Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trần tình với Quốc hội vụ xuất khẩu gạo

Lê Nguyễn - 15/06/2020 14:33 (GMT+7)

(VNF) – Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh, đã giải thích việc điều hành xuất khẩu gạo với Quốc hội sáng nay (15/6).

VNF
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Ông Tuấn Anh cho biết việc Chính phủ ra quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo là do hồi tháng 3, tình hình trong nước và thế giới có những diễn biến phức tạp. Một là dịch bệnh phát triển rất nhanh tại cả Việt Nam và trên thế giới dẫn đến việc nhiều nước tăng cường thu mua, dự trữ lương thực. Hai là tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long gây ra sự lo lắng về vấn đề an ninh lương thực.

“Trong nước, giá gạo liên tục tăng. Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của ta tăng rất nhanh, tới 31,7% so với cùng kì năm trước. Nếu trong 15 ngày cuối tháng 3 mà chúng ta giữ nguyên tốc độ xuất khẩu gạo như vậy thì dự tính đến đầu vụ hè thu sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung lương thực”, ông Tuấn Anh nói.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã đề xuất 2 giải pháp: một là quản lý xuất khẩu gạo theo hạn ngạch, hai là tạm dừng, tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo để có đánh giá chính xác hơn về lượng gạo xuất khẩu cũng như lượng gạo dự trữ.

Thủ tướng, sau đó, đã quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, ông Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương đã nhận được phản ánh của nhiều địa phương, doanh nghiệp về lượng gạo dự trữ ở Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Vì vậy, Bộ đã báo cáo và được Thủ tướng đồng ý cho đánh giá lại các hợp đồng đã đăng kí xuất khẩu gạo cũng như hợp đồng xuất khẩu gạo đã giao.

Trên cơ sở báo cáo của các bộ ngành, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp mới và sau đó thống nhất ý kiến quản lý xuất khẩu gạo một cách chặt chẽ thông qua chính sách hạn ngạch (400.000 tấn trong tháng 4).

Sau khi hết tháng 4, Chính phủ nhận định có thể tiếp tục xuất khẩu gạo khi giá gạo trên thế giới vẫn đang cao. Vì thế, Thủ tướng đã thống nhất với 13 tình thành phía nam cũng như các bộ ngành cho xuất khẩu gạo bình thường trong tháng 5

“Đến nay, ta đã xuất khẩu 3,06 triệu tấn gạo, tăng 11,8% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,48 tỷ USD, tăng 25,44%. Việt Nam có thể trở thành nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm nay”, ông Tuấn Anh nói.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Công Thương vừa loan tin Việt Nam đã trúng thầu cung cấp 30 nghìn tấn gạo trắng cho Philippines.

Cụ thể, ngày 8/6/2020, Tổng công ty Thương mại quốc tế Philippines (PITC) đã tổ chức đấu thầu nhập khẩu 300 nghìn tấn gạo vào Philippines theo hình thức G - G. Tham dự buổi đấu thầu, có đại diện đến từ các quốc gia: Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Ấn Độ; về phía Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc - Vinafood 1 là đơn vị đại diện tham dự đấu thầu.

Theo kết quả xếp hạng dự thầu được đăng tải trên trang thông tin điện tử của PITC vào ngày 11/6/2020 thì Việt Nam xếp hạng 1 lô giao hàng tới cảng Davao, với số lượng 30 nghìn tấn, với giá CIF-DAP là 497,30 USD/tấn.

​Hiện nay, Vinafood 1 đang làm kháng nghị thư gửi đến PITC về việc đấu thấu đối với lô hàng giao tới cảng Manila.

Cùng chuyên mục
Tin khác