'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
- Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sau quý II phục hồi ngoạn mục, sang tháng 7 và tháng 8 lại đang chậm lại so với thế giới. Rõ ràng là Việt Nam có kết quả khống chế dịch bệnh tốt hơn hầu hết các nước khác, triển vọng kinh tế cũng sáng sủa hơn. Thế nhưng trong khi các thị trường như Mỹ lại tăng trưởng vượt cả đỉnh cao lịch sử trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19, VN-Index vẫn đang thấp hơn đáng kể so với đầu năm. Vì sao TTCK Việt Nam lại yếu hơn?
Ông Phan Hoàng Sơn - Giám đốc chi nhánh Miền Nam, Công ty Chứng khoán KB
Ở thời điểm hiện tại, TTCK Việt Nam nói riêng và TTCK toàn cầu nói chung đang bị chi phối bởi 2 yếu tố chính. Thứ nhất là các yếu tố rủi ro toàn cầu, tập trung vào 2 chủ đề chính là diễn biến dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Thứ hai là chính sách tiền tệ và tài khóa của mỗi nước.
Không thể phủ nhận TTCK Việt Nam đang được hỗ trợ lớn và hồi phục đáng kể từ vùng đáy cuối tháng 3 bởi yếu tố đầu tiên khi mà chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh, phần nào hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc khi căng thẳng thương mại leo thang, qua đó giúp triển vọng tăng trưởng kinh tế trong các năm tiếp theo trở nên hết sức sáng sủa.
Mặc dù vậy, tác động tích cực từ yếu tố đầu tiên đến kinh tế vĩ mô trong nước sẽ có độ trễ nhất định, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong 2 quý đầu năm đã chịu tác động đáng kể bởi dịch Covid-19, ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận, qua đó kìm hãm đà tăng của TTCK trong nước lên các vùng giá cao hơn.
Trong khi đó, xét về yếu tố thứ 2, mức độ, quy mô và tầm ảnh hưởng của các gói kích thích kinh tế của Việt Nam là tương đối nhỏ giọt nếu so với một số nước phát triển trên thế giới, điển hình là Mỹ. Đây cũng là yếu tố có tác động nhanh và trực tiếp đến dòng tiền trên TTCK và là động lực chính thúc đẩy TTCK Mỹ tăng trưởng trong thời gian qua, vượt trội so với mức tăng của TTCK Việt Nam.
Về cơ bản, mặc dù có diễn biến kém tích cực hơn so với một số TTCK phát triển nhưng với việc chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, dư địa để áp dụng các gói kích thích tăng trưởng kinh tế còn tương đối lớn. Cùng với việc được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc và một số yếu tố thuận lợi khác, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong các năm tiếp theo là tương đối vững chắc và là điểm tựa cho sự tăng trưởng của TTCK trong nước trong trung, dài hạn.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Dầu khí
Diễn biến của TTCK hay nói cách khác là xu hướng vận động của TTCK trong nhiều trường hợp phản ánh sức khỏe nền kinh tế của một nước. Đó là chúng ta vẫn chưa nhắc đến yếu tố tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đã và đang tham gia giải ngân trên TTCK đó.
Một điều chắc chắn là quy mô nền kinh tế, đặc điểm của một TTCK cận biên như Việt Nam sẽ khác nhiều nếu so sánh với các nền kinh tế cùng quy mô hay nền kinh tế lớn khác, điển hình như Mỹ. Nếu TTCK Mỹ với mức điểm khởi đầu ở quanh mốc 66 điểm giai đoạn cuối thế kỷ 19 thì tới nay, qua bao giai đoạn thăng trầm, trải qua 2 cuộc chiến tranh thế giới và vô vàn những kiện chính trị, các cuộc xung đột lớn, các cuộc khủng hoảng kinh tế, chiến tranh vùng vịnh… thì chỉ số Dow Jones vẫn lần lượt vượt đỉnh mới, lên vùng 29.000 điểm giai đoạn đầu năm 2020.
