Bị tạm đóng cửa vì Covid-19, các siêu thị điện máy tại TP. HCM bị ảnh hưởng thế nào?

Trần Lê - 31/05/2021 14:38 (GMT+7)

(VNF) - Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Dương Anh Đức đã ký văn bản số 1749/UBND-VX về triển khai tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, trong đó, đóng các siêu thị điện máy và trung tâm thương mại kể từ 0 giờ ngày 31/5 đến khi có thông báo mới.

VNF
Siêu thị điện máy bị tạm đóng vì Covid-19 (ảnh minh họa)

Như vậy, các siêu thị điện máy tại TP. HCM như Điện máy Xanh, Điện máy Chợ Lớn, Điện máy Thiên Hoà, Nguyễn Kim... nằm trong số bị đóng cửa tạm thời. Các chuỗi siêu thị di động quy mô nhỏ, các cửa hàng nhỏ lẻ vẫn được phép hoạt động, nhưng phải bảo đảm quy định phòng dịch. Đây là lần thứ hai kể từ khi Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, các siêu thị điện máy phải đóng cửa. Tháng 4 năm ngoái, rất nhiều siêu thị điện máy lẫn cửa hàng di động của các chuỗi lớn buộc phải đóng cửa.

Chuỗi Thế Giới Di Động năm ngoái phải đóng khoảng 600 cửa hàng, chuỗi FPT Shop cũng đóng hàng trăm cửa hàng ở các vùng dịch. Kết quả, tháng 4 năm ngoái trở thành tháng có doanh thu thấp nhất năm 2020 của nhiều chuỗi bán lẻ công nghệ.

Dựa trên doanh thu năm ngoái, giả sử Thế Giới Di Động phải đóng toàn bộ hơn 400 cửa hàng của họ tại hai thành phố lớn nhất nước trong vòng nửa tháng, thiệt hại doanh thu tương đương 835 tỷ đồng, chưa kể chi phí cho mặt bằng và lương nhân viên cùng các chi phí khác. Tương tự, nếu 176 cửa hàng FPT Shop đóng cửa trong nửa tháng, chuỗi này mất khoảng 206 tỷ đồng.

Kể từ giữa tháng 5/2021 khi một số địa phương tại miền Bắc bùng phát dịch, các cửa hàng kinh doanh sản phẩm công nghệ đã phải áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch. Cộng với số cửa hàng tại TP.HCM phải đóng, Thế Giới Di Động có khoảng hơn 1.000 cửa hàng bị ảnh hưởng.

Hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh hiện có hơn 2.500 cửa hàng rải đều toàn quốc. Tháng 5 toàn chuỗi ước đạt doanh thu 8.500 tỷ đồng, cao hơn mức 7.600 tỷ đồng của tháng 4. Doanh thu tăng có những lý do sau: mùa nóng sắp đến, nhu cầu mua máy lạnh và các sản phẩm liên quan gia tăng; doanh thu online tăng gần 3 lần so với tháng 4. 

Bên cạnh các cơ sở phải đóng cửa trước đó, văn bản mới của TP. HCM bổ sung việc tạm dừng các loại hình hoạt động sau: trò chơi điện tử có thưởng và casino (trong khách sạn) trên địa bàn; các hoạt động thẩm mỹ thực hiện tại các cơ sở: Bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa.

Các hoạt động đã tạm dừng từ ngày 29/4 tại TP. HCM gồm: các hoạt động quán bar, karaoke, vũ trường. Ngày 3/5, tạm dừng thêm hoạt động massage, xông hơi, sân khấu ca nhạc, kịch, rạp phim, trò chơi điện tử, phòng gym.... Ngày 21/5, tiếp tục yêu cầu hàng quán không phục vụ quá 20 khách, người dân không tụ tập quá 20 người ngoài công sở, trường học, bệnh viện.... Ngày 27/5, dừng thêm đối với các loại hình hoạt động không thiết yếu như spa; cơ sở làm đẹp; các hoạt động tập trung trên 10 người..., các cửa hàng ăn, uống chỉ được bán hàng mang về.

Cùng chuyên mục
Tin khác