Bác kháng cáo, buộc Grab bồi thường gần 5 tỷ cho Vinasun

Hoài Thanh - 10/03/2020 20:45 (GMT+7)

Tòa phúc thẩm nhận định có mối quan hệ nhân quả giữa việc xuất hiện của Grab với thiệt hại của Vinasun, sự sụt giảm doanh thu của Vinasun do Grab.

VNF
Đại diện Grab tại tòa. Ảnh: Văn Nguyện.

Sáng 10/3, Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại TP. HCM xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Vinasun với Grab. Nhiều tài xế Vinasun có mặt đeo khẩu trang tham dự.

Chiều 10/3, sau một ngày xét xử, TAND cấp cao tại TP. HCM tuyên không chấp nhận kháng nghị của VKS, bác kháng cáo của Vinasun và Grab, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Theo đó, tòa phúc thẩm buộc Grab bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định Đề án 24 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho phép Grab thực hiện cung cấp ứng dụng kết nối hợp tác xã vận tải với khách hàng nhưng thực tế Grab lại kinh doanh vận tải.

Dựa vào tài liệu thu thập cho thấy từ đầu năm 2016, số lượng xe đăng ký phù hiệu xe hợp đồng của Grab tăng đột biến, số lượng xe nằm bãi và kinh doanh của Vinasun ngày càng giảm. Điều này cho thấy có mối quan hệ nhân quả giữa việc xuất hiện của Grab với thiệt hại của Vinasun; có sự sụt giảm doanh thu của Vinasun do Grab.

Tuy nhiên, đối với phần giảm giá trị vốn hóa của Vinasun, tòa nhận thấy sự sụt giảm đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không thể tách biệt giữa phần nào do Grab gây ra, phần nào do yếu tố khác. Do đó, HĐXX không có căn cứ chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Ngoài ra, tòa kiến nghị Bộ GTVT cần xem Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải để có chính sách quản lý phù hợp, sửa đổi nội dung Đề án 24 nếu tiếp tục thực hiện đề án này; kiến nghị Bộ Tài chính và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải có biện pháp quản lý giá cước và thu thuế đối với Grab theo đúng quy định về doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

HĐXX cũng kiến nghị cơ quan nhà nước cần xây dựng lại khung pháp lý về quản lý các loại hình kinh doanh vận tải nhằm tạo ra sự công bằng, bình đẳng cho những đơn vị tham gia kinh doanh vận tải hành khách; tăng cường giám sát giá cước, chương trình khuyến mãi, chống phá giá nhằm rối loạn thị trường trong ngành vận tải.

Đồng thời, HĐXX cho rằng các quy trình hoạt động dịch vụ taxi như Vinasun cũng cần cải thiện dịch vụ, áp dụng dịch vụ mới để cắt giảm chi phí quản lý, giảm giá thành, tạo điều kiện cạnh tranh trên thị trường theo xu thế thời đại công nghệ số.

Trước đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Theo nội dung vụ kiện, Vinasun khởi kiện GrabTaxi với nội dung đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận bị giảm sút hơn 41,2 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Hình thức mà Vinasun yêu cầu GrabTaxi thực hiện là bồi thường một lần.

Vinasun cho rằng dù Grab tự nhận là công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải nhưng thực chất là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi.

Theo Zing
Cùng chuyên mục
Tin khác