CEO Masan: 'Chúng tôi đã thực sự tìm được công thức vận hành hiệu quả chuỗi bán lẻ'

Thanh Long - 01/04/2021 11:16 (GMT+7)

(VNF) - CEO Masan Danny Le nói kênh bán lẻ hiện đại là một đặt cược chiến lược của tập đoàn, đồng thời khẳng định đã thực sự tìm được công thức vận hành hiệu quả cho chuỗi bán lẻ mà tập đoàn đang sở hữu.

VNF
CEO Masan: 'Chúng tôi đã thực sự tìm được công thức vận hành hiệu quả chuỗi bán lẻ'

Sáng 1/4, loạt doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Masan cùng tổ chức đại hội đồng cổ đông.

Chia sẻ tại đại hội, Tổng giám đốc Masan Danny Le cho hay với sự sáp nhập VinCommerce (doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị VinMart và VinMart+) năm ngoái, Tập đoàn Masan đã thực sự bước chân vào thị trường bán lẻ hiện đại.

Ông Danny Le nhấn mạnh tương lai của ngành hàng tiêu dùng Việt Nam sẽ nằm trong tay các nhà bán lẻ hiện đại. Giá trị toàn ngành sẽ dịch chuyển từ các nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) sang các nhà bán lẻ khi kênh hiện đại (MT) ngày càng phát triển.

"Ở các nước khác, chênh lệch giữa biên lợi nhuận của nhà sản xuất FMCG và nhà bán lẻ không lớn nhưng ở Việt Nam thì khá lớn, cho nên chúng ta còn rất nhiều cơ hội để trở thành nền tảng bán lẻ tiêu dùng tích hợp hàng đầu Việt Nam", CEO Masan nhận định.

Ông Danny Le cho biết chuỗi giá trị tiêu dùng hiện nay đang rất phân mảnh. Do các yếu kém về logistics, người tiêu dùng hiện nay phải trả thêm 15-20% giá cho các sản phẩm thiết yếu hàng ngày. Các nhà sản xuất phải chi trả thêm 15-20% cho các mạng lưới phân phối. Nhà bán lẻ ở những kênh truyền thống (GT) thì bị đội chi phí mua hàng lên thêm 15% vì quy mô nhỏ lẻ của họ.

"Chúng tôi tin rằng kênh bán lẻ hiện đại chính là chìa khóa để nâng cao năng suất cho toàn chuỗi giá trị hiện nay. Điều này phải được hỗ trợ bởi nền tảng, hệ thống logistics có hiệu quả. Chúng tôi sẽ hiện đại hóa kênh bán lẻ truyền thống thông qua mô hình nhượng quyền. 20.000 điểm bán lẻ nhượng quyền sẽ được hiện đại hóa bởi hệ thống của Masan, trong khi đó, kênh bán lẻ hiện đại sẽ có 10.000 cửa hàng", người đứng đầu ban điều hành Masan bày tỏ tham vọng.

Về lợi ích đem lại, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được 5% chi phí, nhà sản xuất cũng sẽ tăng lợi nhuận được 5% và đối tác bán lẻ nhượng quyền cũng sẽ tăng được 5% lợi nhuận.

"Khi chúng tôi nói kênh bán lẻ hiện đại chính là 'Alpha-Bet', một đặt cược chiến lược của tập đoàn, chúng tôi đã thực sự tìm được công thức để vận hành hiệu quả chuỗi bán lẻ hiện nay", CEO Masan nhấn mạnh.

Năm ngoái, tập đoàn này quyết định đóng cửa khoảng 700 cửa hàng hoạt động kém hiệu quả để tối ưu hóa hệ thống. Năm 2021, Masan đang thử nghiệm các mô hình minimart – cửa hàng nhỏ kiểu mới và dự kiến sẽ mở thêm 300-500 cửa hàng có lợi nhuận và như đã đề cập, hướng đến có 10.000 cửa hàng vào năm 2025.

Để làm được điều đó, năm 2020, tập đoàn này đã tinh gọn và tối ưu danh mục hàng hóa từ hơn 30.000 mã hàng (SKU) xuống hơn 18.000 SKU, đồng thời áp dụng chiến lược giá mới để thu hút tiêu dùng.

