Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: 'Trình cấp có thẩm quyền cho phép tuyển thêm 27.000 giáo viên'

Tuệ Lâm - 11/11/2021 15:31 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ đã trình các cấp có thẩm quyền cho phép tuyển thêm hơn 27.000 giáo viên nữa để giải quyết một phần tình trạng thiếu giáo viên cho các bậc học, đặc biệt là trong đó một số lượng rất lớn cho giáo dục mầm non.

VNF
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn là người tiếp theo trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. 

Trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề thiếu giáo viên ở các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng đây là vấn đề lớn. Theo thống kê, cả nước hiện đang thiếu khoảng trên 94.000 giáo viên, trong đó hơn 1/3 là giáo viên mầm non. Lý do dẫn đến thiếu giáo viên mầm non là do việc phổ cập cho mẫu giáo 5 tuổi. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Nội vụ đã phối hợp rất chặt chẽ để tìm phương án giải quyết.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ cũng đã trình và đã được phê duyệt tuyển thêm hơn 20.000 giáo viên trong 14 tỉnh, khu vực có nhu cầu cao.

"Trong tháng này, 2 Bộ đã làm việc và trình các cấp có thẩm quyền cho phép tuyển thêm hơn 27.000 giáo viên nữa để giải quyết một phần tình trạng thiếu giáo viên cho các bậc học, đặc biệt là trong đó một số lượng rất lớn cho giáo dục mầm non", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin.

Về giải pháp khắc phục vấn đề thiếu giáo viên ngoại ngữ, tin học ở các tỉnh khu vực miền núi, các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, Bộ trưởng Sơn cho biết, thực tế, nhiều tỉnh chưa có chính sách ưu đãi thu hút. Do đó, để đáp ứng được nhu cầu giảng dạy hai môn tin học, ngoại ngữ các tỉnh, các khu vực miền núi đang là vấn đề rất khó khăn.

Để khắc phục tình trạng này, ngành giáo dục đang đặt ra một số giải pháp, trong đó tăng các chỉ tiêu đào tạo cho các trường đại học ở các khu vực và cung cấp nhiều cho nguồn nhân lực của các tỉnh khu vực miền núi.

Đối với các tỉnh thì sẽ tăng cường nhiều hơn nữa các biện pháp đào tạo tại chỗ cũng như thu hút nhân lực, nhưng những việc đó còn rất là tính thêm nhiều yếu tố. Bởi, rất nhiều giáo viên dạy môn học này thì cơ hội việc làm ở các vùng miền khác rộng mở, nên cũng có phần ngại đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa. 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng có một giải pháp phải tính đến là xây dựng các bài giảng E-learning để học sinh vùng miền núi, dù thiếu giáo viên nhưng có thể học các bài giảng được xây dựng học qua Internet, giáo viên chỉ cần chuẩn bị để hướng dẫn, định hướng, kiểm tra, giám sát.

Giai đoạn chuyển đổi số mạng internet cũng là một trong các giải pháp góp phần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tin học, ngoại ngữ cho các tỉnh miền núi và các tỉnh vùng sâu, vùng xa.

Liên quan đến vấn đề chất lượng giáo dục khi học sinh phải học trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết ngành giáo dục thường xuyên theo dõi xem các đơn vị dạy đến đâu, dạy như thế nào, tương tác ra sao, khó khăn như thế nào.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức hỗ trợ về trang thiết bị máy tính và các thiết bị học tập. Thời gian vừa qua, toàn ngành đã huy động hỗ trợ được trên 14 vạn thiết bị và trong tháng 11, khoảng trên 5 vạn máy tính sẽ được phân phối.

Tuy vậy, Bộ trưởng cho rằng để đánh giá được kết quả, mức độ đạt được của dạy học trực tuyến đầy đủ cần một cuộc điều tra và khảo sát khi các cháu quay lại trường, nhưng chắc chắn việc học trực tuyến có những thách thức và có ảnh hưởng đến chất lượng.

Cùng chuyên mục
Tin khác