Bộ GTVT ‘chế’ thêm 3 loại giấy phép con cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải

Vĩnh Chi - 20/05/2020 14:43 (GMT+7)

(VNF) – Luật hiện hành chỉ yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh vận tải có 1 giấy phép, nhưng ở dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ Giao thông vận tải đã nâng các loại giấy phép lên con số 4.

VNF
Bộ GTVT ‘chế’ thêm 3 loại giấy phép con cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải

Điều 118 dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, áp dụng cho tất cả các loại hình kinh doanh vận tải, trong đó có các điều kiện sau:

Một là bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với phương án, loại hình kinh doanh; phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình, camera theo quy định (khoản 2);

Hai là bảo đảm yêu cầu số lượng lái xe kinh doanh vận tải phù hợp với phương án kinh doanh và phải có hợp đồng lao động bằng văn bản (khoản 3);

Ba là người điều hành hoạt động vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải ô tô phải có chứng chỉ hành nghề điều hành vận tải (khoản 4);

Bốn là người phụ trách bộ phận quản lý an toàn giao thông (hoặc người quản lý an toàn giao thông của hộ kinh doanh vận tải) phải có chứng chỉ quản lý an toàn giao thông (khoản 5).

So với các điều kiện kinh doanh hiện hành, các điều kiện tại dự thảo luật được thiết kế theo hướng khắt khe hơn. Theo quy định này, để được kinh doanh vận tải, doanh nghiệp phải có đến 4  loại giấy phép: 1 loại giấy phép mẹ (giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô) và 3 loại giấy phép con (chứng chỉ hành nghề lái xe vận tải; chứng chỉ hành nghề điều hành vận tải; chứng chỉ quản lý an toàn giao thông).

Trong khi đó, theo Luật hiện hành thì doanh nghiệp chỉ cần 1 loại giấy phép mẹ có thể hoạt động kinh doanh.

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc gia tăng 3 loại giấy phép con cần phải được xem xét lại.

Cụ thể, về yêu cầu đảm bảo số lượng của phương tiện, VCCI cho rằng quy định này không có ý nghĩa gì ở góc độ quản lý. Nguyên do là ngay cả bản thân dự thảo luật cũng không quy định về số lượng phương tiện vận tải mà doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải đáp ứng, do đó doanh nghiệp có nhiều hay ít phương tiện cũng không làm thay đổi điều kiện kinh doanh của họ.

Bên cạnh đó, phương án kinh doanh là vấn đề thuộc về chiến lược của doanh nghiệp trong từng thời kỳ. Tại thời điểm xin giấy phép, doanh nghiệp không thể dự đoán trước. Việc bắt buộc doanh nghiệp phải bảo đảm số lượng phương tiện như phương án ban đầu là không hợp lý.

Về yêu cầu phương tiện kinh doanh vận tải phải lắp camera, VCCI cho hay đây là quy định mới được nêu trong Nghị định 10/2020 và trên thực tế có thể chưa được áp dụng. Cơ quan nhà nước cũng chưa đánh giá được tác động thực tế của quy định này.

Do đó, việc nâng quy định này lên thành luật trong khi chưa đánh giá được hiệu quả và tác động của quy định là điều cần hết sức thận trọng.

Quan trọng hơn, bản thân yêu cầu lắp thêm camera theo Nghị định 10/2020 đang vấp phải nhiều vướng mắc chưa giải quyết được từ góc độ pháp lý (bên cạnh vấn đề gia tăng chi phí) liên quan tới các quy định liên quan tới việc sử dụng thông tin thu được từ camera. Trong đó đáng chú ý là các quan ngại pháp lý về quyền bảo mật thông tin kinh doanh của doanh nghiệp và quyền riêng tư của khách hàng (đặc biệt là quyền hình ảnh và lịch sử đi lại).

Về yêu cầu người điều hành hoạt động vận tải “có chứng chỉ hành nghề điều hành vận tải”, VCCI cho rằng đây thực chất là hình thức giấy phép con mới.

“Nếu yêu cầu này nhằm hướng đến sự hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì không cần thiết bởi đây là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp. Nếu là mục tiêu đảm bảo hoạt động an toàn vận tải thì bản thân các quy định về bằng cấp của người lái xe, yêu cầu chất lượng của phương tiện, các quy định ràng buộc liên quan đến giờ lái xe, sức khỏe lái xe… đang quy định tại dự thảo đã đủ để kiểm soát vấn đề về an toàn của hoạt động kinh doanh vận tải của doanh nghiệp”, VCCI nhấn mạnh.

Tương tự, đối với yêu cầu người phụ trách bộ phận quản lý an toàn giao thông phải có “chứng chỉ quản lý an toàn giao thông theo quy định”, VCCI cũng cho rằng đây là quy định không cần thiết, đồng thời đây cũng là hình thức giấy phép con bất hợp lý.

VCCI kiến nghị ban soạn thảo dự luật cần cân nhắc bỏ các quy định bất hợp lý và sửa chữa các điều kiện còn lại theo hướng cởi mở hơn.

Cùng chuyên mục
Tin khác