'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Việt Nam đi đầu thế giới năng lượng tái tạo
Ông Trần Kỳ Phúc - Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, nhất là trong 4 năm gần đây (2019-2022), Việt Nam đã có sự phát triển rất nhanh về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió.
Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến hết năm 2022, đã có 8.908 MW điện mặt trời, 7.660MW điện mặt trời áp mái, 5.059 MW điện gió, 395 MW điện sinh khối và điện chất thải rắn trong tổng công suất nguồn điện.
Tổng công suất đặt của các nguồn điện gió và mặt trời đã chiếm gần 27% tổng công suất đặt của hệ thống trong đó điện gió chiếm 6,27% và điện mặt trời chiếm 19,53%, đưa Việt Nam trở thành một trong các nước đi đầu về công suất lắp đặt điện năng lượng tái tạo trên thế giới và trong khu vực.
Ông Phúc cũng cho biết, ước tính khoảng 20 tỷ USD chủ yếu từ nguồn vốn tư nhân và nước ngoài đã được huy động trong thời gian qua, giảm sức ép nguồn vốn nhà nước đầu tư nguồn điện trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế. Nhiều vùng đất hoang hóa, khô cằn tại các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông... đã được khai thác sử dụng đem lại giá trị kinh tế cao, gia tăng giá trị sử dụng đất, đem lại công ăn việc làm cho người dân tại các địa phương nghèo.
Mặc dù năng lượng tái tạo có sự đóng góp đáng kể cho sản lượng điện phát trong năm 2022, nhưng đây cũng là một năm đặc biệt khó khăn cho các chủ đầu tư điện gió và điện mặt trời không đóng điện kịp tiến độ sau khi quy định giá bán điện FIT hết hiệu lực.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện có 85 dự án năng lượng tái tạo (dự án chuyển tiếp) với tổng công suất 4.736,16 MW (gồm 8 dự án điện mặt trời và 77 dự án điện gió) không đáp ứng điều kiện áp dụng giá bán điện FIT.
Một tín hiệu tích cực cho các nhà đầu tư của các dự án chuyển tiếp là Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 15/2022/TT-BCT vào tháng 10/2022 về việc quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
Bộ Công Thương đã ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp làm cơ sở cho EVN và các chủ đầu tư sớm thỏa thuận giá điện để đưa các nhà máy vào vận hành.
Theo đó, khung giá đã được tính toán trên cơ sở chi phí quy định tại báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật được thẩm định của 99 nhà máy điện mặt trời (gồm 95 nhà máy điện mặt trời mặt đất, 4 nhà máy điện mặt trời nổi) và 109 nhà máy điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN.
Đến ngày 1/8/2023, đã có 74/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp gửi hồ sơ phục vụ cho việc đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA) và có 59/85 dự án thống nhất chấp nhận tính giá tạm là 50% giá trần của khung giá theo Quyết định 21 trong giai đoạn chưa đàm phán xong PPA.
Chính sách chưa theo kịp thực tiễn
Theo Viện trưởng Viện Năng lượng, hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo hiện còn chưa đầy đủ, chưa thể chế hóa kịp thời, chưa theo kịp với thay đổi nhanh chóng của thực tiễn. Ngoài ra, quản lý nhà nước về quy hoạch chưa thực sự hiệu quả, thiếu quyết liệt, thiếu chế tài xử lý. Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ giá và nội địa hóa công nghệ. Quy định pháp luật về quy hoạch, đầu tư chưa toàn diện, đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn và nguồn lực thực hiện.
Một vấn đề mà ông Phúc chỉ ra là giá điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, địa nhiệt, sinh khối còn cao hơn giá điện sản xuất từ nguồn nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, giá điện chưa đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư vào ngành cũng như thúc đẩy, tạo động lực cho các hoạt động sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam nhấn mạnh, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo cần được đặt lên ưu tiên hàng đầu và những cơ chế ưu đãi cao nhất cần được áp dụng cho việc thu hút đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước vào lĩnh vực này.
Theo đó, ông Thành cho rằng, cần củng cố lưới điện để truyền tải điện tái tạo từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Lưới điện cũng cần được đầu tư theo hướng "thông minh" để có thể phản ứng linh hoạt với những biến động của cung và cầu. Hệ thống lưới điện mạnh hơn và thông minh hơn sẽ giảm thiểu các sự cố mất điện và có giá cả phải chăng.
Tiếp theo, cần xây dựng một hệ thống đấu thầu giá điện cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo vì điện mặt trời và gió (cũng như hydro) có chi phí vận hành thấp hoặc gần bằng không, còn lại chủ yếu là chi phí cố định, nên các nguồn phát này có lợi thế tự nhiên khi tham gia đấu thầu giá điện so với nguồn điện than hay khí đốt
Giải pháp thay thế cho cơ chế đấu thầu là hợp đồng bao tiêu dài hạn ở một mức giá xác định với các điều khoản giống các dự án năng lượng hóa thạch. Giải pháp này sẽ giúp các dự án năng lượng tái tạo dễ tiếp cận vốn vay ngân hàng cũng như các khoản vay quốc tế có chi phí thấp và dài hạn hơn.
Đồng thời, cần có chính sách thiết lập giá điện bằng với chi phí sản xuất mới, đặc biệt nếu nguồn cung mới đắt hơn chi phí trung bình và giá điện hiện nay. Nếu chi phí của năng lượng tái tạo là 5-7 US cent/kWh cộng với truyền tải, giá bán lẻ cần thiết sẽ vào khoảng 10-12 cent/kWh, nếu bao gồm cả chi phí phân phối, bán lẻ.
Đặc biệt, cần có chính sách xử lý các dự án tái tạo đã cấp phép trong đó một số đã đủ điều kiện nhận mức giá FIT 8-10 cent/kWh, số khác thì đã chậm thời hạn theo quy định.
Các dự án này nếu bị đẩy vào bờ vực phá sản thì sẽ trở thành gánh nặng cho các chủ nợ, trước hết là các Ngân hàng Việt Nam. Nếu nợ vay phần nào được phép cơ cấu lại, các ngân hàng Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng hơn và chủ đầu tư dự án sẽ thu được một phần lợi nhuận. Họ cần các điều khoản cho vay tốt hơn hoặc giá bán điện cao hơn, gần với mức giá FIT ưu đãi năm 2019.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cũng cho rằng, Chính phủ cần có lộ trình phê duyệt rõ ràng đối với bất kỳ dự án điện mới nào, đặc biệt là dự án dùng nhiên liệu hóa thạch. Nếu các dự án này thường xuyên phát sinh chi phí cao hơn năng lượng gió hoặc mặt trời, thì những rủi ro này cần được nhìn nhận và đưa vào tính toán tài chính. Nó có nghĩa là công suất huy động sẽ thấp thông qua đấu thầu giá điện.
Một điểm đáng chú ý được chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nhìn nhận, ngay trong trung hạn, áp lực đặt lên nhiều nhà xuất khẩu là phải sử dụng năng lượng sạch, trước mắt là một yêu cầu quan trọng ở các thị trường kinh tế tiên tiến nhưng cũng sẽ xuất hiện ở các thị trường khác. Vì vậy, việc thu hút đầu tư và thúc đẩy các ngành kinh tế theo hướng xuất khẩu không chỉ là khai thác các hiệp định thương mại tự do mà còn là đầu tư để có đủ năng lượng tái tạo cho các cơ sở sản xuất kinh doanh. Việc khuyến khích phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái ngay trong khu công nghiệp để cung cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp tại đó cần phải được thể chế hóa một cách rõ ràng.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.