5 dự án vi phạm trật tự xây dựng: Quận Cầu Giấy ra 'tối hậu thư' cho các chủ đầu tư

Kỳ Thư - 23/07/2022 08:01 (GMT+7)

(VNF) - “Trường hợp các chủ đầu tư không chấp hành việc tháo dỡ công trình vi phạm, UBND quận sẽ ban hành quyết định cưỡng chế trước ngày 30/7/2022 và tổ chức thực hiện cưỡng chế”, Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà nhấn mạnh.

VNF
5 dự án vi phạm trật tự xây dựng: Quận Cầu Giấy ra 'tối hậu thư' cho các chủ đầu tư

Thực hiện nội dung kết luận số 39/KL-TTr ngày 17/5/2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, trên địa bàn quận hiện có 5 dự án còn tồn tại những công trình vi phạm trật tự xây dựng theo kết luận 39 này.

Để chủ động xử lý dứt điểm các vi phạm, UBND quận Cầu Giấy và phường Trung Hoà đã làm việc với các đơn vị, chủ đầu tư có liên quan để triển khai việc tổ chức thực hiện, lập biên bản kiểm tra hiện trạng, biên bản vi phạm hành chính.

Trên cơ sở đó, ngày 8/7/2022, UBND quận Cầu Giấy đã ban hành 5 quyết định số:  121/QĐ-KPHQ, 122/QĐ-KPHQ,123/QĐ-KPHQ, 124/QĐ-KPHQ, 125/QĐ-KPHQ, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 5 chủ đầu tư của các dự án còn tồn tại vi phạm trật tự xây dựng gồm: trung tâm dịch vụ số 1 - lô đất TN1 khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính; khu công viên giải trí số 1 - lô đất CX2; cải tạo, mở rộng quy mô đào tạo trường mầm non Lý Thái Tổ tại lô đất NT2; trung tâm dịch vụ số 2 tại ô đất TN2; cải tạo trường tiểu học Lý Thái Tổ.

Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà cho biết, UBND quận đã giao các đơn vị phối hợp với chủ đầu tư tự tháo dỡ các hạng công trình vi phạm theo thời hạn tại các quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

“Trường hợp các chủ đầu tư không chấp hành việc tháo dỡ công trình vi phạm, UBND quận sẽ ban hành quyết định cưỡng chế trước ngày 30/7/2022 và tổ chức thực hiện cưỡng chế”, Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà nhấn mạnh.

Theo Kết luận số 39/KL-TTr của Thanh tra Bộ Xây dựng, dự án cải tạo, mở rộng quy mô đào tạo trường mầm non Lý Thái Tổ (ô đất NT2) đã xây dựng, cải tạo 2 hạng mục công trình sai quy hoạch được duyệt. Cụ thể, xây tường bao, mái tôn thành phòng khoảng 30m tại tầng 2 nhà hiệu bộ (theo quy hoạch là sân chơi ngoài trời); xây tường bao thành phòng tại tầng 1 nhà đa năng (theo quy hoạch là sân chơi liên thông với sân ngoài trời).

Còn tại dự án cải tạo trường tiểu học Lý Thái Tổ, chủ đầu tư xây dựng hành lang nối nhà hiệu bộ 4 tầng với nhà học 4 tầng, quây tôn thành phòng sai giấy phép xây dựng số 142/GPXD ngày 28/11/2017 do Sở Xây dựng Hà Nội cấp; đồng thời, xây dựng 2 công trình sai tổng mặt bằng được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận tại Văn bản số 3997/QHKT-TMB-PAKT ngày 23/6/2017.

Tuy nhiên, theo báo cáo của chủ đầu tư dự án này, công trình nhà khung thép tại vị trí tiếp giáp giữa khối nhà học hiệu bộ và khối nhà lớp học trục 1-2 và C-E, kích thước khoảng 7,9m x 6,8m (53,72m2), cao 7,2m là phù hợp với yêu cầu hiện nay của nhà trường nên đề nghị cho phép giữ lại theo hiện trạng.

Đối với công trình 2 tầng đang hoàn thiện tại vị trí độc đắc phía tây - bắc, tiếp giáp với khối nhà lớp học hiệu bộ (nhà số 2), khối nhà lớp học xây mới (nhà số 1) tại trục 16-E, diện tích 145,2m2, thực tế hiện trạng là công trình 1 tầng, tường gạch, mái tôn, sử dụng làm thư viện phục vụ nhu cầu của giáo viên và học sinh của trường.

Theo Kết luận số 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng, dự án trung tâm dịch vụ số 1 - lô đất TN1 (Khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính) do Công ty Cổ phần Trung tâm Séc - G3 làm chủ đầu tư đã xây dựng công trình sai quy hoạch tăng thêm 227m2. Tất cả các hạng mục của công trình đều đưa vào sử dụng từ tháng 10/2015 đến tháng 3/2016.

