Công nghệ

CEO Uber Việt Nam: Hãy ngã nhẹ và ngã thật nhanh!

Tuổi trẻ, tài năng, trở thành CEO của một hãng công nghệ tầm cỡ khi mới ở độ tuổi 30, Đặng Việt Dũng, CEO Uber Việt Nam chia sẻ với chúng tôi về bài học khởi nghiệp, những góc nhìn mới về môi trường kinh doanh.

CEO Uber Việt Nam: Hãy ngã nhẹ và ngã thật nhanh!

Đặng Việt Dũng, CEO Uber Việt Nam.

Với bằng cấp, kinh nghiệm sẵn có, chắc chắn anh có rất nhiều cơ hội cho sự nghiệp, vậy tại sao anh lại quyết định đầu quân cho Uber?

Câu chuyện dài lắm, nhưng sau khi học xong, tôi xác định sẽ không ở Mỹ lâu dài, vì dù mình có giỏi đến mấy thì ở Mỹ mình cũng chỉ là một con ốc trong hệ thống đã rất trơn tru. Việt Nam mình thì cần người giỏi, hy vọng mình là một trong những người đó.

Hồi đó, học xong tôi đứng giữa ngã ba đường, hoặc là làm cho công ty về thương mại điện tử, hay quay về công ty tư vấn cũ hay làm startup, hầu hết đó đều là những giải pháp khá an toàn. Nhưng đối với những lựa chọn rủi ro hơn, nếu mình làm, dù có thành công hay không thành công thì mình vẫn sẽ có những câu chuyện rất hay để kể. Từ trước tới giờ, con đường sự nghiệp của mình khá bằng phẳng, vậy có cơ hội mười năm có một tại sao mình không thử.

Uber có những giá trị đó đôi khi cần thời gian để mọi người hiểu. Nhưng chính vì chưa hiểu hết, càng làm về sau, mình càng khám phá nhiều thứ mới mẻ hơn. Nói đơn giản như nền tảng Uber tạo ra rất nhiều việc làm cho các tài xế.

Ban đầu tôi chỉ hiểu đơn giản là việc làm là việc làm. Nhưng khi bắt tay vào làm, rồi gặp các tài xế, nói chuyện với người ta, biết một tháng người ta có thể kiếm thêm một vài triệu đồng, số tiền đó đối với nhiều người có thể chẳng đáng bao nhiêu nhưng khi anh ấy nói là số tiền đó đủ để đóng tiền học hè cho con, thì đối với tôi, nó lại rất khác. Càng làm về sau, tôi càng thấy giá trị cả team của mình, đối tác của mình mang lại có ý nghĩa như nào, ít nhất, đó là cảm nhận của cá nhân tôi.

Làm sao anh thuyết phục được Uber rằng anh chính là người họ đang cần?

Cũng giống như những lần thi tuyển khác thôi, không có gì đặc biệt. Hồi đó tôi có mười ngày, trải qua 6 lần phỏng vấn và làm ba bài tập. Quan trọng nhất là buổi tôi nói chuyện với anh Giám đốc Châu Á Thái Bình Dương của Uber. Chúng tôi gặp nhau vào một buổi sáng sớm ở Sài Gòn, nói về rất nhiều chuyện, và có một cảm giác rất đặc biệt, làm chúng tôi có cùng một cách suy nghĩ. Trong công việc, điều quan trọng nhất là hiểu nhau.

Trong buổi nói chuyện đó, các anh có nói chuyện nhiều về cơ hội của Uber tại Việt Nam không?

Ồ không. Trong buổi nói chuyện kéo dài một tiếng rưỡi đó, chúng tôi nói về Uber chỉ khoảng mười phút. Anh ấy hỏi tôi nhiều về background, về công ty tôi đang làm. Người ta không quan tâm đến việc bạn biết gì, mà quan tâm đến tư duy nhiều hơn.

Thực ra trong kinh doanh, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trở lực mà nhiều khi không thể đoán trước được. Do đó, nếu chúng ta không thể tự tư duy mà phải mượn từ người khác thì khi khó khăn đến sẽ không biết phải xử lý như thế nào.

