'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Aaron Levie rời bỏ Đại học 12 năm trước để bắt đầu khởi nghiệp Box, một công ty cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu dựa trên hiệu ứng đám mây dành các doanh nghiệp. Hiện tại, giá trị của Box lên tới 2,5 tỷ USD trên thị trường.
Tuy nhiên, để đạt được quy mô như hiện tại, Aaron Levie đã phải trải qua rất nhiều khó khăn.
Levie cho biết anh đã phải chịu nhiều cơn ác mộng trong vài tuần liền, những đêm mất ngủ trên tấm đệm yoga trong văn phòng, bị các nhà đầu tư từ chối, thất bại trong đợt chào bán công khai đầu tiên - tất cả những khủng hoảng này đều xảy ra với người đàn ông còn chưa tới 30.
"Chúng tôi đã bị từ chối bởi hơn 20 nhà đầu tư. Mọi hi vọng dồn vào buổi gọi vốn cuối cùng, chúng tôi thực sự cần một nhà đầu tư. Công ty rất cần tiền và có quá nhiều điều phức tạp đang xảy đến với chúng tôi". Levie chia sẻ với Alyson Shontell, Tổng biên tập của tạp chí Business Insider trong chương trình "Success! How I did it" (tạm dịch: Thành công! Tôi đã đạt được nó như thế nào).
Ngay từ năm hai Đại học, Aaron Levie đã nảy ra một ý tưởng "điên rồ" về việc cho phép người dùng lưu trữ trực tuyến một lượng dữ liệu khổng lồ một cách an toàn và có thể truy cập được ở bất kể đâu, lúc nào. Ý tưởng này đến vào năm 2004, thời điểm mà người dùng chỉ có 50 megabyte dung lượng lưu trữ trong tài khoản email. Về cơ bản, họ vẫn có thể tự gửi cho mình các tệp tin qua email, nhưng lại chỉ có thể gửi từ 3 – 5 tệp tin trong một lần và dung lượng có thể "thình lình" hết bất cứ lúc nào. Vì vậy, đây không phải là cách hiệu quả để chia sẻ và lưu trữ dữ liệu. Ngoài ra, người dùng cũng có thể lưu trữ dữ liệu thông qua các trang FTP và ổ USB, tuy nhiên, hai phương tiện này cũng không cung cấp cho người dùng một dung lượng lưu trữ đủ lớn.
Cuối năm 2004, Aaron Levie bắt tay vào việc triển khai ý tưởng của mình. Những người đầu tiên tham gia cùng anh là Dylan Smith, hiện tại là Tổng giám đốc tài chính, Jeff Queisser và Sam Ghods, lần lượt là phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật và phó chủ tịch công nghệ hiện nay của Box. Họ là những người bạn từ thời Trung học của Levie.
Quyết định bỏ học để theo đuổi ý tưởng khởi nghiệp cũng không mấy dễ dàng với Levie và Dylan, tuy nhiên, "chúng tôi đều cảm thấy thế giới bên ngoài quá hấp dẫn để phát triển Box", anh chia sẻ, "tôi buộc phải lựa chọn, mặc dù bản thân không ngừng phân vân liệu đây chỉ là một dự án khi đang là sinh viên hay nó sẽ trở thành một doanh nghiệp thực sự".
Aaron Levie chuyển đến ở trong một gara ô tô và thuyết phục hai người bạn cùng nhóm Jeff với Sam cùng bỏ học để gây dựng Box. Họ đã phải ngủ trên thảm yoga hàng đêm tại văn phòng, chỉ ăn mỳ và uống nước không, ngủ một ngày 3 – 4 tiếng để làm việc. "Đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn và mệt mỏi, tuy nhiên, chúng tôi đều cảm thấy thú vị và xứng đáng", Levie chia sẻ.
Trong quá trình phát triển Box, Levie nhận ra rằng công ty sẽ không thể tồn tại được nếu chỉ đơn thuần cung cấp cho người dùng một chút dung lượng sử dụng miễn phí ban đầu và tính phí thêm cho họ về sau. Sự cạnh tranh về mảng công nghệ đang dần trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Box cần sự cải tiến đột phá hơn dựa trên tính năng ban đầu.
"Các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói với chúng tôi rằng họ sẽ trả thêm gấp 10 đến 100 lần cho Box nếu chúng tôi cải tiến thêm các tính năng bảo mật và tiện ích bổ sung cho họ", ông chủ Box cho biết, "chúng tôi nhận ra đây là cơ hội tuyệt vời nếu chúng tôi có thể mang các đặt tính tiêu dùng của sản phẩm này đến cho các doanh nghiệp, mà vẫn duy trì được nguyên lý hoạt động ban đầu của công ty". Đó là cách mà Levie và những người bạn thay đổi tầm nhìn chiến lược cho Box.
