiểm tra, giám sát được cha mẹ trẻ và các đơn vị liên ngành, địa phương thực hiện thường xuyên và nghiêm túc, trong đó việc thực hiện các chỉ tiêu dinh dưỡng và nguồn kinh phí sử dụng được quản lý chặt chẽ, không để thất thoát, đảm bảo hiệu quả và đúng mục đích. Đồng thời, các bên tiếp tục xây dựng kế hoạch nhằm đánh giá hiệu quả tác động của chương trình, và rút kinh nghiệm kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện.
423 trường và nhóm trẻ tại Đà Nẵng đang thụ hưởng chương trình sữa học đường.
Ông Phan Hữu Dũng, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng cũng cho biết huyện Hòa Vang là nơi có trẻ em là dân tộc thiểu số, tham gia chương trình trẻ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở 5 trường thuộc vùng khó khăn Hòa Vang được uống sữa học đường hoàn toàn miễn phí.
Thời gian đầu thực hiện chương trình, một trong những điều phụ huynh băn khoăn là chất lượng sữa. Tuy nhiên, qua khâu bảo quản, kiểm tra, giám sát sữa đã được các nhà trường thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, sữa nhận từ đơn vị cung cấp được bảo quản trong kho lưu trữ thực phẩm của trường và được sắp xếp cẩn thận. Các cửa kho chứa sữa đều được mắc lưới để tránh côn trùng xâm nhập. Một số trường phụ huynh giám sát việc thực hiện cho trẻ uống sữa của nhà trường qua camera. Sau khi hiểu về mục tiêu và ý nghĩa của chương trình, phụ huynh của trường cho con tham gia chương trình nhiều hơn.
Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng chia sẻ tại hội nghị
Ông Nguyễn Quang Thái, Giám đốc Phát triển Hoạt động Cộng đồng Vinamilk chia sẻ: “Sự chung tay và chia sẻ của các thầy cô giáo, các phụ huynh đóng vai trò rất lớn trong sự thành công của chương trình SHĐ tại TP. Đà Nẵng. Mong rằng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều trẻ em tại Đà Nẵng được thụ hưởng chương trình nhân văn này.”
Vinamilk tiên phong thực hiện chương trình Sữa học đường từ năm 2007, với 13 năm kinh nghiệm hỗ trợ tốt các địa phương tổ chức thực hiện chương trình sữa học đường an toàn, hiệu quả, với tổng ngân sách hỗ trợ cho chương trình đến nay hơn 500 tỷ đồng. Hiện Vinamilk đang thực hiện chương trình SHĐ tại 18/20 tỉnh/thành phố trên cả nước như: TP. HCM, Bắc Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Khánh Hòa, Hà Nam, Hà Nội, Đà Nẵng…
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone