AirAsia chưa thoả 'cơn khát' thị trường Việt

Anh Hoa - 12/12/2018 08:43 (GMT+7)

Sau ba lần thất bại khi thâm nhập thị trường Việt Nam, AirAsia đã được “uống nước”, nhưng để thoả mãn cơn khát, Hãng sẽ rót phải vào rất nhiều tiền.

VNF
Air Asia Bhd đang cùng với Tập đoàn Thiên Minh tìm cửa bước vào thị trường hàng không giá rẻ của Việt Nam, dù không dễ.

Không điên để bỏ qua Việt Nam

Tin ông Trần Trọng Kiên, Chủ Tập đoàn Thiên Minh (TMG) bắt tay với hãng hàng không giá rẻ của Malaysia là AirAsia Bhd để phát triển ở thị trường Việt Nam không phải đến giờ mới lộ ra.

Hồi đầu năm 2017, AirAsia đã tiết lộ sẽ đầu tư gần 43,8 triệu USD (1.000 tỷ đồng) thiết lập liên doanh với Hãng hàng không Hải Âu (HAA) để lập hãng hàng không giá rẻ ở Việt Nam.  Cụ thể, Công ty Cổ phần đầu tư AirAsia (AAIL) - chi nhánh AirAsia thuộc sở hữu toàn phần của doanh nhân Tony Fernandes nắm 30% vốn, Gumin Co Ltd nắm 69,9% vốn và HAA của ông Trần Trọng Kiên sẽ là cung cấp phương tiện vận chuyển.

AAIL và công ty liên doanh cũng ký một hợp đồng vay vốn. Trong đó, AAIL sẽ cung cấp khoản vay 2 triệu USD (8,84 triệu ringgit) và Gumin cung cấp một khoản vay lên đến 4 triệu USD (17,68 triệu ringgit).

Việt Nam sẽ là cái tên mới nhất trong danh sách các nước châu Á của AirAsia – nơi thương hiệu này hoạt động thông qua phương thức liên doanh trong ngành hàng không giá rẻ. Trước đó, hãng đã đầu tư hoạt động ở Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Thái Lan.

Để thiết lập được liên doanh này, hai bên đã tính toán kỹ và cân nhắc cẩn trọng. Thế nhưng, trong thương vụ này, người ta nhắc nhiều hơn đến tham vọng thèm muốn thị trường 100 triệu dân của tỷ phú Tony Fernandes - CEO AirAsia.

Có mặt tại  Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam lần đầu tiên diễn ra tại Hà Nội hôm 6/12/2018 vừa qua, vị CEO AirAsia chia sẻ, tại Việt Nam, hãng có mức tăng trưởng đến 43% trong 13 năm, vận chuyển 10 triệu lượt khách.

Thế nhưng, để chính thức thâm nhập thị trường Việt Nam, hãng đã 3 lần thất bại.

Trong đó, 8 năm trước, ông đã từng ký thỏa thuận chiến lược với Vietjet Air, nhưng không thành. Song với một tỷ phú từng bỏ ra 7 năm để thiết lập đường bay giữa Kuala Lumpur và Singapore, bỏ cuộc có thể là từ không có trong từ điển của ông. Và thật sự mà nói, ông không điên để bỏ qua Việt Nam - một thị trường lớn với gần 100 triệu dân, trong khi Đông Nam Á tổng số là 700 triệu dân.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam là thị trường hàng không lớn thứ năm trong khu vực và có mức tăng trưởng hành khách 28%, cao gấp 3 lần so với nhiều nước khác. Dự báo, Việt Nam sẽ đứng thứ năm thế giới về tăng trưởng lượt khách hàng không giai đoạn 2015 - 2035, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 6,7%/năm, cao hơn so với mức trung bình khu vực châu Á – Thái Bình Dương (4,6%).

“Nếu AirAsia muốn trở thành một hãng hàng không đích thực của Đông Nam Á, chúng tôi phải có mặt ở Việt Nam”, ông Tony Fernandes chia sẻ với báo giới.

Lần trở lại Việt Nam này, ông Tony Fernandes đã chọn Trần Trọng Kiên của TMG vì nhiệt huyết và có hiểu biết về ngành công nghiệp du lịch.

Trong khi đó, ông Kiên đã mất nhiều công sức phát triển mối quan hệ với AirAsia để bắt tay lâu dài với ông Tony Fernandes. Hơn nữa, đối với TMG, việc bắt tay với ông Tony Fernandes là mảng việc mới và đầy thách thức.

Hơn ai hết, ông Kiên hiểu kinh doanh hàng không liên quan đến an toàn của cộng đồng và phát triển kinh tế của cả một đất nước. Ông và và HĐQT TMG đã cân nhắc rất nhiều, bởi đây là một cam kết rất lớn.

“Xây dựng một hãng hàng không có thể không phải quá khó. Nhưng, để xây dựng một hãng hàng không có thể phát triển bền vững thì đầy thách thức”, ông Kiên nói.

Phải cắm một “cái rễ”

Với dáng vẻ đậm chất Malaysia, tỷ phú 54 tuổi đứng đầu AirAsia thích mọi thứ giản đơn, nhưng nhiều năng lượng và siêu tự tin.