Cho dù đại dịch Covid-19 đã và đang khiến kinh tế thế giới, kinh tế Mỹ, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng và ngay cả mức độ tác động của đại dịch lên 2 nền kinh tế là khác nhau thì đặc điểm chung đó là dòng tiền đầu tư không bị yếu đi mà còn trở nên mạnh mẽ hơn.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng tại Mỹ, các nước châu Mỹ la tinh, châu Âu, châu Á… thì con số những ca mắc cũng như tử vong tại Việt Nam hiện nay là rất thấp. Đây có thể nói là một trong những lợi thế của Viêt Nam.
Tuy nhiên, rõ ràng TTCK Việt Nam lại đang không diễn biến như mong đợi trong giai đoạn tháng 7, 8 và thậm chí yếu hơn trước, là do các yếu tố sau:
Thứ nhất, quy mô TTCK Việt Nam còn khá khiêm tốn trong hoàn cảnh số lượng các doanh nghiệp niêm yết, các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước vẫn không phải là nhiều so với các TTCK khác, đặc biệt là Mỹ. Một TTCK được xếp vào nhóm thị trường cận biên đương nhiên sẽ không phải là đích đến ưu tiên của dòng tiền đầu tư lớn. Các tay chơi lớn trên thị trường khu vực và thế giới sẽ lựa chọn những thị trường mà ở đó, bên cạnh sự ổn định chính trị, môi trường kinh doanh hấp dẫn, thị trường ngoại hối được tự do hóa thì nhà đầu tư không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu, cơ chế giao dịch linh hoạt.
Quy mô thị trường nhỏ, ít nhà đầu tư tổ chức tham gia nên nhiều khả năng TTCK Việt Nam sẽ chịu những cú sốc lớn hơn các nước phát triển trước những cơn địa chấn "tài chính".
Thứ hai, kinh tế thế giới, kinh tế Mỹ và các khu vực khác đều đang bị IMF, WB, OECD, HSBC… đánh giá là sẽ tăng trưởng âm trong năm nay trong bối cảnh dịch Covid-19 đang trong giai đoạn bùng phát mạnh. Việt Nam có mức độ lây lan thấp cùng mức độ tử vong ít nhưng về thời điểm đầu tư, Việt Nam đang phải đối mặt với sự lây nhiễm mạnh đợt 2 tại Đà Nẵng, kéo theo sức khỏe nền kinh tế phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp.
Mức độ lây nhiễm trong cộng đồng cao trong giai đoạn tháng 7, tháng 8 đã khiến nhà đầu tư lo sợ hơn. Nếu TTCK thế giới đã quá quen với tình trạng cách ly, giãn cách xã hội thì Việt Nam lại đang đối mặt với biến cố mới. Điều này sẽ khiến kinh tế Việt Nam đang được đánh giá phục hồi nhanh trong giai đoạn cuối năm thì nay lại vấp vào những rào cản mới: kinh tế hồi phục chậm hơn và chắc chắn bức tranh kinh tế đang u ám sẽ không thể khiến nhà đầu tư nội lạc quan hơn.
Thứ ba, giai đoạn điều chỉnh kỹ thuật cũng có thể được coi là yếu tố đang khiến TTCK Việt Nam khó có diễn biến khởi sắc hơn. Quá trình hồi phục từ mốc điểm 660 điểm giai đoạn đầu tháng 4 đến đầu giữa tháng 6 được coi là khá mạnh. Nhiều cổ phiếu tăng mạnh và vượt đỉnh mới. Giai đoạn điều chỉnh từ tháng 6 đến nay có thể nói là bình thường, đặc biệt là trong tháng 7, tháng 8 - những tháng chưa bao giờ được coi là những tháng giao dịch thuận lợi trên TTCK Việt Nam.