Khi bắt đầu đưa Uber hoạt động tại Việt Nam, anh gặp những khó khăn gì? Và anh đã trải qua như thế nào?

Khó khăn thì nhiều vô kể. Thực ra khó khăn lớn thì không có, cái khó khăn lớn nhất trong những cái nhỏ là sự thấu hiểu của thị trường, của chính phủ, của những bên liên quan đối với môi hình của Uber.

Còn đối thủ thì sao, thưa anh?

Tôi nghĩ đối thủ không phải là vấn đề lớn. Vì sao? Vì đây là một thị trường mới, mà trong thị trường mới, nếu muốn thành công thì phải định hình được hành vi thị trường. Và để làm được điều đó, bạn phải tạo được một đám đông sử dụng, phải có một nghìn người bán, một triệu người mua mới tạo nên thị trường, tương tự, Uber hay các công ty đối thủ cũng như vậy thôi.

Cho nên, đối với một sản phẩm rất mới, thì có hai bên cùng chung sức xây dựng thị trường, hình thành nên thói quen người tiêu dùng là một điều tốt, tốt không chỉ cho ngành đó mà còn cho chính mình. Tất nhiên, có đối thủ mình sẽ phải làm việc với năng suất gấp đôi.

Anh có hay di chuyển bằng Uber không?

Thường xuyên chứ, tôi sử dụng hằng ngày.

Trong cảm nhận của cá nhân anh, dịch vụ Uber tại Việt Nam có khác gì so với các nước khác trên thế giới không?

Tôi nghĩ là Uber các nước đều có những đặc điểm chung và riêng. Đặc điểm chung là bạn sẽ biết tài xế là ai, có thể đánh giá, chấm điểm tài xế, có thể khiếu nại khi dịch vụ chưa tốt,... nhưng chắc chắn sẽ có những trải nghiệm khác nhau. Như ở Mỹ chẳng hạn, tài xế Uber có thể là những người rất bình thường, khi lên xe bạn có thể bắt gặp một sinh viên, một người bán thời gian, có những người là tài xế chuyên nghiệp. Còn ở Việt Nam, đa phần là tài xế chuyên nghiệp, nhưng tôi nghĩ trong tương lai có thể bạn sẽ bắt gặp những người dân bình thường lái xe Uber.

Được biết ban đầu các anh không định ra mắt dịch vụ Uber moto, nhưng sau đó lại quyết định triển khai?

Mỗi công ty có những ưu tiên riêng, thực ra trong kinh doanh, khái niệm đúng sai mong manh lắm, mình tin vào những gì mình làm và mình làm hết sức thôi. Ban đầu chúng tôi nghĩ là mình đang làm rất tốt dịch vụ uber car, nếu chia sức ra có thể sẽ chẳng làm tốt được việc gì.

Tuy nhiên, đến một giai đoạn thích hợp, chúng tôi cảm thấy đưa ra thêm sản phẩm là phù hợp thì làm thôi.

Nhiều bạn sinh viên có nhiều thời gian rảnh muốn kiếm tiền, tôi nghĩ Uber Moto sẽ rất phù hợp, các bác xe ôm cũng vậy, nhiều khi họ phải đứng cả ngày chờ khách nên khi có khách là tính rất đắt nhưng với công nghệ Uber, họ sẽ có nhiều khách hàng hơn, do đó, giá cước giảm xuống.

Dịch vụ này đến nay phát triển như thế nào, thưa anh?

Uber moto đến giờ phát triển rất tốt, số người sử dụng tăng, chất lượng cũng được phản hồi khá tốt và rẻ. Nhiều người đi làm thích sử dụng dịch vụ vì vừa rẻ vừa an toàn.

Trong công việc hằng ngày chắc chắn không tránh khỏi những lúc bế tắc, anh thường làm gì khi cảm thấy căng thẳng?

