Cao tốc 'nửa mùa' thu phí gần 3 năm

Sỹ Lực - Long Vân - 27/10/2018 08:29 (GMT+7)

Tuyến Hà Nội - Bắc Giang treo biển cao tốc nhưng vẫn cho xe máy đi vào, tốc độ trung bình chỉ đạt khoảng 50- 60 km/h. Sau gần 3 năm thu phí, tuyến cao tốc này vẫn chưa xong đường gom, trên tuyến có 2 cây cầu chỉ 2 làn xe chạy. Nguy cơ đoạn tuyến này trở thành điểm nghẽn của cả tuyến Hà Nội - Lạng Sơn sắp thành hiện thực…

VNF
Lưu lượng cao tốc Hà Nội - Bắc Giang gần như đã mãn tải, thường xuyên ùn ứ. Ảnh: Sỹ Lực

Quá hạn 1 năm, đường gom không “động đậy”

Đoạn cao tốc Hà Nội - Bắc Giang ở cửa ngõ phía bắc Hà Nội, nằm trong tổng thể cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, liên thông với tuyến đường xuyên Á. Ngay từ khi đưa vào khai thác (tháng 1/2016), tuyến này vận hành theo cơ chế “cao tốc châm chước” khi chưa đạt chuẩn, trong đó cho xe máy đi vào trên đoạn Hà Nội - Bắc Ninh. Để khắc phục, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu nhà đầu tư (Công ty BOT Hà Nội - Bắc Giang) sớm hoàn thiện đường gom để tách xe máy ra khỏi tuyến cao tốc. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn nằm trên giấy.

Trong khi đó, tuyến cao tốc này ngày càng mãn tải, ùn ứ. Nhiều lần thử nghiệm di chuyển trên tổng chiều dài 45 km của toàn tuyến, trung bình hết từ 45 phút đến 1 giờ. Tình trạng mãn tải thể hiện rõ nhất từ đoạn cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên nhập vào tuyến cao tốc này tại (Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) vào đến nút giao của cao tốc này với QL 5. Như Tiền Phong phản ánh cách đây 1 năm, tuyến cao tốc này trở nên bất thường nhất trong các dự án BOT khi xây dựng xong, tốc độ lưu thông lại chậm hơn QL 1A. Cụ thể, trên đoạn tuyến từ Hà Nội - Bắc Ninh, xe chỉ được chạy tốc độ 90 km ở hai làn giáp dải phân cách, 2 làn kế tiếp được lưu thông ở tốc độ 70 km/h và làn dừng khẩn cấp được tận dụng cho xe máy lưu thông với 50 km/h (trong khi QL 1A quy định ô tô được lưu thông 90 km/h ở cả 2 làn).

Về tiến độ xây dựng đường gom đoạn Hà Nội - Bắc Ninh, ngày 24/5/2017, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường phê duyệt kế hoạch làm đường gom đoạn Hà Nội - Bắc Ninh trong năm 2017 với chi phí 463 tỷ đồng.

Tuy nhiên cho đến nay, việc xây dựng đường gom này vẫn chưa thể thực hiện. Ông Đinh Việt Hưng, Giám đốc Công ty BOT Hà Nội - Bắc Giang (Công ty) cho hay nguyên nhân do phương án thiết kế đường gom liên tục thay đổi do tỉnh Bắc Ninh yêu cầu, khi triển khai giải phóng mặt bằng xảy ra chồng lấn… “Đến nay nhà đầu tư vẫn chưa nhận được 1 m2 nào, bởi vậy phải đề nghị giãn tiến độ hoàn thành đến cuối năm 2019” - ông Hưng cho hay. Ngoài ra, ngay cả đường gom đoạn Bắc Ninh - Bắc Giang, nhà đầu tư BOT này vẫn chưa hoàn thiện theo thiết kế.

Ách tắc toàn tuyến

Tiến lên phía trên, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đặt mục tiêu hoàn thành 64km cao tốc đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn trong năm 2019. Vì thế, nếu đoạn tuyến Hà Nội - Bắc Giang vẫn không có sự thay đổi, tình trạng ách tắc, giảm hiệu quả khai thác toàn tuyến tất yếu sẽ xảy ra. Đây cũng là nhận định chung của chính những cán bộ có trách nhiệm thuộc Bộ Giao thông vận tải. Cụ thể, trên tuyến 4 làn xe này hiện còn hai nút thắt cổ chai là các cầu Xương Giang, Như Nguyệt với 2 làn xe. Tại các cầu này, phương tiện phải đột ngột giảm tốc độ, chầm chậm nhường đường nhau qua cầu.

Để giải quyết vấn đề này, trong một động thái muộn màng, trong cuộc làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh vào tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã đặt ra kế hoạch nâng cấp 2 cây cầu này. Tuy nhiên, phương án cụ thể vẫn chưa được đưa ra nên khả năng hai nút thắt này sẽ “tồn tại” cho đến khi thông tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vẫn sẽ xảy ra trong thực tế.

Về vấn đề này, ông Hưng cho hay: Chủ trương sẽ mở rộng nhưng thời điểm nào thì cần chờ Bộ Giao thông vận tải quyết định. Đối với việc xây dựng hai cầu này, nếu phương án do Nhà nước đầu tư sẽ khác, nếu do nhà đầu tư xây dựng thì còn phụ thuộc vào nguồn tài chính bởi đây là phần phát sinh thêm nằm ngoài hợp đồng ban đầu.

Dự tính chi phí xây lắp, GPMB cho hai cây cầu là khoảng 800 tỷ đồng. Thêm chi phí đồng bộ như đường gom, rào chắn cao tốc, hệ thống thu phí kín, kinh phí toàn tuyến sẽ tăng thêm 2.000 tỷ đồng. Nên công ty phải tính phân kỳ đầu tư từng hạng mục dự án cho phù hợp. “Hiện nay, chúng tôi đang báo cáo bộ để lựa chọn phương án đầu tư, lựa chọn hạng mục đầu tư cấp bách để thực hiện trước, để làm sao đảm bảo được phương án tài chính cũng như tính toán kéo dài thời gian thu phí, chứ chưa thể đầu tư đồng bộ toàn tuyến được” - ông Hưng cho biết.

Số liệu của Công ty BOT Hà Nội - Bắc Giang cho thấy, số lượt xe mỗi ngày đêm là khoảng 27.000 xe,  nhưng doanh thu không đạt yêu cầu so với dự kiến của nhà đầu tư. Tuy lưu lượng xe tăng 3%/năm nhưng tập trung ở xe con loại 4, 5 chỗ nhưng thành phần dòng xe thay đổi (xe con tăng, nhưng xe tải, xe khách đi theo vé tháng, quý) nên doanh thu lại giảm. Theo phương án thì mỗi ngày phải thu được 1,4 tỷ nhưng hiện nay chỉ đạt 1,2 tỷ đồng.

Theo TPO
Cùng chuyên mục
Tin khác