Cuối cùng, nhân tố không kém phần quan trọng đó là dòng tiền khối ngoại. Hiện tượng bán ròng của khối ngoại đang được nhắc nhiều trong nhiều báo cáo thị trường hiện nay. Thống kê cho thấy khối ngoại đã bán liên tiếp từ tháng 2 đến nay. Trong bối cảnh xảy ra hiện tượng rút vốn tại các thị trường mới nổi, việc TTCK hồi phục sẽ phụ thuộc chính vào sức mạnh của dòng tiền nội. Khối ngoại bán ra mạnh trong các tháng gần đây cũng đã khiến TTCK Việt Nam trở nên yếu hơn nếu đối chiếu sang sự hồi phục mạnh của nhiều TTCK trên thế giới.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, phân tích, Công ty Chứng khoán VietinBank
Điểm chung của chính phủ các quốc gia trong công tác phục hồi kinh tế từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 là hạ mặt bằng lãi suất để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của người dân, kết hợp với các biện pháp đẩy mạnh đầu tư công. Tuy nhiên, khác biệt giữa Việt Nam và các quốc gia khác đến từ bản chất nền kinh tế, khi vẫn phụ thuộc nhiều vào cung tiền. Điều này khiến các biện pháp kích cầu cần nhiều thời gian hơn để tác động thật sự đến nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Thêm vào đó, khác biệt cũng đến từ quy mô các đợt hỗ trợ kinh tế. Tại Việt Nam, các gói hỗ trợ kinh tế chủ yếu liên quan đến việc hạ lãi suất cho vay tại các ngân hàng và cơ cấu lại các khoản nợ cho vay từ việc ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Bên cạnh đó, các quốc gia trên thế giới còn tiến hành các biện pháp kích cầu bằng gói QE. Với việc lãi suất tiết kiệm quá thấp, một lượng tiền rất lớn từ các gói QE này đã tham gia vào TTCK, giúp chỉ số Dow Jones thậm chí vượt đỉnh lịch sử.
Ông Lê Long Giang - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam
VN-Index tháng 7 và đầu tháng 8 chậm lại so với thế giới theo chúng tôi là phù hợp với điều kiện vĩ mô và tình hình dịch bệnh.
Cụ thể, với đợt bùng phát dịch bệnh lần đầu, VN-Index phục hồi rất ấn tượng và tương đồng với thế giới. Tính từ đáy đợt suy giảm (đầu tháng 4) cho đến đỉnh hồi phục vào khoảng giữa tháng 6 thì VN-Index hồi phục được khoảng hơn 70% và con số này của Dow Jones vào khoảng 80%. Chúng tôi cho rằng tương quan phục hồi như trên là hợp lý nếu so sánh về vị thế và sức mạnh nền kinh tế của 2 nước.
Trong khoảng thời gian cuối tháng 6 và đầu tháng 7, VN-Index và thế giới đều bước vào nhịp điều chỉnh. Tuy nhiên, cuối tháng 7 và đầu tháng 8, VN-Index hầu như không tăng trong khi thế giới tăng mạnh là do 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, số liệu vĩ mô 7 tháng đầu năm của Việt Nam không hồi phục nhanh như kỳ vọng. Tính chung 7 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 2,6%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,4% của 7 tháng năm 2019. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng ước tính chỉ đạt 3,26%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm.
Thứ hai, dịch bệnh quay trở lại tạm thời bẻ gãy sự hồi phục của TTCK. Ngày 26/7, Đà Nẵng phát hiện ca nhiễm Covid-19 mới sau 99 ngày cả nước không có ca nhiễm trong cộng đồng. Dịch bệnh quay trở lại tác động tiêu cực ở cả 2 phương diện là tổng cầu và tần suất đi lại. Diễn biến phức tạp của Covid-19 khiến khả năng phục hồi trong những tháng cuối năm sẽ càng trở nên khó khăn hơn.
- Sự kiện dịch bệnh quay lại trong tháng 8 đã làm phát sinh biến số mới khó lường đối với cơ hội phục hồi kinh tế những tháng cuối năm. Doanh nghiệp không thể hấp thụ được vốn và bằng chứng là tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 7 vẫn rất thấp. Ông đánh giá thế nào về dư địa chính sách kích cầu cũng như khả năng tăng trưởng của năm 2020?