Việc đầu tiên là hít thở sâu, lấy lại thăng bằng. Tôi luôn cho rằng, mọi việc cuối cùng rồi cũng sẽ qua thôi nên chẳng có lý do gì để mình phải quá căng thẳng, quá sợ hãi hay lo lắng cả. Quá căng thẳng chỉ làm cho chúng ta bị tê liệt, không dẫn đến giải pháp.

Sau khi lấy lại thăng bằng, tôi dành thời gian tập trung, suy nghĩ và giải quyết vấn đề đó, thậm chí có thể hỏi tư vấn từ các đồng nghiệp hay những người thân của mình.

Trước đây, tôi rất nóng tính, dễ nổi nóng lắm, nhưng càng làm thì càng thấy mọi thứ không đáng phải như vậy. Và trong một môi trường kinh doanh khó khăn, nếu mình tức giận, chán nản sẽ chẳng làm được gì nên rút kinh nghiệm.

Tất nhiên có những lúc mình "down" thật, quá nhiều việc chồng chất, thì những lúc đó tôi sẽ ngừng làm việc, dành một vài tiếng để "refresh" trước khi quay lại giải quyết tiếp.

Theo quan điểm của anh, đâu là điều quý giá nhất trong cuộc sống?

Điều quý giá nhất trong cuộc sống chính là những mối quan hệ ý nghĩa, là sự gắn kết với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, với cộng đồng, với thiên nhiên. Trong mỗi mối quan hệ, tôi tìm được một sự đồng cảm, gần gũi và chia sẻ. Điều đó giúp làm nên một cuộc sống có ý nghĩa.

Còn quan niệm về sự giàu có?

Tôi nghĩ tiền quan trọng nhất, nhưng chỉ cần đến một mức nào đó thôi. Ở Mỹ, người ta nói chỉ cần kiếm được 70 nghìn USD một năm là đủ (đó là ở mức trung lưu thôi nhé).

Tiền không làm cho bạn hạnh phúc quá nhiều, sự giàu có còn thể hiện ở những mối quan hệ ý nghĩa, độ phong phú về tri thức và trải nghiệm.

Và cuối cùng là sức khoẻ, có sức khoẻ chúng ta mới làm việc tốt, vui chơi tốt và cơ thể có khoẻ mạnh thì tâm hồn, tinh thần mới tốt được.

Anh đánh giá độ "giàu có" của mình đến đâu?

Tôi vẫn còn "nghèo" lắm. Thực ra, giàu với nghèo cũng chỉ là tương đối thôi, bản thân mình đủ ăn là đã tốt hơn rất nhiều người khác rồi.

Anh có lời khuyên gì đối với các bạn muốn khởi nghiệp? Đâu là điều kiện cần và có để khởi nghiệp?

Tôi nghĩ đầu tiên là bạn thực sự phải có máu học hỏi, học mọi lúc, mọi nơi trong mọi điều kiện. Vì trong môi trường kinh doanh, kiến thức của ngày hôm nay là mới nhưng đến ngày mai đã cũ rồi.

Đối với những bạn khởi nghiệp, tôi khuyên các bạn nên tìm đến những người đi trước, không nhất thiết phải là những người thành đạt, nhưng họ đã từng trải qua những điều tương tự để thành người hướng dẫn. Họ là những người có thể lắng nghe và thấu hiểu bạn.

Thứ hai là đừng ngại thay đổi, vì chắc chắn công ty của bạn sẽ thay đổi, thị trường sẽ thay đổi, khách hàng sẽ thay đổi. Hãy lắng nghe thị trường để có những quyết định sáng suốt.

Thứ ba, nếu thất bại thì hãy thất bại nhỏ thôi và thất bại thật nhanh. Vì sao? Người ta nói hơn 95% startup là thất bại, nhưng nếu những thất bại nhỏ, bạn sẽ gom được cho mình những bài học và đừng quên học lại những bài học đó để mình không lặp lại thất bại, qua đó mình giảm đi được rủi ro, đừng ở trong vùng an toàn của mình.

Tin mới lên