Bộ GTVT đề xuất thí điểm mở lại đường bay quốc tế thường lệ từ ngày 15/12
Chí Bình -
07/12/2021 20:29 (GMT+7)
(VNF) - Theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), việc mở lại đường bay quốc tế thường lệ sẽ được thí điểm trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ bắt đầu từ ngày 15/12 và kéo dài trong 2 tuần, giai đoạn 2 sẽ kéo dài 1 tháng kể từ khi kết thúc giai đoạn 1.
Bộ GTVT vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ chở khách quốc tế vào Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, việc khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đồng thời thúc đẩy phục hồi hoạt động du lịch quốc tế nói riêng và kinh tế nói chung.
Theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), việc mở lại đường bay quốc tế thường lệ sẽ được thí điểm trong 2 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ kéo dài trong vòng 2 tuần, dự kiến bắt đầu thực hiện từ 15/12. Trong giai đoạn này sẽ tổ chức các chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường có hệ số an toàn cao, gồm: Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Băng Cốc (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Hoa Kỳ).
Theo Bộ GTVT, đây là các thị trường có quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị đối ngoại quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam, có số lượng lớn các nhà đầu tư, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao nước ngoài có nhu cầu sang làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, số lượng công dân Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại các nước và vùng lãnh thổ này nhiều và có nhu cầu hồi hương cao.
Các chuyến bay quốc tế trong thời gian này sẽ tới 2 cảng hàng không quốc tế là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Tần suất hoạt động 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 14.000 người/tuần).
Giai đoạn 2 sẽ kéo dài dài trong vòng 1 tháng kể từ khi kết thúc giai đoạn 1, dự kiến bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2022.
Trong giai đoạn này, ngoài 9 thị trường ở giai đoạn 1, Bộ GTVT sẽ mở thêm các đường bay đi/đến Kuala Lumpur (Malaysia), Hồng Công, Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Sidney (Úc), Moscow (Nga).
Các thị trường này cũng là các đối tác hợp tác quan trọng với nhiều hoạt động hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa, du lịch với Việt Nam cũng như có số lượng lớn người lao động và du học sinh Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc.
Ở giai đoạn này, ngoài Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các cảng hàng không quốc tế đề xuất tiếp nhận gồm: Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Vân Đồn. Tần suất dự kiến tăng lên 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 40.000 người/tuần).
Trong thời gian thực hiện thí điểm, Bộ GTVT sẽ tổ chức tổng kết đánh giá để tham mưu việc khôi phục hoạt động khai thác quốc tế thường lệ như trước đây.
Trước đó như VietnamFinance đã thông tin, trả lời báo chí về kế hoạch mở lại đường bay quốc tế tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết việc mở các đường bay là nhu cầu khách quan mà các nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam đều mong muốn.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, sự xuất hiện của biến chủng mới gần đây là một yếu tố tác động tới kế hoạch mở lại đường bay quốc tế vì các quốc gia đều phải thận trọng hơn.
Theo kế hoạch ban đầu, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải dự kiến mở một số đường bay quốc tế từ đầu năm 2022, nhưng do biến chủng mới nên Bộ phải rà soát và làm việc lại với các quốc gia, từ đó báo cáo Thủ tướng quyết định.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.