Ẩn số lợi nhuận ngành bảo hiểm năm 2022

Hải Đường - 26/02/2022 09:00 (GMT+7)

(VNF) - Năm 2022, lợi nhuận ngành bảo hiểm có thể chịu các tác động trái chiều: lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm suy giảm nhưng lợi nhuận hoạt động tài chính khả quan.

VNF
Trong số 12 công ty bảo hiểm niêm yết trên sàn chứng khoán, chỉ vỏn vẹn 4 công ty ghi nhận lợi nhuận gộp quý IV đạt tăng trưởng dương, tương đương tỷ lệ 1/3.

Quý cuối năm kém sắc

Trong số 12 công ty bảo hiểm niêm yết trên sàn chứng khoán, chỉ vỏn vẹn 4 công ty ghi nhận lợi nhuận gộp quý IV đạt tăng trưởng dương, tương đương tỷ lệ 1/3. Trong số 8 công ty bảo hiểm còn lại, 4 đơn vị đạt tăng trưởng lợi nhuận âm, 2 đơn vị thoát lỗ nhờ hoạt động tài chính và 2 đơn vị ngậm ngùi báo lỗ sau thuế.

Đáng chú ý, những ông lớn trong ngành như Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH), Công ty Cổ phần PVI (HNX: PVI),… đều ghi nhận kết quả kinh doanh kém sắc trong quý cuối năm 2021.

Đơn vị đầu tiên trong ngành bảo hiểm thông báo về khoản lỗ sau thuế trong quý IV là Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: ABI). Lỗ sau thuế của ABI là hơn 15,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 55,9 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính quý IV/2021, công ty bảo hiểm này vẫn ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm (doanh thu bảo hiểm) tăng trưởng dương hơn 5%.

Tuy nhiên do gánh nặng chi phí từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm và chi phí quản lý doanh nghiệp, cộng thêm hoạt động tài chính ghi nhận mức lợi nhuận sụt giảm, khiến thu không bù đắp được chi đã khiến ABI có khoản lỗ sau thuế theo quý đầu tiên kể từ cuối năm 2017.

Công ty bảo hiểm thứ hai ghi tên mình vào nhóm thua lỗ trong quý IV là Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bảo Long (UPCoM: BLI). BLI vẫn đạt được tăng trưởng khả quan trong doanh thu bảo hiểm và lợi nhuận gộp, cụ thể lần lượt tăng 16,7% và 743,8% so với mức thực hiện trong quý IV/2020. Tuy nhiên, tương tự như ABI, sự kém hiệu quả trong hoạt động tài chính và sự gia tăng trong chi phí quản lý doanh nghiệp đã khiến BLI lỗ sau thuế hơn 29 tỷ đồng trong quý cuối năm. Được biết, BLI có “truyền thống” thua lỗ trong quý IV hàng năm khi 7 năm liên tiếp đều không đạt được mức lợi nhuận dương.

Cũng ghi nhận màn trình diễn kém khả quan, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (UPCoM: AIC) báo lỗ gộp hơn 92,7 tỷ đồng trong quý IV/2021, kém sắc hơn khoản lỗ gộp hơn 12 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020. Nhờ hoạt động tài chính hiệu quả với mức lợi nhuận tăng gần 22% nên AIC thoát lỗ và báo lãi sau thuế gần 3,5 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ.

Tương tự AIC, hoạt động tài chính cũng cứu BVH khỏi “một bàn thua trông thấy”. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BVH lỗ gộp gần 4,9 tỷ đồng trong quý IV, trong khi cùng kỳ lãi đậm hơn 472 tỷ đồng. Nguyên nhân là doanh thu bảo hiểm chỉ tăng nhẹ 3,6% nhưng chi phí bảo hiểm lại tăng nhanh hơn ở mức gần 9%. Nhờ hoạt động tài chính đem lại khoản lợi nhuận hơn 1.979 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ, song song với việc tiết giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, BVH ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 4,6%, đạt 551 tỷ đồng.