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Dầu khí
Dù là một trong số ít nước kiểm soát tốt dich bệnh, kinh tế vĩ mô năm 2020 của Việt Nam cũng vẫn chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19 do độ mở của nền kinh tế khá lớn. Chính phủ Việt Nam tuy đã phản ứng rất mau lẹ, mạnh mẽ và quyết đoán nhưng các gói chính sách hỗ trợ được thiết kế vẫn tồn tại những mặt hạn chế, tiêu cực và chậm được triển khai trên thực tế.
Cùng với khó khăn do suy giảm kinh tế kéo theo nguồn thu ngân sách nhà nước suy giảm, các biện pháp hỗ trợ tài khóa chắc chắn sẽ làm gia tăng mức bội chi ngân sách nhà nước trong năm 2020, gây ảnh hưởng nhất định tới an toàn nợ công và ổn định kinh tế vĩ mô trong trung và dài hạn.
Với các tháng còn lại của năm, bên cạnh việc phải kiểm soát tốt tình hình thì dư địa tăng trưởng phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố: triển vọng dòng tiền giải ngân từ kho bạc nhà nước để thúc đẩy hoạt động đầu tư công, dòng tiền giải ngân đầu tư nước ngoài, câu chuyện tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Giải ngân đầu tư công có khả năng chỉ tăng mạnh vào các tháng cuối năm sau khi xử lý xong các vướng mắc về quy trình, thủ tục, lập kế hoạch, giải phóng mặt bằng… Đây là tính đặc thù về giải ngân vốn đầu tư công hàng năm. Chính phủ cũng đặt quyết tâm rất lớn phải giải ngân hết 700 nghìn tỷ vốn đầu tư công với hàng loạt biện pháp mạnh nhằm tháo gỡ vướng mắc được cho là chưa từng có tiền lệ; làm rõ trách nhiệm người đứng đầu; cho phép điều chuyển vốn tồn đọng, không thể giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh. Tuy nhiên, thách thức vẫn rất lớn với lượng vốn chờ giải ngân trong 2 quý còn lại là hơn 500 nghìn tỷ.
Bên cạch hoạt động đầu tư công thì những chính sách kích thích tăng trưởng khác chưa hiệu quả. Các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thông qua các gói hỗ trợ tiền tệ, tín dụng còn gặp nhiều khó khăn. Ngân hàng Nhà nước cũng tham gia quyết liệt, gia tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng giai đoạn cuối năm để hỗ trợ tín dụng. Đặc biệt là quyết sách quyết liệt hơn thông qua chính sách tiền tệ là tái cấp vốn cho các công trình trọng điểm với hiệu ứng lan tỏa hỗ trợ cho các khu vực kinh tế ưu tiên khác.
Tăng trưởng GDP mặc dù sẽ bị sức ép rất lớn để có thể đạt quanh mốc 3% nhưng sẽ là rất khó khăn khi chúng ta chỉ còn 4 tháng trước mắt.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, phân tích, Công ty Chứng khoán VietinBank
Trên thực tế, trong đợt bùng phát dịch từ tháng 2, nhiều ngân hàng đã tiến hành giảm mạnh mặt bằng lãi suất và hiện đang duy trì lãi suất huy động dưới 6 tháng ổn định tại mức 4,25%/năm. Mức lãi suất này khá gần với lạm phát dự kiến trong năm nay (khoảng gần 4%).
Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước vẫn quyết định thực hiện hạ lãi suất, dòng vốn sẽ có khả năng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản. Do đó, dư địa để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện hạ lãi suất nhằm kích cầu kinh tế là tương đối thấp.
Khả năng tăng trưởng trong năm 2020 vì thế sẽ phụ thuộc lớn vào tốc độ giải ngân đầu tư công. Số liệu từ Bộ Tài chính cũng đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong vấn đề này với tốc độ giải ngân tăng lên đáng kể trong 2 tháng vừa qua. Tuy nhiên, công tác giải ngân tiếp tục gặp nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng.
