Bộ Tài nguyên và Môi trường nói gì về kiến nghị gỡ khó của PV Gas

PV - 23/03/2019 08:02 (GMT+7)

(VNF) - Tổng Công ty khí Việt Nam - Công ty cổ phần (PV Gas) phản ánh một số bất cập trong thực hiện giám sát môi trường xung quanh đối với các dự án của PV Gas và đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, điều chỉnh.

VNF

Theo phản ánh của PVGas, hiện các dự án PV Gas đang quản lý được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường không phải là dự án có phát sinh phóng xạ.

Các dự án của PV Gas do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hầu hết đều ra đời từ trước khi Luật Bảo vệ môi trường 2014 và Thông tư 27/2015/TT-BTNMT được ban hành và có hiệu lực nên trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án này vẫn có các chỉ tiêu giám sát môi trường xung quanh như: Nước bề mặt, môi trường không khí xung quanh, môi trường đất, nước, sông, trầm tích, động thực vật, giám sát dọc tuyến ống dẫn khí…

Từ khi đi vào hoạt động đến nay các dự án đều được PV Gas thực hiện các chỉ tiêu giám sát môi trường xung quanh theo cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Các báo cáo quan trắc môi trường sau mỗi đợt giám sát đều được gửi cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý các khu công nghiệp địa phương xem xét, thẩm định. Tất cả thông số giám sát môi trường xung quanh đều nằm dưới ngưỡng QCVN nhiều lần và không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Với đặc thù dự án đơn thuần là công nghệ sản xuất sạch, sử dụng nguyên liệu đầu vào là khí thiên nhiên, hệ thống đường ống vận chuyển khí khép kín không phát sinh chất thải, đồng thời qua các năm hoạt động của các dự án, các chỉ số giám sát môi trường xung quanh không còn phù hợp (quan trắc dọc tuyến ống dẫn khí, quan trắc trầm tích, nước sông, biển..) và kết quả quan trắc thấp hơn các QCVN nhiều lần nên không gây tác động đến môi trường, PV Gas đã có Văn bản số 1968/KVN-ATMT ngày 7/9/2016 về việc báo cáo và đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận cho PV Gas bỏ các chỉ số giám sát môi trường xung quanh nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thiểu chi phí, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và vẫn bảo đảm quan trắc môi trường đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Sau đó PV Gas tiếp tục có Công văn 2128/KVN-ATMT ngày 29/9/2016 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đề xuất xin chấp thuận được bỏ các chỉ tiêu giám sát môi trường xung quanh.

Tuy nhiên đến nay PV Gas vẫn chưa nhận được phản hồi. Vì vậy, PV Gas vẫn chưa dám tự ý bỏ các chỉ tiêu này, trong khi nhiều chỉ tiêu không còn có trong QCVN đang áp dụng, nhiều chỉ tiêu không thể lấy được mẫu (do đánh giá tác động môi trường ban đầu từ các năm 1998 lúc đó còn là sông, hồ, ao rạch, giờ các vị trí đó đã là nhà máy của các công ty khác hoặc nhà dân....). PV Gas đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến trả lời để PV Gas thực hiện đúng quy định.

Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng Điều 121 Luật Bảo vệ môi trường có quy định về hoạt động quan trắc môi trường “cơ quan, tổ chức về bảo vệ môi trường tổ chức thực hiện quan trắc môi trường xung quanh”.

Phụ lục 2.3 Thông tư 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 có quy định “Giám sát môi trường xung quanh: Chỉ áp dụng cho giai đoạn hoạt động của dự án có phát sinh phóng xạ với tần suất tối thiểu 01 lần/06 tháng; vị trí giám sát phải được lựa chọn để bảo đảm tính đại diện và phải được mô tả rõ kèm theo sơ đồ minh họa”.

Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có quy định “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.

Điều 2 của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định “Trong quá trình thực hiện nếu dự án có những thay đổi so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, chủ dự án phải có văn bản báo cáo và chỉ thực hiện những thay đổi sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ Tài nguyên và Môi trường”.

Theo ý kiến của doanh nghiệp, các dự án của PV Gas do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hầu hết đều ra đời trước khi Luật Bảo vệ môi trường 2014 và Thông tư 27/2015/TT-BTNMT được ban hành và có hiệu lực.

Do vậy, đề nghị các chủ dự án gửi văn bản kèm hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt của các dự án như đã nêu, trong đó nêu rõ những đề nghị thay đổi (về quan trắc môi trường) so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để có cơ sở xem xét, hướng dẫn cụ thể.

Theo VGP
Cùng chuyên mục
Tin khác