Bộ Công Thương hướng dẫn quy trình nhập khẩu ô tô theo Nghị định 116

Anh Minh - 06/12/2017 08:37 (GMT+7)

Ngày 5/12, Bộ Công Thương đã có văn bản lưu ý các doanh nghiệp về thời gian chuyển tiếp kinh doanh nhập khẩu ôtô theo quy định tại Nghị định 116 được ban hành giữa tháng 10 vừa qua.

VNF
Từ 1/1/2018 doanh nghiệp có giấy phép mới được nhập ôtô.

Theo đó, Nghị định 116 quy định điều kiện chuyển tiếp cho các doanh nghiệp kinh doanh ôtô nhập khẩu chỉ được nhập xe đến hết ngày 31/12/2017. Kể từ 1/1/2018 chỉ những doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận nhập khẩu xe từ cơ quan quản lý mới được quyền nhập. Đơn vị xử lý và cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu là Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

"Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp lưu ý quy định về thời gian chuyển tiếp để chủ động trong xây dựng kế hoạch kinh doanh, nhập khẩu ôtô và đảm bảo thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 116", văn bản Bộ này nêu.

Tuy nhiên trong một diễn biến khác nhiều hãng xe như Ford, Honda... cho biết đã phải gửi thông báo tới khách hàng cáo lỗi và cắt đơn hàng trong một, hai tháng đầu năm với nhu cầu khách đặt xe nhập khẩu vì lo ngại không có nguồn hàng về do vướng quy định tại Nghị định 116. 

Hai điểm được cho là vướng mắc với doanh nghiệp nhập khẩu xe kể cả chính hãng là hãng cần có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cung cấp và mỗi lô hàng đều phải lấy ra một xe để kiểm định.

Trong khi các hãng xe cho rằng quy định nhập khẩu tại Nghị định 116 quá chặt, Bộ Công Thương khẳng định các doanh nghiệp phải tuân thủ và lưu ý thời gian xin giấy phép nhập khẩu xe cho năm tới.

Các điều kiện nhập khẩu này, trong văn bản kiến nghị và "đòi" nới điều kiện nhập khẩu gửi các cơ quan quản lý tháng 11 vừa qua, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cũng cho rằng, doanh nghiệp không thể tìm được bất kỳ một giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài nào phù hợp với thông số kỹ thuật của các xe nhập khẩu vào Việt Nam.

Đối với yêu cầu thử nghiệm từng lô xe nhập khẩu, theo VAMA không thể tuân thủ được quy định này do gánh nặng của việc cùng một mẫu xe nhập khẩu mà vẫn bị thử nghiệm đi thử nghiệm lại về khí thải và an toàn theo từng lô hàng, cộng thêm đó là tăng chi phí lên tới 10.000 USD cho việc thử nghiệm theo từng lô.

Thời điểm đó, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định những yêu cầu đưa ra tại Nghị định 116 đã đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và nhập khẩu. Những quy định về đường thử hay yêu cầu giấy chứng nhận... buộc nhà nhập khẩu hay sản xuất trong nước đều phải thực hiện nên sẽ tạo công bằng trong kinh doanh.

Còn theo ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng khung chính sách ngành ôtô cụ thể là Nghị định 116 cùng với dự thảo chính sách thuế nhập khẩu đối với linh kiện ôtô giai đoạn 2018 - 2020 đã phân định ranh giới rõ ràng giữa doanh nghiệp đầu tư sản xuất lắp ráp và nhập khẩu.

"Việc ra điều kiện chặt chẽ của chính sách sẽ ràng buộc các doanh nghiệp FDI phải kết nối sản xuất linh kiện, nội địa hoá nếu muốn kinh doanh tại Việt Nam thay vì biến Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ xe nhập khẩu, tạo việc làm cho các nhà sản xuất Thái Lan, Indonesia", ông Quang nhận xét.

Theo VNE
Cùng chuyên mục
Tin khác