Áp lực giá tiêu dùng đang ngược chiều thu nhập các gia đình

Bích Thủy - 03/06/2020 14:22 (GMT+7)

(VNF) - Nếu chỉ nhìn vào chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước, tăng 4,39%, vẫn ở mức cao nhất trong 3 năm gần đây, thì chưa thấy được áp lực kinh tế đang đè nặng lên các gia đình thế nào, nhất là trong bối cảnh lương, thưởng, các nguồn thu khác đều bị cắt giảm vì Covid-19.

VNF
Áp lực giá tiêu dùng với người dân

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân vẫn ở mức cao nhất

Theo Tổng cục Thống kê, dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, đồng thời giảm 1,24% so với tháng 12/2019 - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 - nhưng nhìn kỹ hơn thì chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước vẫn ở mức cao nhất trong 3 năm gần đây (tăng 4,39%). Điều này đặt ra yêu cầu theo dõi sát sao thị trường để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó nhóm giao thông giảm nhiều nhất (2,21%) do ảnh hưởng của giá xăng, dầu. Bên cạnh đó, nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng của các hãng xe ô tô đưa ra nhằm giảm lượng hàng tồn kho làm giá ô tô giảm 0,25%.

Nhóm bưu chính viễn thông và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch đều giảm 0,02%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,01% chủ yếu do các cửa hàng thời trang đã áp dụng nhiều chương trình giảm giá để thu hút khách hàng sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ảnh minh họa

Đáng chú ý, các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng là nhóm mặt hàng người dân đang phải dùng thường xuyên hơn. Đó là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,34%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,25% do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát tăng cao (giá nước khoáng tăng 0,12%, giá nước giải khát có ga tăng 0,05%, giá nước quả ép tăng 0,3%, giá nước uống tăng lực đóng chai tăng 0,35%). Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,25%, chủ yếu do giá gas tăng 12,08%...

Giá tăng dù í nhưng trong bối cảnh hàng triệu người dân bị giảm lương, bị mất việc, bị giảm các nguồn thu nhập do ảnh hưởng từ Covid-19, lại làm tăng gánh nặng thu chi cho các gia đình.

Người thu nhập thấp càng khó hơn

Theo Vụ Thống kê dân số và lao động thuộc Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra của hơn 132.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 và báo cáo đánh giá của các địa phương, tính đến giữa tháng 4/2020, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất (hơn 1,2 triệu lao động), bán buôn, bán lẻ (hơn 1,1 triệu lao động) và dịch vụ lưu trú và ăn uống (gần 740.000 lao động).

Số liệu này chỉ tính lao động làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể.

Lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong các doanh nghiệp và hợp tác xã chủ yếu là lao động bị tạm nghỉ việc (chiếm gần 59%), bị giãn việc hoặc nghỉ luân phiên (chiếm gần 28%) và lao động bị mất việc (chiếm gần 13%). Trong đó, lao động tạm nghỉ việc trong ngành vận tải kho bãi và ngành giáo dục và đào tạo chiếm cao nhất (trên 70% tổng số lao động tại mỗi ngành). Ngược lại, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành dịch vụ ăn uống có tỷ trọng lao động bị mất việc, bỏ việc cao nhất (chiếm gần 20% tại mỗi ngành). 

Có khoảng 85% doanh nghiệp được điều tra cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Doanh nghiệp quy mô lớn và vừa chịu tổn thương nhiều hơn. Để xử lý khó khăn, gần 67% doanh nghiệp đã thực hiện ít nhất một trong 4 giải pháp là cắt giảm lao động; cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên; cho lao động nghỉ việc không lương, giảm lương người lao động.

Tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid nhiều hơn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vì doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, đều tham gia vào hoạt động xuất-nhập khẩu, trong khi các nước là đối tác xuất-nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 khiến doanh nghiệp vừa và lớn của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng theo.

Bên cạnh đó, những ràng buộc trong điều kiện được hỗ trợ khiến một bộ phận không nhỏ những người có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra, lại không thể với tới gói hỗ trợ. Đơn giản như quy định về hỗ trợ người lao động tự do không có giao kết hợp đồng bị mất việc do dịch Covid-19, Chính phủ quy định điều kiện để được hỗ trợ trước hết là lao động phải có mức thu nhập thấp hơn 1,3 triệu đồng/tháng ở khu vực thành thị và 1 triệu đồng/tháng ở khu vực nông thôn.

Cùng chuyên mục
Tin khác