Sau khi kiểm tra thực tế, quận đề nghị cho phép giữ lại phòng chứa máy biến áp và phần thang máy và thang bộ theo hiện trạng vì đây chỉ là công trình tạm, chỉ mang tính chất che chắn, bổ sung thêm lối thoát hiểm, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho công trình khi xảy ra sự cố.

Đưa vào sử dụng từ tháng 12/2013, dự án khu công viên giải trí số 1 - lô đất CX2 cũng xây dựng các hạng mục công trình sai rất nghiêm trọng so với quy hoạch. Hiện, chủ đầu tư đã tự tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm tại lô CX2A.

Về phần tầng hầm công trình, UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 10470/VP-ĐT ngày 5/11/2019; trong đó, có chỉ đạo: “Đối với phần diện tích tầng hầm mở rộng không phù hợp với bản vẽ quy hoạch được phê duyệt nhưng nằm trong phần diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chủ trì phối hợp với UBND quận Cầu Giấy nghiên cứu căn cứ quy định của pháp luật thống nhất phương án xử lý, đề xuất, báo cáo UBND thành phố xem xét quyết định”.

Còn tại dự án trung tâm dịch vụ số 2 tại ô đất TN2 (khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính), lãnh đạo quận Cầu Giấy cho biết, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Hợp tác đầu tư Phúc Thanh đã xây dựng công trình sai tổng mặt bằng, phương án kiến trúc đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận.

Cụ thể, theo quy hoạch, công trình 3 tầng nhưng thực tế xây 3 tầng nổi và 1 tầng hầm (tầng hầm hiện trạng có tường ngăn thành các phòng, đang sử dụng làm phòng khám đa khoa và chỗ để xe); quy hoạch là khu vực lối vào và sân vườn (sân trong), hiện trạng là công trình 1 tầng diện tích khoảng 135m2.

Theo tổng mặt bằng, phương án kiến trúc, tầng 1 là cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm, không gian đa năng; tầng 2 là phòng khám, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp; tầng 3 là lớp học thể dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp.

Nhưng thực tế, tầng 1 làm văn phòng, dịch vụ giáo dục đào tạo và phòng khám đa khoa, tầng 2 làm văn phòng, tầng 3 là khu văn phòng, dịch vụ giáo dục đào tạo.

Năm 2011, Sở Xây dựng Hà Nội đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội hành vi vi phạm trật tự xây dựng “xung quanh thang bộ phía ngoài có quây khung nhôm diện tích khoảng 18m2, không phù hợp với phương án kiến trúc được duyệt” nhưng không xử lý theo quy định, đến ngày 11/82020 vẫn tồn tại hạng mục vi phạm này.

Lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cho biết, nếu các chủ đầu tư trên không tự giác tháo dỡ các hạng mục vi phạm, quận giao các phòng, ban và UBND phường Trung Hòa tiếp tục tuyên truyền, vận động tháo dỡ.

Trường hợp các chủ đầu tư không chấp hành, lực lượng chức năng quận sẽ tổ chức cưỡng chế, phá dỡ công trình vi phạm  theo quy định của pháp luật. Quận dự kiến hoàn thành xử lý các vi phạm này trong tháng 8/2022.

"Cùng với việc xử lý các công trình vi phạm theo Kết luận 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng, quận đang tiếp tục rà soát các công trình vi phạm trật tự xây khác còn tồn tại trên địa bàn để xử lý kiên quyết; đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm phát sinh mới, gây bức xúc trong dư luận", Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà nhấn mạnh.

Về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng trách nhiệm thuộc thẩm quyền tổ chức, cá nhân nào thì phải xử phạt đúng trách nhiệm, không bao che. UBND cấp phường, cấp quận sai thì UBND thành phố cũng có trách nhiệm khi buông lỏng quản lý.

"Nhiều sai phạm đã được chỉ ra trong đó việc buông lỏng quản lý xây dựng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sai phạm đường Lê Văn Lương. Việc này đầu tiên phải xử lý trách nhiệm của UBND cấp phường, cấp quận vì trực tiếp quản lý nhưng lại để một số chủ đầu tư xây dựng sai quy hoạch. Việc này cũng có trách nhiệm của UBND thành phố Hà Nội vì không thanh tra, giám sát thường xuyên", luật sư Đức chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền thành phố Hà Nội sẽ phải là những người chịu trách nhiệm đầu tiên cho những sai phạm quy hoạch trong một thời gian dài, khiến một trục đường huyết mạch của thủ đô như trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương đã bị băm nát bởi các tòa nhà chung cư "mọc lên như nấm".