Tô thêm màu xám cho bức tranh lợi nhuận quý IV của ngành bảo hiểm là 4 công ty có mức tăng trưởng âm bao gồm Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (HoSE: MIG), Tổng công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia (HNX: VNR), Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) và Công ty Cổ phẩn PVI (HNX: PVI). Điểm chung của 4 công ty này là doanh thu bảo hiểm trong quý cuối năm đều đi ngang hoặc chỉ tăng nhẹ từ 2-5% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do gánh nặng chi phí và/hoặc sự sụt giảm trong hoạt động tài chính.

Điểm sáng của bức tranh ngành bảo hiểm trong quý IV đến từ 4 công ty là Tổng công ty Cổ phần Tái bảo hiểm PVI (HNX: PRE), Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (HoSE: BMI), Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BIC) và Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (HoSE: PGI). Đây là 4 công ty bảo hiểm có mức lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 2 chữ số, thậm chí là 3 chữ số so với cùng kỳ trong bức tranh sụt giảm lợi nhuận và thua lỗ của ngành bảo hiểm trong quý IV. Trong đó, BIC và BMI là 2 công ty đạt mức tăng trưởng dương cả doanh thu bảo hiểm, doanh thu tài chính lẫn lợi nhuận sau thuế trong quý cuối năm.

Mặc dù quý cuối năm kinh doanh kém sắc nhưng lũy kế cả năm 2021, tất cả công ty bảo hiểm niêm yết trên thị trường chứng khoán đều ghi nhận doanh thu bảo hiểm tăng trưởng dương. Về lợi nhuận sau thuế, ngoại trừ PRE và ABI là 2 công ty có mức lợi nhuận cả năm sụt giảm nhẹ, các công ty còn lại đều đạt tăng trưởng dương.

Như vậy, mảng xám quý IV nhìn chung không phá vỡ bức tranh tăng trưởng cả năm của ngành bảo hiểm.

Lợi nhuận năm 2022 chịu các tác động trái chiều

Theo dự báo của Công ty chứng khoán SSI, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm có thể giảm từ mức nền cao trong năm 2021, do các công ty bảo hiểm khó có thể hưởng lợi từ tỷ lệ bồi thường thấp bởi người được bảo hiểm hoãn nộp các yêu cầu bồi thường trong giai đoạn giãn cách xã hội năm 2021. Số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc năm 2021 là 33,4%, thấp hơn mức 37,2% của năm 2020.

Ngược lại, hoạt động tài chính của các công ty bảo hiểm lại đón nhận những tín hiệu khả quan. Theo dự báo của giới chuyên gia, với việc kinh tế phục hồi và nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh tăng trở lại, lãi suất huy động sẽ tăng trong năm 2022. Lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng được dự báo sẽ tăng nhẹ từ mức thấp như hiện nay. Trong khi đó, phần lớn tài sản của các công ty chứng khoán nằm ở tài sản tài chính.

Có thể kể đến một số công ty tiêu biểu như BVH, tài sản đầu tư tài chính tính tới cuối năm 2021 chiếm tới 88% tổng tài sản, tương đương giá trị hơn 149.000 tỷ đồng. Tại PVI, tỷ trọng tài sản đầu tư tài chính cũng chiếm tới 45%, đạt khoảng 11.000 tỷ đồng. Với quy mô tổng tài sản đạt giá trị từ hơn 6.300 – 8.600 tỷ đồng, ba công ty bảo hiểm là BMI, PGI và PTI có tỷ trọng tài sản đầu tư tài chính quanh mức 50% tổng tài sản, tương đương giá trị dao động từ khoảng 3.300 tỷ đồng – 4.600 tỷ đồng.

Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các công ty bảo hiểm là công nghệ. Làn sóng chuyển đổi số đã gia nhập nhiều ngành nghề trong nền kinh tế và bảo hiểm không nằm ngoài cuộc đua. Giống như một số lĩnh vực trên thị trường, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào ngành bảo hiểm có thể làm giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng doanh thu nhờ một số sản phẩm mới được phát triển bằng cách ứng dụng công nghệ như giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, chatbot bảo hiểm, ứng dụng giải quyết quyền lợi bảo hiểm trực tuyến…

Việc “chậm tiến” trong áp dụng công nghệ vào bảo hiểm có thể khiến một số công ty mất thị phần.

Cùng chuyên mục
Tin khác