Cao su Đà Nẵng: Nợ ngắn hạn và hàng tồn kho ngày càng phình to

Phước Nguyên - 23/01/2024 22:47 (GMT+7)

(VNF) - Lũy kế năm 2023, doanh thu của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng giảm 403 tỷ đồng so với năm 2022, đạt ở mức 4.495 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 60 tỷ đồng, đạt 247 tỷ đồng.

Công ty cổ phần cao su Đà Nẵng.

Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023. Trong đó, doanh nghiệp này có doanh thu đạt 1.097 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm trước là 1.114 tỷ đồng.Trong khi doanh thu suy giảm, lợi nhuận gộp lại tăng 24 tỷ đồng, đạt 201 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chi phí bán hàng của cao su Đà Nẵng có chiều hướng tăng lên mức 71 tỷ đồng, trong khi đó quý IV/2022 chỉ ở mức 49 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của cao su Đà Nẵng vẫn mang về 95 tỷ đồng, tăng 15 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. 

Lũy kế năm 2023, doanh thu của cao su Đà Nẵng so với cùng kỳ năm 2022 “bay mất” 403 tỷ đồng, ghi nhận đạt ở mức 4.495 tỷ đồng. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế cũng giảm 60 tỷ đồng so với năm 2022, đạt 247 tỷ đồng.

Như vậy, với doanh thu và lợi nhuận đạt được trong năm nay không đạt với những mục tiêu về doanh thu thuần (5.060 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế (330 tỷ đồng) mà Cao su Đà Nẵng đã đề ra trong kỳ đại hội cổ đông thường niên 2023.

Tính đến hết quý IV/2023, cơ cấu vốn của cao su Đà Nẵng chủ yếu do vốn chủ sở hữu vẫn đang chiếm chủ đạo với 1.852 tỷ đồng, giảm 57 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Bên cạnh đó, nợ của doanh nghiệp này cũng tăng từ 1.508 lên 1.553 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là chính với 1.528 tỷ đồng.

Tình trạng nợ ngắn hạn của cao su Đà Nẵng tăng nhanh bắt đầu vào năm 2021 với con số từ 742 tỷ đồng nhảy lên 1.359 tỷ đồng. Rồi sau đó sang năm 2022, nợ ngắn hạn của doanh nghiệp này tiếp tục tăng lên đạt mức 1.506 tỷ đồng. Tổng nợ của năm 2021 là 1.362 tỷ đồng và năm 2022 là 1.508 tỷ đồng.

Đối với ngành sản xuất cao su, đây là một con số khá lớn. Việc nợ ngày càng phình to đến chóng mặt và vốn chủ sở hữu lại có dấu hiệu giảm sẽ mang lại một rủi ro liên quan đến tính thanh khoản của doanh nghiệp này.

Không chỉ vấn đề về nợ, báo cáo tài chính của cao su Đà Nẵng cũng cho thấy hàng tồn kho cũng chiếm phần khá cao trong cơ cấu tài sản ngắn hạn. 

Lưu ý, hàng tồn kho của doanh nghiệp này tăng lên cùng thời điểm 2021. Cụ thể, hàng tồn kho của các năm từ 2020 đến 2022 tăng lên như sau: 787 tỷ đồng; 1.429 tỷ đồng; 1.707 tỷ đồng. Riêng năm 2023, hàng tồn kho có giảm như vẫn nêu ở mức khá cao với 1.184 tỷ đồng.

Nợ và hàng tồn tăng nhanh trong thời gian mà ông Nguyễn Xuân Bắc (sinh ngày 21/8/1972 tại Bắc Giang) lên ngồi ghế Chủ tịch HĐQT của Cao su Đà Nẵng (bổ nhiệm tháng 6/2020). 

Được biết ngoài ông Nguyễn Xuân Bắc, Thành viên HĐQT của doanh nghiệp này gồm có: Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt (Tổng Giám đốc); Bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ; ông Hà Phước Lộc; ông Nguyễn Huy Hiếu; ông Nguyễn Văn Hiệu; ông Trần Đình Quyền.

Trong HĐQT, thanh viên HĐQT có liên quan đến Tập đoàn Hoá chất Việt Nam khá nhiều, cụ thể: Ông Nguyễn Xuân Bắc (số cổ phiếu đại diện sở hữu là 12.473.244 cổ phiếu, chiếm 10,51% vốn điều lệ) và Bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ  (Số cổ phiếu cá nhân sở hữu là 10.000 cổ phiếu,  chiếm tỷ lệ 0,01%; Số cổ phiếu đại diện sở hữu là 11.879.260 cổ phiếu, chiếm 10,00% vốn điều lệ); 

Ông Nguyễn Huy Hiếu (số cổ phiếu đại diện sở hữu là 11.879.260 cổ phiếu chiếm 10,00% vốn điều lệ); ông Hà Phước Lộc (Số cổ phiếu cá nhân sở hữu là 84.978 cổ phiếu chiếm 0,07% vốn điều lệ và số cổ phiếu đại diện sở hữu là Đại diện vốn chiếm 10,00% vốn điều lệ); ông Nguyễn Văn Hiệu (Số cổ phiếu cá nhân sở hữu là  9.591 cổ phiếu, chiếm 0,008% vốn điều lệ).

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam cũng là cổ đông lớn nhất của Cao su Đà Nẵng với gần 600 tỷ đồng vốn góp. Số tiền mà Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đầu tư vào Cao su Đà Nẵng tương đương với 59.999.358 cổ phiếu (chiếm 50,51%).

Cùng chuyên mục
Tin khác