"Trong năm 2021, chúng tôi sẽ tập trung vào mô hình nguồn cung trực tiếp tại địa phương, giúp biên lợi nhuận tăng hơn 2%. Ngay thời điểm đại hội diễn ra, chúng tôi đã cải thiện được 0,6%. Đến năm 2025, chúng tôi hướng đến việc có 35-40% doanh thu từ hàng tươi sống và khi đó, biên lợi nhuận thương mại sẽ trên 30% nhờ dòng sản phẩm nhãn hàng riêng của Masan trong chuỗi bán lẻ này", ông Danny Le nói.

Quý I/2021, VinCommerce đã có lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) dương, khoảng 1-2%. Mục tiêu EBITDA đến năm 2025 là 5%.

Để đạt được các mục tiêu trên, số lượng cửa hàng minimart (VinMart+) dự kiến tăng từ khoảng hơn 2.000 cuối năm ngoái lên 3.000 trong năm nay và 10.000 trong năm 2025. Số lượng siêu thị (VinMart) sẽ tăng từ khoảng 125 lên 130 trong năm nay, tới năm 2025 là hơn 300 siêu thị.

CEO Masan nhấn mạnh tập đoàn có lợi thế để phát triển mô hình nhượng quyền bán lẻ, bởi hàng nghìn nhân viên của Masan Consumer có quan hệ rất tốt với hàng trăm nghìn điểm bán lẻ. Masan có chiến lược thống nhất về danh mục hàng hóa, có năng lực và quy mô đàm phán với nhà cung cấp để có được chi phí mua hàng tốt hơn, có các sản phẩm mang thương hiệu mạnh, có sự tinh gọn trong vận hành bán lẻ.

Ông Danny Le đặc biệt lưu ý đến việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng. "Trong bán lẻ, chuỗi cung ứng là tất cả, là quan trọng nhất", ông nói.

Nhà quản lý này cho biết hiện nay, mỗi nhà phân phối đều phải tìm hệ thống phân phối riêng để đến cùng một điểm bán lẻ, tạo ra hiện tượng phân mảnh và do đó không thể tận dụng được quy mô kinh tế. Chính vì vậy, nhà bán lẻ không thấy được lượng hàng hiện có tại cửa hàng và cũng không nắm được rõ ràng tốc độ bán ra.

Ví dụ về sự phân mảnh, 100 nhà cung cấp nếu muốn phân phối đến 200 điểm bán lẻ thì cần 20.000 giao dịch. Nếu có 100 nhà cung cấp muốn phân phối đến 1 triệu điểm bán lẻ thì sẽ cần 100 triệu giao dịch. Sự phân mảnh này đã đẩy chi phí logictics của Việt Nam lên quá cao so với các nước trong khu vực.

Trong tương lai, Masan sẽ thiết lập nền tảng bán lẻ cho tất cả doanh nghiệp thông qua trung tâm xử lý đơn hàng, với sự vận hành tự động dựa vào công nghệ. Những nhà cung cấp trước đây không thể phân phối hàng trên quy mô toàn quốc thì thời gian tới sẽ có thể phân phối thông qua trung tâm phân phối của Masan.

"Chúng tôi đã thử nghiệm thành công mô hình chuỗi cung ứng mới, tối ưu hàng tồn kho dựa trên hệ thống đặt hàng tự động, cho phép tích hợp sâu với nhà cung cấp để chia sẻ dữ liệu. Chúng tôi đã thử nghiệm thành công tại TP. HCM vào tháng 11/2020, tháng 2/2021 đã thử nghiệm ở Đà Nẵng và gần đây đã thử nghiệm ở Hà Nội. Tháng 5/2021 sẽ triển khai toàn quốc cho các nhà cung cấp chiến lược đầu tiên. Đến quý III, chúng tôi sẽ triển khai rộng khắp trên toàn quốc", ông Danny Le nói.

Nhờ hệ thống này, đến năm 2025, chuỗi bán lẻ của Masan kỳ vọng tiết kiệm được 66% chi phí logistics, giảm tải được 99 triệu giao dịch và cải thiện EBITDA 2-3%. Tỷ lệ đủ hàng luôn luôn từ 96% trở lên, tồn kho dưới 20 ngày, thời lượng giao hàng giảm xuống còn dưới 2 ngày thay vì nhiều khi kéo dài cả tuần như hiện nay.

Cùng chuyên mục
Tin khác