Khi được hỏi về lần đầu tiên trở thành CEO ở tuổi 20, Aaron Levie cho biết anh gặp khá nhiều trở ngại và cần thời gian để thích ứng với quy trình cũng như định hướng lượng bán hàng trong tương lai của Box.
Trước tiên, Levie đã định hình lại mô hình điều hành một công ty theo cách của mình như thế nào cũng như tìm kiếm những người cộng sự phù hợp ra sao. Đồng thời, trong quá trình phát triển công ty, Box cần xây dựng được một mô hình văn hóa phù hợp, giúp công ty cân bằng giữa việc tổ chức bán hàng và thiết kế kỹ thuật, sản phẩm dựa trên Internet.
Cuối cùng, Levie chia sẻ, "Tôi nghĩ bài học lớn nhất mà tôi có được chính là từ một người quản lý còn "đầy cảm xúc" trong công việc đến nay trở thành một CEO đủ bình tĩnh điều hành một doanh nghiệp với nhiều phòng ban quản lý phức tạp cũng như cách giải quyết và thỏa hiệp được với "muôn hình vạn trạng" khách hàng khác nhau của Box.
Box từng được đề nghị mua lại bởi Citrix, một công ty phần mềm đa quốc gia của Mỹ, tuy nhiên, Aaron Levie đã từ chối ngay sau đó. Không thể phủ nhận, đây là một quyết định khá táo bạo với anh bởi ngay chính bản thân Levie tại thời điểm đó thậm chí còn chưa mường tựa được tương lai 10 năm nữa Box sẽ đi đến đâu. Chưa kể, Box cũng đang phải đối mặt với thị trường cạnh tranh khốc liệt với nhiều "gã khổng lồ" công nghệ.
"Tôi đã gọi điện hỏi rất nhiều người sáng lập và lãnh đạo nổi tiếng, những người đã từng quyết định bán và không bán công ty của họ, để tìm hiểu nguyên nhân tại sao họ lại đi theo một trong hai hướng này", Levie cho biết, "tôi nhận được nhiều lời khuyên khác nhau. Một phía cho rằng tôi hoàn toàn nên bán lại Box bởi tôi sẽ không bao giờ nhận được một lời đề nghị nào tốt. Một số lại nói khi có cơ hội tăng gấp đôi giá trị và phát triển thứ gì đó mà mình yêu thích, tôi không nên "giết chết" cơ hội đó".
Sau vài tuần suy nghĩ, Levie cùng ba người bạn của mình đã quyết định không bán lại Box cho bất cứ ai. Họ muốn tiếp tục phát triển Box và tăng gấp đôi giá trị công ty ở thời điểm hiện tại. Aaron Levie đã đưa công ty lên sàn IPO với giá còn cao hơn 600 triệu USD.
Tuy nhiên, quá trình IPO của Box diễn ra khá lâu, họ thậm chí từng có một đợt IPO bị đình trệ mà theo Levie, đó là "một kinh nghiệm khủng khiếp". "Chúng tôi gần như đã "tự đấm vào mặt mình". Các công ty phần mềm và dịch vụ trên thị trường lúc đó đang "trượt dốc" đáng kể, giảm xuống từ 30% hoặc 40%. Do đó, các ngân hàng khuyên chúng tôi không nên lên sàn vào thời điểm này".
Trải qua nhiều trở ngại, Levie rút ra cho mình một bài học kinh nghiệm quan trọng trong kinh doanh, đó là thực sự cần tập trung vào những điều cần thiết nhất – tập trung vào văn hóa, tinh thần và cách giải quyết những vấn đề đang diễn ra theo hướng tích cực hơn. "Và may mắn thay, chúng tôi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn đó".
Aaron Levie được xem là một trong những CEO thành công có lối sống rất đặc biệt.Anh từng chứng minh rằng "không cần dậy sớm để thành công" khi thường xuyên bắt đầu một ngày làm việc của mình rất vào sáng muộn. Chia sẻ tại chương trình "Success! How I did it", Levie là một tín đồ của những giấc ngủ. Anh thường thức dậy vào khoảng 9 rưỡi, check mail một lần và giải quyết ngay những tin nhắn quan trọng, sau đó mới chuẩn bị đến công ty.
Ngoài ra, Levie là nhân vật rất thú vị trong giới công nghệ. Không chỉ giỏi "biến hóa" công nghệ mà Levie còn có khả năng biểu diễn ảo thuật ấn tượng với những quân bài, đây có thể xem là "nghề tay trái" của ông chủ Box.
Levie cũng không hề run sợ trước những "gã khổng lồ" công nghệ, thậm chí là tầm cỡ như Microsoft. Anh thẳng thắn chia sẻ mục tiêu của Box là nhắm đến Microsoft, cụ thể là trong lĩnh vực điện toán đám mây. Microsoft không có nhiều lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực này. Hiện tại, OneDrive của Microsoft chỉ hỗ trợ 7GB miễn phí trong khi số dung lượng miễn phí mà Box dành tặng người dùng lên đến 50 GB.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.