Ban IV đề xuất để doanh nghiệp tự xét nghiệm, tự chăm sóc F0

Tuệ Lâm - 27/09/2021 17:13 (GMT+7)

(VNF) - Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, hiệp hội về dự thảo tài liệu hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

VNF
Đề xuất bổ sung quy định để doanh nghiệp tự xét nghiệm, tự chăm sóc F0.

Theo Ban IV, việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với Covid-19 sẽ là nội dung điều chỉnh hết sức quan trọng của cả nước trong giai đoạn tới đây. Vì thế, các doanh nghiệp, hiệp hội, với vai trò trách nhiệm và tinh thần xây dựng cao đã chủ động nghiên cứu và mạnh dạn đóng góp nhiều ý kiến đối với dự thảo tài liệu hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Cũng trong văn bản, Ban IV cho biết vai trò của doanh nghiệp trong giai đoạn thích ứng an toàn, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội hết sức quan trọng, đã được Thủ tướng ghi nhận như là 1 chủ thể của quá trình quản lý sự an toàn trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, dự thảo vẫn chưa đặt doanh nghiệp ở vai trò chủ động mà vẫn đặt trong sự sắp xếp, thiết lập các kế hoạch của các cấp hành chính. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp vẫn sẽ rất bị động và có thể làm nảy sinh nhiều quy trình thủ tục hành chính phức tạp.

Ban IV đề xuất Ban chỉ đạo sửa đổi các quy định, trực tiếp làm rõ quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất... Đồng thời chỉ đạo các cấp chính quyền thiết lập mô hình phối hợp công - tư chặt chẽ để đồng bộ hóa các nguồn lực, nâng cao năng lực triển khai của các bên, cũng như cơ chế, tiêu chí giám sát, kiểm tra để đảm bảo việc tuân thủ của doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Trong văn bản này, Ban IV cũng đề xuất bỏ yêu cầu xét nghiệm tầm soát định kỳ cho đối tượng nguy cơ như lái xe, người chạy xe mô tô chở khách (xe ôm), người giao hàng hóa (shipper), vì các đối tượng này hầu hết đều đã tiêm vaccine. Thay vào đó, yêu cầu nhóm này liên tục thực hiện 5K và tăng cường các biện pháp truyền thông, giáo dục ý thức cho người dân khi tiếp xúc gần với nhóm này để cũng áp dụng 5K nhằm hạn chế nguy cơ lây dịch.

Về biện pháp tiêm chủng vaccine, Ban IV cho rằng nếu đặt mục tiêu khôi phục phát triển kinh tế thì cũng nên ưu tiên vắc xin cho đội ngũ làm kinh tế. Đây là bài toán hết sức khó khăn của hầu hết doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên cả nước hiện nay vì người lao động muốn quay trở lại sản xuất kinh doanh đều buộc phải đáp ứng đã tiêm đủ liều vaccine hoặc tối thiểu tiêm 1 liều.

Về biện pháp cách ly, với điều kiện hiện nay, Ban IV có quan điểm rằng nên hạn chế cách ly tập trung để giảm gánh nặng cho ngành y tế, giảm rủi ro lây nhiễm. Mục tiêu là kiểm soát độ an toàn của con người, do đó các biện pháp đưa ra cần hướng đến mục tiêu kiểm soát này.

Đối với chuyên gia, Chính phủ đã có quy định chuyên gia nước ngoài khi vào Việt Nam đã tiêm đủ 2 mũi chỉ cần cách ly 7 ngày. Nhưng chuyên gia trong nước vẫn phải cách ly 14 - 21 ngày bởi quy định riêng lẻ của nhiều địa phương. Do đó, Ban IV đề nghị dự thảo cần phải có quy định đồng bộ cho những người đã tiêm để nhất quán ứng xử với cả quốc tế lẫn trong nước, không tạo ra các quy định khác nhau ở các tỉnh thành như hiện nay gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đáng chú ý, Ban IV cũng đề xuất bổ sung quy định để doanh nghiệp tự xét nghiệm, tự chăm sóc F0 tại trụ sở doanh nghiệp hoặc các khu thu dung của doanh nghiệp, địa phương chỉ hỗ trợ điều trị các ca F0 nặng để giảm bớt áp lực và gánh nặng về nguồn lực chống dịch.

Cùng chuyên mục
Tin khác