Chân dung HBRE Group - chủ đầu tư dự án phong điện Hà Tĩnh

Tân Mai - 05/10/2020 16:08 (GMT+7)

(VNF) - UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa đồng ý chủ trương đầu tư dự án trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh. Chủ đầu tư dự án này là Công ty Cổ phần Phong điện HBRE Hà Tĩnh - thành viên thuộc hệ sinh thái Công ty Cổ phần Tập đoàn HBRE (HBRE Group) của doanh nhân Hồ Tá Tín.

VNF
Chân dung HBRE Group - chủ đầu tư dự án phong điện Hà Tĩnh

Được biết, dự án trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh có công suất 120MW (25 tua bin gió), tổng mức đầu tư 4.687 tỷ đồng. Sản lượng điện thương phẩm hằng năm ước tính 350,357 GWh.

Tổng diện tích thực hiện dự án 30,28 ha. Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm, kể từ ngày ban hành quyết định chủ trương đầu tư.

Chia sẻ với báo giới, ông Tín cho biết HBRE Group đang thực hiện công tác khảo sát đề địa hình đo lưu lượng gió, đặt thiết bị và hoàn thiện hồ sơ thủ tục triển khai dự án. Ngay sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, doanh nghiệp sẽ triển khai khởi công dự án, dự kiến vào đầu tháng 10/2020.

Theo tìm hiểu, HBRE Group là một doanh nghiệp khá có tiếng trong giới điện gió, từng đảm nhiệm vai trò đầu tư của loạt dự án như trang trại phong điện Tây Nguyên (28,8 MW, tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng), nhà máy điện gió HBRE Phú Yên (300 MW, tổng mức đầu tư 9.000 tỷ đồng), trang trại phong điện HBRE Chư Prông tại Gia Lai (100 MW, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 1.000 tỷ đồng).

Ngoài các dự án kể trên, năm 2019 UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã đồng ý để cho HBRE Group khảo sát đề xuất vị trí đo gió, lập hồ sơ dự án trong khu vực biển thuộc huyện Xuyên Mộc. Thời gian đo gió, thu thập số liệu là 12 tháng.

Cuối năm 2019, dự án HBRE Vũng Tàu (500 MW) được đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Tổng mức đầu tư dự án này vào khoảng 1 tỷ USD, tương đương 23.000 tỷ đồng.

Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Tá Tín ấp ủ khát vọng lớn cho ngành điện gió. Trong cuộc phỏng vấn mới đây, ông Tín nhận định: "Giá bán điện gió tại Việt Nam còn thấp, trong khi nguồn vốn đầu tư lớn. Lĩnh vực đầu tư này còn mới, mức độ rủi ro lại cao nên các ngân hàng rất e dè trong việc cho vay vốn, khiến các nhà đầu tư kém mặn mà..."

"Trong 'cuộc chơi mạo hiểm này' phần thắng thuộc về những 'chiến binh' gan dạ, kiên cường. Đó là những người đã dấn thân về phía trước để đón được những ngọn gió đầu tiên, để mày mò nghiên cứu bằng tất cả công nghệ và… cảm xúc", ông Tín nói thêm.

Mặc dù sở hữu nhiều dự án lớn và tiềm năng, song HBRE Group tỏ ra khá đuối trong việc thu xếp nguồn vốn thực hiện. Bởi lẽ, so với tổng vốn đầu tư loạt dự án kể trên là hàng chục nghìn tỷ đồng, thì số vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng của HBRE Group là quá nhỏ bé.

Hồi tháng 3/2019, HBRE Group đã trở thành tâm điểm của giới kinh doanh, khi chuyển nhượng 2 dự án điện gió là HBRE Phú Yên và HBRE Chư Prông cho tập đoàn năng lượng Super Energy Corporation của Thái Lan, với giá 17,5 triệu USD (khoảng 400 tỷ đồng).

Cụ thể, ông Tín, HBRE Group và Phan Thị Thanh Thủy - cổ đông có cùng hộ khẩu thường trú với ông Tín đã bán hết cổ phần nắm giữ tại Công ty Cổ phần HBRE Phú Yên và Công ty Cổ phần Phong điện HBRE Gia Lai cho tập đoàn đến từ Thái Lan.

Trao đổi về vấn đề này, một chuyên gia kinh tế nhận định: "Rất có thể động thái này của HBRE Group nằm trong kế hoạch huy động vốn, cũng như bảo đảm nguồn tiền để thực hiện các dự án còn lại".

"Thế nhưng, không ngoại trừ trường hợp xảy ra hiện tượng doanh nghiệp xin chủ trương đầu tư dự án ồ ạt, sau đó bán lại cho doanh nghiệp nước ngoài nhằm kiếm lời...", vị này chia sẻ thêm.

Dẫn chứng về lập luận này, vị chuyên gia cho rằng trước thương vụ của HBRE Group đã có không ít trường hợp tương tự diễn ra, đơn cử như hai nhà máy điện mặt trời TTC 1 và TTC 2 tại Tây Ninh do Tập đoàn Thành Thành công và Tập đoàn Năng lượng Gulf (Thái Lan) hợp tác đầu tư, vận hành từ giữa năm 2019.

Ban đầu tập đoàn Thái Lan sở hữu 49% vốn nhưng trong lần thay đổi gần nhất, Gulf đã tăng mức nắm giữ lên 90%. Ông Prasert Thirati - Giám đốc Công ty Gulf Việt Nam cũng đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng xanh TTC, Công ty cổ phần Gulf Tây Ninh 1, Gulf Tây Ninh 2. Tập đoàn Gulf còn nắm trong tay các dự án điện gió tại Bến Tre với tỷ lệ sở hữu 95%.

Hay như việc tập đoàn năng lượng Super Energy Corporation (đối tác nhận chuyển nhượng của HBRE Group) chỉ trong 2 năm đã thâu tóm hàng chục dự án năng lượng tái tạo thông qua hình thức mua cổ phần, liên doanh. Trong đó có 3 dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận là dự án Phan Lâm 1 (37 MW), Bình An (50 MW) và Sinenergy Ninh Thuận (50 MW)...

"Việc mua bán dự án là xu thế bình thường của thị trường, nhưng nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì hiện tượng này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tốc độ phát triển của ngành điện, điện tái tạo. Đặc biệt việc doanh nghiệp không có kinh nghiệm làm dự án điện gió nhưng vẫn muốn đầu tư dự án với mục đích bán lại kiếm lời sẽ dẫn đến tình trạng một dự án nhưng được mua đi bán lại nhiều lần, song vẫn không thể triển khai", vị chuyên gia quan ngại.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.