Với kịch bản lạc quan, công tác giải ngân dòng vốn này dự báo sẽ hoàn thành được 75 – 80% mục tiêu đề ra, khiến mục tiêu tăng trưởng GDP 5% được đưa ra hồi đầu năm khó hoàn thành. Góc nhìn thực tế cho tốc độ tăng trưởng GDP sẽ rơi vào khoảng 2,8 – 3,2%. Mức tăng này dù thấp hơn trung bình nhiều năm nhưng vẫn là mức cao trong khu vực và trên thế giới khi nhiều quốc gia đã chính thức bước vào chu kỳ suy thoái kinh tế.
Ông Phan Hoàng Sơn - Giám đốc chi nhánh Miền Nam, Công ty Chứng khoán KB
Mặc dù đã áp dụng một số chính sách kích thích kinh tế như Chính phủ triển khai gói hỗ trợ an sinh cho các cá nhân gặp khó khăn do dịch Covid-19, miễn/giảm thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, nới tăng trưởng tín dụng và đề nghị các ngân hàng nhà nước tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay…, tuy nhiên nhìn chung, quy mô và mức độ tác động của các chính sách kích thích kinh tế này là không quá lớn.
Đây là động thái mang tính chủ động của Chính phủ nhằm giữ lại dư địa hỗ trợ kinh tế trong trường hợp làn sóng Covid-19 thứ 2 tái bùng phát, đồng thời cũng giúp duy trì tính ổn định của kinh tế vĩ mô trong bối cảnh lạm phát bình quân năm nay đang được dự báo xấp xỉ mức mục tiêu 4%.
Đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020, trong kịch bản làn sóng Covid-19 thứ 2 sớm được kiểm soát, tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP trong khoảng 2,5%-3%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trên dưới 7% trong các năm gần đây, tuy nhiên là kết quả hết sức đáng khích lệ trong bối cảnh vĩ mô toàn cầu hiện tại.
Ông Lê Long Giang - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam
6 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam thấp, chỉ đạt 3,26%. Sở dĩ tín dụng tăng trưởng thấp dù lãi vay giảm là do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Theo số liệu đăng ký doanh nghiệp 7 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 32,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm trước; 21,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 12,2%; 8,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,5%. Trong 7 tháng, trên cả nước còn có 26,7 nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, lạm phát ổn định và đang trong xu thế giảm à cơ sở để Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng nhằm hỗ trợ cho việc gia tăng tổng cầu.
Đẩy mạnh đầu tư công trong những tháng cuối năm 2020 có thể là cứu cánh cho tăng trưởng. Theo tính toán, nếu giải ngân được 80% kế hoạch đầu tư công sẽ có thể tạo ra 0,6% GDP trong quý IV; nếu ở kịch bản 470,6 nghìn tỷ đồng cộng với 225,2 nghìn tỷ đồng chuyển từ năm 2019 được giải ngân thì có thể tạo ra 1% GDP. Giải ngân đầu tư công tháng 7/2020 tăng kỷ lục đạt gần 194,2 tỷ đồng, bằng 41,26% giao đầu năm là một tín hiệu rõ ràng cho quyết tâm của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam.
Ngoài ra, nguồn lực tích lũy của Việt Nam còn khá tốt, chẳng hạn như dự trữ ngoại hối, nên vẫn còn dư địa để thực hiện các gói hỗ trợ.
- Kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK cho thấy mức sụt giảm lợi nhuận không nhiều, nhưng lại có yếu tố hỗ trợ chính từ lợi nhuận của khối ngân hàng thương mại. Lợi nhuận của khối này lại có lợi thế từ quy định của Thông tư 01 khi cho phép ngân hàng không phải trích lập dự phòng đối với các khoản nợ tái cơ cấu do dịch bệnh. Một thống kê cho thấy nếu loại bỏ nhóm ngân hàng niêm yết thì mức sụt giảm lợi nhuận trong quý II/2020 của các doanh nghiệp còn lại lên tới 31,7%. Vậy ông đánh giá thế nào về triển vọng lợi nhuận trong 2 quý còn lại của năm 2020, đâu sẽ là điểm sáng nhất ngoại trừ nhóm ngân hàng?