Trở lại Việt Nam lần này, ông Tony Fernandes không nghĩ sẽ chiếm thị phần của ai, mặc dù ở đây đã có Vietnam Airlines, Vietjet, Jestar, sắp tới là Bamboo Airways của Tập đoàn FLC…

“15 năm trước, lúc AirAsia mới bắt đầu, chúng tôi chỉ có 2 máy bay, trong khi Malaysia Airlines có 250 chiếc. Trong 700 triệu người ở Đông Nam Á, trong đó 100 triệu người tại Việt Nam, đa phần họ chưa từng bay hoặc mới sử dụng các chuyến bay nội địa”, ông Tony Fernandes nói và khẳng định một phần sự cạnh tranh sẽ đến từ việc tạo ra thị trường mới. Và việc của ông là tạo điều kiện để mọi người được đi nhiều hơn. Vậy nên ông muốn thiết lập những tuyến bay kiểu Bangkok - Đà Nẵng hay Chiangmai - Đà Nẵng chưa được khai thác nhiều.

Hơn nữa, AirAsia sẽ có mức giá rẻ hơn, vì có lượng hành khách lớn trên toàn thế giới và độ phủ thương hiệu, sự phân phối cũng rộng hơn, tiếp cận được nhiều khách hàng mới hơn.

Theo ông, hiện hàng không Việt Nam vẫn tập trung hướng đến thị trường khách hạng thương gia, hạng phổ thông đặc biệt và khai thác chuyến bay đường dài. Trong khi những đường bay ngắn và các điểm đến giá rẻ sẽ là yếu tố tác động thúc đẩy thị trường du lịch nhiều nhất.

"Những sân bay truyền thống có thể quy mô lớn, nhưng không thực sự phù hợp với hãng hàng không giá rẻ. Khi xây dựng sân bay giá rẻ, chi phí tiết kiệm sẽ hơn kích thích nhiều người dùng dịch vụ hàng không hơn" - ông Tony Fernandes, CEO AirAsia.

“Nhiều người cho rằng khách bay giá rẻ thường ít chi tiêu. Song, khách mua vé hạng thương gia đến và rời đi rất nhanh, trong khi hành khách chọn bay giá rẻ thường lưu lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn cho ăn uống, mua sắm, khám phá...”, ông Tony nói.

Ngoài ra, ông cũng kỳ vọng Việt Nam cho phép các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào cuộc đua phát triển hạ tầng sân bay như cách mà Thái Lan, Malaysia, Philippines đã làm.

Còn về chiến lược lâu dài, cả hai chưa tiết lộ, chỉ biết là AirAsia sẽ rót vào rất nhiều tiền. Nhưng trước khi làm điều đó, họ phải cắm “cái rễ” mới, dựa trên cơ sở dữ liệu dồi dào, kênh truyền thông, bán hàng tốt. Trong đó, hãng sẽ  tập trung vào mảng digital vì là hãng hàng không đầu tiên ở khu vực có cách bán hàng số.

Thành công của “kẻ đến sau”

Trong ngành hàng không Malaysia, AirAsia được coi là câu chuyện thành công của “kẻ đến sau”.

Với vị thế là một trong những hãng hàng không quốc doanh lâu đời nhất tại châu Á nhưng Malaysia Airlines (MAS) đang phải gánh chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ những hãng hàng không giá rẻ như AirAsia. Được thành lập vào năm 1993 và chỉ thực sự đi vào hoạt động từ năm 1996, AirAsia đã vượt mặt MAS để trở thành hãng hàng không có quy mô cũng như số tuyến đường bay lớn nhất Malaysia.

Hiện Đông Nam Á có khoảng 23 hãng hàng không giá rẻ đang tham chiến và 2/3 số ghế máy bay tại đây là của các hãng bay giá rẻ này. Trong số đó, AirAsia là nổi bật nhất khi được vinh danh là hãng hàng không giá rẻ quốc tế tốt nhất thế giới 8 năm liền cho đến năm 2016.

Tony Fernandes từng là Phó chủ tịch của Time Warner Music với 1 triệu RM (226.000 USD) trong tay để mua lại AirAsia. “Tôi thích thử thách, cho dù mọi người nói là muộn rồi, khó lắm, nhưng càng thế, tôi càng hứng thú để dấn thân”, ông Tony Fernandes phản pháo khi có nhiều người cho rằng AirAsia khó có cửa bay thành công ở Việt Nam.

Ông càng tự tin hơn khi nhiều hãng hàng không truyền thống tại khu vực châu Á  đang lâm cảnh thất thế, bởi hàng không chi phí thấp đang chiếm lĩnh thị phần bởi mô hình kinh doanh phù hợp xu thế thị trường, chi phí hợp lý và sự năng động.

Trong khi ông Trần Trọng Kiên cũng là một người chỉ quan tâm đến việc trước mắt sẽ làm gì chứ không ngoái nhìn quá khứ. Việc bắt tay với AirAsia giống như ông từng trải nghiệm thử thách mua tập đoàn Victoria năm 2010 đến chuyến bay đầu tiên của Hải Âu năm 2014, hoặc mở Buffalo Tours cùng một lúc ở 6 nước vào năm 2015.

“Mỗi trải nghiệm đó rất đặc biệt với tôi. Có thể khi đó có nhiều việc mình làm chưa tốt, nhưng nó thực sự tạo cảm hứng và động lực cho mình muốn làm thêm những điều mới”, ông Kiên nói.

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác