'Cần nghiên cứu kỹ đề xuất hạ thuế xăng dầu'

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - 25/02/2022 08:00 (GMT+7)

(VNF) - Trước tình hình giá xăng dầu tăng mạnh và với mong muốn hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hồi phục sau đợt bùng phát lần thứ 4 của đại dịch Covid-19, đã có những đề xuất về miễn giảm các loại thuế với xăng dầu. Đây là một đề xuất cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.

VNF
Nghiên cứu kỹ đề xuất hạ thuế xăng dầu: Đảm bảo giá xăng dầu sát giá thị trường quốc tế

Thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khi nền kinh tế thế giới tiếp tục đà hồi phục và phát triển, nhu cầu nhiên nguyên vật liệu tăng cao, trong khi dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm sâu để đối phó tình trạng lạnh giá khắc nghiệt của mùa đông 2021 và chưa hồi phục. Những rối loạn chính trị tại Kazakhstan, Libya và căng thẳng giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng lớn tới nguồn cung xăng dầu. Cùng với đó, việc các bộ trưởng các quốc gia sản xuất dầu Arab cho hay OPEC+ nên duy trì thỏa thuận hiện tại về việc bổ sung sản lượng dầu 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, từ chối lời kêu gọi bơm thêm để giảm áp lực lên giá càng làm nguồn cung xăng dầu gặp khó khăn.

Giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11/1/2022 và kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21/1/2022 với xăng RON92 tiếp tục tăng lên 96,166 USD/thùng (tăng 4,992 USD/thùng, tương đương tăng 5,48% so với kỳ trước); xăng RON95 tăng lên 97,861 USD/thùng (tăng 4,720 USD/thùng, tương đương tăng 5,07% so với kỳ trước). Như vậy, so với thời điểm 25/12/2021, giá xăng RON92 trên thị trường xăng dầu thế giới tăng khoảng 12%, giá xăng RON95 tăng khoảng 11%.

Giá xăng dầu trong nước trong thời gian từ 25/12/2021 đến 21/2/2022 cũng có mức tăng tương ứng. Xăng RON92 tăng từ  22.550 đồng/lít lên 25.532 đồng/lít (13,2%); Xăng RON95 tăng từ  23295 đồng/lít lên 26.287 đồng/lít (12,8%). Mức tăng này cao hơn mức tăng cùng kỳ của giá xăng quốc tế. Nhưng đây là điều cần thiết, bởi theo Hiệp hội xăng dầu quốc tế, cả giai đoạn dài cuối năm 2021, giá xăng Việt Nam tăng chậm hơn giá xăng quốc tế đến 12%.

Hiện nay, việc chiến sự Nga - Ukraine leo thang đã khiến giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD/thùng.

Trên thực tế, câu chuyện giá xăng dầu tăng khi nền kinh tế thế giới và nền kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19 đã nằm trong dự tính của các nhà kinh tế.

Trước tình hình giá xăng dầu tăng mạnh và với mong muốn hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hồi phục sau đợt bùng phát lần thứ 4 của đại dịch Covid-19, đã có những đề xuất về miễn giảm các loại thuế với xăng dầu. Đây là một đề xuất cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Những đề xuất về miễn giảm các loại thuế với xăng dầu cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Trước hết, việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) chỉ nên thực hiện khi có những đợt tăng giá đột xuất, chưa dự đoán được. Trong thời gian qua, mặc dù xu hướng tăng giá của xăng dầu là ổn định lâu dài nhưng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vừa ra khỏi đợt giãn cách quyết liệt hồi phục và phát triển thì Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã thực hiện các biện pháp điều chỉnh linh hoạt để kìm giữ giá xăng dầu tăng chậm hơn mức tăng của thị trường thế giới.

Theo Hiệp hội xăng dầu quốc tế, cả giai đoạn dài cuối năm 2021 giá xăng Việt Nam tăng chậm hơn giá xăng quốc tế đến 12%. Nhiều doanh nghiệp xăng dầu đã âm quỹ bình ổn xăng dầu. Đã đến lúc cần đưa giá xăng dầu dần về mặt bằng mới của thị trường.

Thứ hai, theo bảng xếp hạng của trang Global Petrol Prices vào ngày 21/2/2022,  giá bán lẻ xăng của Việt Nam đứng vị trí 77 từ thấp đến cao trong tổng số 168 quốc gia (thấp hơn 91 quốc gia và vùng lãnh thổ) và thấp hơn giá xăng trung bình trên thế giới là 1,27 USD/lít. Giá bán lẻ xăng A95 của Việt Nam (vào ngày 23/02/2022) đang ở mức thấp (1,173 USD/lít) so với các nước, lãnh thổ có chung đường biên giới trong ASEAN và châu Á, như thấp hơn: Philippines: 1,290 USD/lít; Trung Quốc: 1,330 USD/lít; Lào: 1,343 USD/lít;Thái Lan: 1,349USD/lít; Hàn Quốc: 1,443 USD/lít, Singapore: 1,990 USD/lít, Hồng Kông: 2,729 USD/lít.

Việc hạ thấp thuế xăng dầu sẽ tạo sự cách biệt về giá với các quốc gia chung biên giới và tạo ra tình trạng buôn lậu, trốn thuế của các đầu nậu xăng dầu, gây thiệt hại cho nguồn thu của chính phủ.

Thứ ba, theo các số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ thuế trên giá cơ sở xăng của Việt Nam (vào ngày 22/2/2022) khoảng 38% và với dầu diesel từ mức khoảng 20% (tùy loại), đang ở mức thấp so với nhiều nước và tiếp tục thấp đi (do thuế bảo vệ môi trường tính cố định tối đa 4.000 đồng/lít, với xăng ở mức khoảng 3.500 đồng/lít, khi giá xăng tăng thì tỷ lệ thuế bảo vệ môi trường trong giá cơ sở càng thấp). Tỷ lệ thuế trên giá xăng của các nước trong khu vực và có quan hệ kinh tế lớn với Việt Nam như sau: Campuchia khoảng 49%, Lào khoảng 56,5%, Philippines khoảng 49,5%, Trung Quốc khoảng 52%, Hàn Quốc khoảng 63,18%, Singapore khoảng 67%, Hồng Kông khoảng 76%.

Thứ tư, nếu hạ thấp thuế đối với xăng dầu sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp trong nền kinh tế sử dụng tiết kiệm năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng. Do các doanh nghiệp càng sử dụng nhiều xăng dầu, nhiều điện càng được nhận khoản hỗ trợ lớn hơn từ việc Chính phủ giảm giá xăng dầu. Điều này vô hình trung lại hỗ trợ các  doanh nghiệp sử dụng bừa bãi nhiên liệu, năng lượng, xăng dầu, các doanh nghiệp sử dụng các phương tiện, máy móc thiết bị lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nhiều nhiên liệu.

Thứ năm, hạ thấp thuế đối với xăng dầu còn tạo sự không công bằng cho người sử dụng, khoét sâu hố ngăn cách giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội. Chỉ những người có thu nhập cao mới có điều kiện sử dụng các phương tiện hiện đại, tiêu tốn nhiều xăng dầu, còn những người lao động bình dân và lao động tự do, bán vé số, buôn thúng bán bưng sử dụng rất ít nhiên liệu xăng dầu. Càng giảm thuế xăng dầu nhiều, những người có thu nhập cao càng được hỗ trợ nhiều hơn, người có thu nhập thấp được hỗ trợ ít hơn.

Thứ sáu, thuế đối với xăng dầu là chính sách dài hạn của Chính phủ để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm khí thải, đảm bảo sử dụng hợp lý và  tiết kiệm nguồn tài nguyên không thể tái tạo và điều tiết thu nhập trong nền kinh tế. Giảm thuế xăng dầu sẽ làm giảm nguồn thu của ngân sách nhà nước, giảm các khả năng chi tiêu của Chính phủ cho các mục tiêu hồi phục và phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và hỗ trợ an sinh xã hội, giúp đỡ những nhóm lao động yếm thế trong xã hội.

Việc giảm thuế xăng dầu chỉ để nhằm hỗ trợ hồi phục kinh tế là một chính sách trong giai đoạn trước mắt của Chính phủ. Chính sách thuế là một chính sách dài hạn, cần sự ổn định trong một thời gian nhất định. Quyết định giảm bất kỳ hình thức thuế nào trong thuế xăng dầu phải được Quốc hội thông qua bằng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính vì vậy, đề xuất giảm thuế xăng dầu cần thiết được nghiên cứu cẩn trọng để đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét kỹ lưỡng.

Thị trường xăng dầu thế giới đang trên đà tăng ổn định trong thời gian dài trước đà hồi phục và tăng trưởng kinh tế của các nước. Việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường năm 2022, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 hồi phục và phát triển là rất cần thiết. Giá xăng tăng cao ở mức kỷ lục có thể gây ra những tác động lớn tới ngành vận tải, giá cả hàng hóa tiêu dùng, chi phí kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệ, tình trạng lạm phát…, đặc biệt khi Việt Nam đang từng bước thích ứng với dịch bệnh Covid-19.

Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu đưa ra các biện pháp hợp lý khi các doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất, nên triển khai các biện pháp có thể thực hiện ngay để điều hành giá xăng dầu nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; hoặc triển khai các gói hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp bù đắp chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao cho doanh nghiệp.

Cần tìm các biện pháp hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mức độ, đúng thời gian, góp phần giảm bớt các khó khăn cho các chủ thể trong giai đoạn hồi phục kinh tế. Cần xem xét việc miễn, giảm các chi phí về kiểm định, chi phí xe lăn bánh, chi phí logistics, chi phí kho bãi, chi phí bến cang, điểm đỗ, chi phí sân bay, chi phí cất hạ cánh… Đồng thời, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để ổn định thị trường xăng dầu.

Để giảm bớt khó khăn, bản thân các doanh nghiệp cần tính toán đưa chi phí xăng dầu vào hàng hoá, dịch vụ của mình. Tất nhiên, lúc đầu sẽ ít người mua hơn, nhưng xã hội cũng sẽ thông cảm và chấp nhận vì khi tăng chi phí sản xuất thì phải tăng giá thành. Doanh nghiệp cũng nên tính toán lại về kế hoạch hoạt động, ví dụ doanh nghiệp vận tải làm thế nào để chạy hàng hai chiều, không để chạy xe rỗng, hoặc giảm thiểu chi phí năng lượng, chi phí logistics, chi phí kiểm định, kho tàng, sân bay…

Còn với đại đa số người dân, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, mọi người dân đều được hưởng và khó có thể hỗ trợ riêng liên quan đến giá xăng dầu. Chính phủ đã có tính toán, hỗ trợ 67.000 tỷ đồng trong năm 2022 trong gói 350.000 tỷ vừa được thông qua.

Rất khó để giảm giá xăng dầu theo yêu cầu của một số cá nhân và doanh nghiệp. Bởi vì “nước nổi bèo nổi”, giá xăng dầu Việt Nam phụ thuộc vào giá thế giới và phải điều chỉnh theo sự biến động của giá xăng dầu thế giới. Việt Nam đã đi theo nền kinh tế thị trường. Tất yếu thị trường xăng dầu cũng cần thực hiện theo các yêu cầu của kinh tế thị trường.

Cùng chuyên mục
Tin khác