Ông Phan Hoàng Sơn - Giám đốc chi nhánh Miền Nam, Công ty Chứng khoán KB
Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp quý III sẽ tiếp tục phụ thuộc chính vào diễn biến dịch Covid-19. Mặc dù vậy, với việc số ca nhiễm mới trong thời gian gần đây duy trì tương đối thấp, trong khi các biện pháp kiểm soát của Chính phủ vẫn đang phát huy hiệu quả, tôi kỳ vọng làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 sẽ không khiến Chính phủ phải áp dụng lệnh cách ly xã hội toàn quốc và tác động đến nền kinh tế và doanh nghiệp niêm yết sẽ không quá lớn.
Với kịch bản này, tôi kỳ vọng một số ngành có kết quả kinh doanh quý II chịu tác động mạnh bởi lệnh cách ly xã hội trong tháng 4 sẽ hồi phục đáng kể trong quý III như ngành hàng tiêu dùng và dịch vụ tiêu dùng. Dù vậy, một số ngành có doanh thu chiếm tỷ trọng lớn từ khách quốc tế như hàng không, du lịch vẫn sẽ chịu tác động tiêu cực bởi việc đóng băng các đường bay quốc tế.
Bên cạnh đó, một số ngành đã cho thấy khả năng đề kháng tốt với dịch bệnh vẫn sẽ tiếp tục duy trì kết quả khả quan trong quý III như công nghệ, dược phẩm, vật liệu xây dựng, điện nước.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Dầu khí
Qua 6 tháng đầu năm, theo thống kê kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết thì các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tốt nhất, sau đó đến nhóm tài nguyên cơ bản (25,6%) và các nhóm hóa chất (tăng 9%), dịch vụ lắp ráp ô tô (5,3%) là những điểm sáng. Trong khi đó, các nhóm ngành khác như du lịch, dịch vụ, bất động sản hay đặc biệt là nhóm xây dựng và vật liệu đều có mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh nhóm ngân hàng thì nhóm doanh nghiệp viễn thông - công nghệ, tài nguyên cơ bản vẫn sẽ là nhóm có kết quả kinh doanh tiếp tục khởi sắc trong giai đoạn cuối năm. 2 quý còn lại của năm 2020, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ được đánh giá tốt hơn do ảnh hưởng dịch bẹnh sẽ ít trầm trọng hơn và sẽ hưởng lợi từ việc kinh tế hồi phục trở lại.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, phân tích, Công ty Chứng khoán VietinBank
Kết quả kinh doanh của các nhóm ngành (trừ ngành ngân hàng) được tóm tắt trong biểu đồ sau, với nguồn dữ liệu được lấy từ Fiinpro:
Có thể thấy nhóm công nghệ thông tin vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định trong suốt nửa đầu năm 2020. Câu chuyện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp vẫn là xu hướng dài hạn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhóm này tiếp tục phát triển.
Trong giai đoạn dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng các sản phẩm thiết yếu tiếp tục tăng lên. Điều này đã được thể hiện một phần qua kết quả trong nửa đầu năm, khi tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận quý II của các doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống tăng trưởng lần lượt 6,76% và 8,46%.
Như đã đề cập, câu chuyện đầu tư công sẽ là trọng tâm của năm 2020, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng (sắt thép, gạch, đá, nhựa đường) vượt qua khó khăn. Thực tế, qua kết quả kinh doanh nửa đầu năm, mức độ tác động của đại dịch lên các doanh nghiệp nhóm nhẹ hơn khá nhiều so với toàn nền kinh tế.
