Bộ GTVT nói gì về việc xử lý sai phạm tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông?

Chí Bình - 15/11/2021 15:00 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết sẽ rà soát, phân tích, đánh giá về những tồn tại, hạn chế, sai phạm (nếu có) tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông của các cơ quan, đơn vị liên quan để xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.

VNF
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành khai thác thương mại từ ngày 6/11.

Bộ GTVT vừa có công văn trả lời kiến nghị của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy và đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) về tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và biện pháp xử lý sai phạm liên quan đến dự án.

Theo Bộ GTVT, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc. Ngày 15/10/2008, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án và thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC.

Dự án được khởi công tháng 10/2011, nhưng do công tác giải phóng mặt bằng kéo dài đến tháng 5/2014 mới cơ bản hoàn thành (tháng 8/2015 mới bàn giao toàn bộ mặt bằng ga Cát Linh), nên tiến độ dự án đã bị chậm so với kế hoạch.

Trên cơ sở văn bản chấp thuận cơ chế đặc thù cho dự án của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý dự án đường sắt và tổng thầu đã ký điều chỉnh giá trị trọn gói của hợp đồng EPC và đến cuối tháng 12/2020, tổng thầu đã hoàn thành vận hành thử toàn hệ thống.

Dự án đã hoàn thành và nghiệm thu đảm bảo đúng quy mô, công năng thiết kế và đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vận hành theo quy định của dự án, đủ điều kiện đưa vào vận hành khai thác.

Ngày 29/10/2021, Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã tổ chức họp, xem xét, đánh giá, kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư và chấp thuận kết quả nghiệm thu.

Bộ GTVT cho biết quá trình thực hiện dự án chậm do một số nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan do đây là dự án đường sắt đô thị có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, tư vấn thiết kế phía Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm dẫn đến thiết kế cơ sở ban đầu chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng, nên phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật.

Bên cạnh đó, dự án cũng phải chờ nhà tài trợ phê duyệt hợp đồng, cấp hiệu lực cho hiệp định vay vốn bổ sung kéo dài; Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) chưa thực hiện theo đúng cam kết về tiến độ; cách thức quản lý, triển khai thực hiện dự án ở Việt Nam và Trung Quốc có sự khác biệt, đặc biệt là cách thức lập hồ sơ thiết kế, dự toán hồ sơ nghiệm thu thanh toán dẫn đến công tác quản lý điều hành của chủ đầu tư còn lúng túng và bất cập.

Ngoài ra, công tác giải ngân của hiệp định vay bổ sung gặp nhiều vướng mắc, kéo dài (ký từ 11/5/2017 nhưng đến 25/4/2018 mới đủ điều kiện cho lần giải ngân đầu tiên cho dự án).

Về nguyên nhân khách quan, Bộ GTVT cho biết công tác giải phóng mặt bằng tại trung tâm TP. Hà Nội chậm và phức tạp; yếu tố khác biệt về quy định giữa hai nước về các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm trong bước thiết kế, thi công và dự toán gây khó khăn trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện.

Song song với đó, hệ thống quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về thực hiện hợp EPC chưa đầy đủ, đồng bộ, đặc biệt là quy định về tính trọn gói giữa các yếu tố kỹ thuật, tài chính, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án.

Lạm phát giai đoạn thực hiện năm 2008 và giai đoạn 2010-2011 cao cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng lớn đến giá nhân công, vật tư, vật liệu xây dựng; ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 nên các nhân sự nước ngoài không thể sang Việt Nam hoàn thiện (kéo dài từ đầu năm 2020 đến tháng 3/2021).

Đến nay, Bộ GTVT đã phối hợp với UBND TP. Hà Nội ký biên bản bàn giao đưa dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông vào vận hành khai thác thương mại từ ngày 6/11/2021.

Về biện pháp xử lý sai phạm liên quan đến dự án, Bộ GTVT cho biết tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ sẽ rà soát, phân tích, đánh giá về những tồn tại, hạn chế, sai phạm (nếu có) của các cơ quan, đơn vị liên quan để xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.