"Đầu tiên phải nhìn nhận việc kiểm tra, thanh tra của chúng ta yếu kém, một số địa phương còn ngần ngại thực hiện nhiệm vụ này. Chúng ta phải thay đổi thể chế quản lý, phải đẩy mạnh hơn công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan hành chính cấp trên xuống các cơ quan hành chính cấp dưới", GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Chứng khoán Thiên Việt bất ngờ công bố thay đổi kết quả kiểm phiếu

Chứng khoán Thiên Việt bất ngờ công bố thay đổi kết quả kiểm phiếu

(VNF) - Công ty cổ phần chứng khoán Thiên Việt (TVS) mới công bố thông tin về việc đính chính kết quả kiểm phiếu tại Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 số 2404/2024/BB-ĐHĐCĐ ngày 24/4/2024.

‘Trắng’ doanh thu BĐS, PHC lãi chưa nổi 1 tỷ trong quý I

‘Trắng’ doanh thu BĐS, PHC lãi chưa nổi 1 tỷ trong quý I

(VNF) - Kết thúc quý I/2024, Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (HoSE: PHC) chỉ ghi nhận 0,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm tới 58% so với cùng kỳ.

10 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý bị khởi tố từ đầu năm 2024 đến nay

10 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý bị khởi tố từ đầu năm 2024 đến nay

Từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 10 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý gồm cựu Bộ trưởng, Bí thư, cựu Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư, cựu phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, cựu Chủ tịch UBND tỉnh...

Phải trả 2.883 tỷ đồng vụ Trương Mỹ Lan, nhà Cường ‘Đô La’ lãi 1 tỷ đồng

Phải trả 2.883 tỷ đồng vụ Trương Mỹ Lan, nhà Cường ‘Đô La’ lãi 1 tỷ đồng

(VNF) - Theo giải trình của công ty, việc doanh thu sụt giảm mạnh so với cùng kỳ là do thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, thủ tục pháp lý dự án còn chồng chéo.

Trải nghiệm dịch vụ chuẩn mực quốc tế dành cho khách hàng cao cấp

Trải nghiệm dịch vụ chuẩn mực quốc tế dành cho khách hàng cao cấp

(VNF) - Không chỉ được tiếp cận các giải pháp tài chính toàn cầu, khách hàng cao cấp tại Việt Nam còn có nhiều cơ hội trải nghiệm những dịch vụ cao cấp xứng tầm theo chuẩn mực quốc tế.

Điều tra vụ Trương Mỹ Lan chi 147 triệu USD mua cổ phần khu đô thị Sing Việt

Điều tra vụ Trương Mỹ Lan chi 147 triệu USD mua cổ phần khu đô thị Sing Việt

(VNF) - Tòa án nhân dân TP. HCM vừa kiến nghị tiếp tục điều tra việc Trương Mỹ Lan chi 147 triệu USD mua cổ phần khu đô thị Sing Việt.

Tỉnh có lượng mưa ít nhất Việt Nam, 'nắng như Rang, gió như Phan' sẽ lột xác thế nào trong tương lai?

Tỉnh có lượng mưa ít nhất Việt Nam, 'nắng như Rang, gió như Phan' sẽ lột xác thế nào trong tương lai?

Theo quy hoạch đến năm 2050, tỉnh Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng.

Mặt hàng giúp Việt Nam thu 300 triệu USD trong quý 1, mỗi năm sản xuất ra 100 triệu tấn

Mặt hàng giúp Việt Nam thu 300 triệu USD trong quý 1, mỗi năm sản xuất ra 100 triệu tấn

Hiện nước ta có quy mô sản lượng hơn 100 triệu tấn/năm, lớn thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Fecon ‘gặt’ 611 tỷ đồng doanh thu trong quý I

Fecon ‘gặt’ 611 tỷ đồng doanh thu trong quý I

(VNF) - Công ty Cổ phần Fecon (HoSE: FCN) đã kết thúc quý I/2024 với doanh thu thuần 611 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

VN-Index giảm sâu rồi tăng sốc: Lỡ sóng nên làm gì?

VN-Index giảm sâu rồi tăng sốc: Lỡ sóng nên làm gì?

(VNF) - Với việc thị trường đã tăng quá nhanh trong những phiên gần đây, không nên kỳ vọng rằng đà đi lên của thị trường sẽ tiếp tục mạnh bạo như vậy, mà sẽ đan xen các phiên điều chỉnh và đi lên.

Hà Nội thu hút 1,1 tỷ USD vốn FDI trong 4 tháng đầu năm

Hà Nội thu hút 1,1 tỷ USD vốn FDI trong 4 tháng đầu năm

(VNF) - Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, tính chung 4 tháng đầu năm 2024, toàn thành phố thu hút 1.132 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 73 dự án với số vốn đạt 1.008 triệu USD.