Ông Lê Long Giang - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam
Bên cạnh việc ngân hàng là trụ đỡ lợi nhuận của thị trường thì điểm sáng có thể đến từ các nhóm ngành được hưởng lợi từ chính sách của Chính phủ, xu hướng dịch chuyển dòng vốn quốc tế, các hiệp định thương mại hoặc các nhóm ngành hưởng lợi từ dịch bệnh.
Cụ thể, hưởng lợi từ đầu tư công là các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng và tài nguyên cơ bản; hưởng lợi từ dịch chuyển của dòng vốn FDI là các doanh nghiệp trong ngành bất động sản khu công nghiệp; hưởng lợi từ các hiệp định FTA là ngành thủy sản, dệt may.
Ngành dịch vụ tài chính dự báo cũng được hưởng lợi, chủ yếu là các công ty chứng khoán được hưởng lợi từ sự hồi phục của thị trường và sự gia nhập mạnh mẽ của các nhà đầu tư F0.
Ngoài ra, còn có những ngành ít bị ảnh hưởng hoặc hưởng lợi từ dịch bệnh như thực phẩm, hóa chất, y tế.
- Các chính sách kích cầu tiêu dùng, bơm tiền giá rẻ đang hỗ trợ TTCK toàn cầu. Tại Việt Nam, mặt bằng lãi suất cũng đã giảm đáng kể. Đã có những đánh giá rằng không có kênh đầu tư nào tốt hơn chứng khoán trong bối cảnh đó, nhưng thực tế là giá vàng cũng đang tăng rất mạnh và kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng thu hút lượng tiền tiết kiệm rất lớn. Ông đánh giá thế nào về tính hấp dẫn của TTCK trong những tháng còn lại của năm 2020?
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Dầu khí
Theo thống kê nhiều năm trên các TTCK phát triển, điển hình như Mỹ, thì mức sinh lợi từ thị trường cổ phiếu luôn vượt trội hơn so với các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, trái phiếu – tính trung bình ở các hoàn cảnh khác nhau của thị trường trong cả lúc khởi sắc lẫn lúc suy thoái.
Việc đầu tư với tiêu chí cẩn trọng và hướng tới các cổ phiếu triển vọng được chọn lọc kỹ lưỡng sẽ luôn mang lại mức sinh lời tốt hơn so với các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư cổ phiếu thành công phụ thuộc rất lớn vào phương pháp tiếp cận thị trường, triết lý đầu tư cũng như tâm lý của các nhà đầu tư.
Cơ hội đầu tư vào vàng vẫn sẽ phụ thuộc vào thời điểm. Vàng có thể tăng giá trong ngắn hạn nhưng sẽ giảm giá khi kinh tế vĩ mô hồi phục. Trong khi đó, thị trường bất động sản không phải lúc nào thanh khoản cũng tốt cũng như phụ thuộc nhiều vào phân khúc nhà ở, đất nền hay chung cư. Hoặc như trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất ổn định, ít rủi ro và khá an toàn.
Câu chuyên các tháng còn lại trong năm đó vẫn là câu chuyện phân bổ vốn, cách thức “đi tiền” của nhà đầu tư thế nào. TTCK vẫn hấp dẫn và chúng ta vẫn có thể dành cho việc mua cổ phiếu với tỷ trọng cao hơn, sau đó mới đến các kênh như trái phiếu doanh nghiệp hoặc vàng, thậm chí là cầm tiền mặt.
Kinh tế Việt Nam nhiều cơ hội phục hồi tốt giai đoạn cuối năm và TTCK sẽ quay trở lại đường đua cho dù sẽ cần thêm thời gian để vượt đỉnh mới. Cơ hội đầu tư trên thị trường sẽ luôn tồn tại. Việc của nhà đầu tư đó là mua và nắm giữ với thời gian hợp lý trước khi TTCK lại đón nhận nhiều thông tin tích cực hơn vào đầu năm 2021.
Ông Phan Hoàng Sơn - Giám đốc chi nhánh Miền Nam, Công ty Chứng khoán KB
Chúng ta có thể quan sát được là số lượng nhà đầu tư trong nước mở mới tài khoản chứng khoán trong giai đoạn 6 tháng gần đây đạt mức cao kỷ lục, mặc dù có sự sụt giảm nhẹ trong tháng 7 do TTCK chịu áp lực chốt lời sau giai đoạn tăng giá mạnh trước đó.
Nguyên nhân của việc dòng tiền mới tham gia mạnh vào TTCK, bên cạnh đến từ việc diễn biến trồi sụt của thị trường mở ra cơ hội cho nhà đầu tư mới mua vào cổ phiếu ở vùng giá thấp, còn đến từ việc lãi suất huy động ngân hàng giảm mạnh khiến người gửi tiền muốn tìm đến các kênh đầu tư có tỷ suất cao hơn.
Với dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm khi mà thanh khoản trong hệ thống dồi dào, các chính sách hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và việc giãn lộ trình "siết" vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tôi cho rằng xu hướng dòng tiền mới gia tăng trên TTCK sẽ tiếp diễn từ nay đến cuối năm.
Đối với kênh đầu tư vàng, với việc giá vàng trong nước biến động mạnh trong thời gian gần đây (bám theo giá vàng thế giới), không thể phủ nhận một lượng lớn dòng tiền đã đổ vào kênh đầu tư này để tìm kiếm lợi nhuận. Dù vậy, tôi đánh giá đây chỉ là hiện tượng mang tính thời điểm, ngắn hạn và sẽ sớm chấm dứt khi giá vàng bình ổn trở lại.
Đối với kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, có một hiện tượng là các doanh nghiệp đang đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong thời gian gần đây nhằm tranh thủ khoảng thời gian trước khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực với các nội dung siết lại các quy định đối với thị trường trái phiếu. Trong 4 tháng cuối năm, nhiều khả năng kênh trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục sôi động, tuy nhiên với quy mô chưa phải lớn, mức độ ảnh hưởng đến thị trường cổ phiếu, theo cá nhân tôi đánh giá là không quá lớn.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, phân tích, Chứng khoán VietinBank
Dù vàng được xem là tài sản trú ẩn an toàn trong các giai đoạn kinh tế khó khăn, Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh để bảo vệ các nhà đầu tư. Ngoài ra, thị trường vàng Việt Nam có mức chênh lệch giá mua – bán rất lớn, gây rủi ro cao trong hoạt động giao dịch.
Đối với kênh bất động sản, giá đất tại nhiều địa phương tiếp tục duy trì ở mức cao, gây ản hưởng đến thanh khoản tại thị trường này. Đối với kênh trái phiếu, thông tư mới của Chính phủ về việc kiểm soát chặt chẽ hơn các tiêu chí cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cũng như quy định số lần phát hành trái phiếu trong năm sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của kênh này có phần chững lại.
Trong bối cảnh đó, TTCK vẫn sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn trong nửa cuối năm 2020 với lợi thế thanh khoản cao, hệ thống pháp lý hoàn chỉnh cùng tỷ suất sinh lợi cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại các ngân hàng.
Ông Lê Long Giang - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam
Trước hết cần khẳng định, TTCK từ trước đến nay vẫn luôn là một thị trường hấp dẫn đối với phần lớn nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân vì mức độ phát triển, công nghệ, sự phổ biến cũng như tính thanh khoản cao mà không phải lúc nào thị trường trái phiếu hay vàng cũng có được.
Trong những tháng cuối năm, theo chúng tôi, TTCK vẫn hấp dẫn, thể hiện ở 4 điểm.
Thứ nhất, định giá thị trường ở mức hấp dẫn khi P/E chỉ khoảng 14 - mức khá hấp dẫn để đầu tư. Thứ hai, tăng trưởng GDP chậm lại ở mức 3 - 4% nhưng là mức tăng tích cực nếu so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thứ ba là triển vọng nâng hạng trong tương lai gần của TTCK Việt Nam. Cuối cùng, nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chính sách kích cầu, bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.