Phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định mình có tri thức, có sức khỏe, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng.
Trên thương trường, trong tà áo dài duyên dáng, những bóng hồng luôn xuất hiện, khẳng định vị thế của phụ nữ Việt Nam, nối tiếp truyền thống, không ngừng đóng góp những thành quả cho nước nhà ở mọi phương diện: từ chính trị, kinh tế, xã hội… Họ là những đại diện cho vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam thời đại mới.
Nguyễn Thị Phương Thảo, nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam
Tại HDBank, với cương vị Phó chủ tịch thường trực, dưới sự điều hành của bà Nguyễn Thị Phương Thảo cùng những lãnh đạo khác, hoạt động kinh doanh của HDBank phát triển nhanh chóng.
Lợi nhuận trước thuế đang ở mức dưới 1.000 tỷ đồng vào năm 2015 đã tăng vọt gấp ba vào năm 2017 lên 2.417 tỷ đồng. Những năm sau đó lợi nhuận của HDBank đều tăng trưởng mạnh. Năm 2022 vừa qua HDBank cho biết lần đầu vượt 10.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế - mức lãi kỷ lục từ trước tới nay.
Tại Vietjet Air, doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong những thành viên sáng lập, đang giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Bà Phương Thảo đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc gắn liền với hình ảnh Vietjet, đặc biệt những hình ảnh nữ doanh nhân trong những bộ áo dài duyên dáng xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới, cùng ký kết trong những sự kiện đại diện cho thế hệ nữ doanh nhân mới, cho một Việt Nam đổi mới và hội nhập. Nữ doanh nhân ưa mặc áo dài lụa tơ tằm truyền thống của phụ nữ Hà Thành.
Vietjet Air ra đời với mục tiêu đầu tiên là khai thác vận chuyển hàng không theo mô hình thế hệ mới, chi phí thấp giúp cho giấc mơ bay của hàng triệu người dân Việt Nam trở thành hiện thực. Đến nay mục tiêu của Vietjet Air là trở thành hãng hàng không đa quốc gia, có mạng lưới bay rộng khắp.
Ghi dấu ấn tại nhiều lĩnh vực kinh doanh, bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn là doanh nhân 6 lần liền được Forbes công nhận là tỷ phú đô la từ năm 2017 đến 2022. Đến nay chưa có người phụ nữ thứ 2 đạt được điều này.
Mai Kiều Liên, Top 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất châu Á
Nữ doanh nhân Mai Kiều Liên từng được Tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh là một trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất khu vực châu Á. Xuất thân trong gia đình bác sỹ, ước mơ ban đầu của bà Mai Kiều Liên là học ngành sư phạm hoặc bác sỹ. Tuy vậy lớn lên bà lại tốt nghiệp kỹ sư về ngành chế biến thịt và sữa tại Đại học Moscow – Nga.
Gắn bó sự nghiệp tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) từ khi ra trường, bà Mai Kiều Liên từng có thời gian dài 12 năm kiêm nhiệm cả chức Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc của Vinamilk trước khi rút lui khỏi chức Chủ tịch HĐQT năm 2017.
Trên thương trường, tên tuổi bà Mai Kiều Liên gắn liền với sự phát triển của Vinamilk. Bà Mai Kiều Liên là vị lãnh đạo có công đưa thương hiệu sữa Vinamilk chiếm lĩnh thị phần sữa tươi Việt Nam và vươn mình cạnh tranh với nhiều thương hiệu sữa trên thế giới.
Thành quả là năm 2021 Vinamilk được ghi dấu ấn trên bản đồ ngành sữa thế giới với vị trí thứ 36 trong nhóm 50 các công ty sữa hàng đầu thế giới về doanh thu và là đại diện duy nhất của khu vực Đông Nam Á trong danh sách này.
Tháng 10/2022, bà Mai Kiều Liên được trao tặng danh hiệu “doanh nhân xuất sắc” trong lễ trao giải thương hiệu mạnh. Trước đó bà từng được nhận danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ mới, được vinh danh trong chương trình vinh quang Việt Nam – dấu ấn 30 năm đổi mới.
Hơn 46 năm đồng hành cùng Vinamilk, phong cách lãnh đạo của bà Mai Kiều Liên từng được gói gọn trong đánh giá “quyết đoán – dân chủ – tuân thủ”. Câu nói “sáng tạo là yếu tố sống còn” của bà cũng được Vinamilk triệt để áp dụng trên mọi phương diện.
Nguyễn Thị Mai Thanh, nữ tướng giỏi việc công, đảm việc nhà
Trên thương trường, nhắc đến những bóng hồng quyền lực, giới thương nhân cũng không thể không nhắc tới Nguyễn Thị Mai Thanh – nữ tướng chèo lái con thuyền Cơ điện lạnh REE.
Trên thị trường, Cơ điện lạnh REE được nhắc đến với nhiều “cái đầu tiên”: là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tiến hành cổ phần hóa; là doanh nghiệp đầu tiên phát hành trái phiếu chuyển đổi nước ngoài và là một trong 2 doanh nghiệp đầu tiên (cùng với SAM) đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tất cả những cái đầu tiên đó của Cơ điện lạnh REE đều gắn liền với sự điều hành, dẫn dắt của bà Nguyễn Thị Mai Thanh. Kể lại hành trình phát triển của Cơ điện lạnh REE, bà Mai Thanh có rất nhiều điều để ghi hồi ức đẹp.
Ví dụ, câu chuyện cổ phần hóa của REE cũng khác so với các doanh nghiệp khi công ty “tự xin được cổ phần hóa”. Đến phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu trên sàn, để tạo cung – cầu, lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán lúc đó đã phải gọi điện cho lãnh đạo 2 doanh nghiệp REE và SAM để bán cổ phiếu. Bà Thanh là người giao dịch đầu tiên với 1.000 cổ phiếu REE.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh xuất thân từ một người lính, nhập ngũ năm 16 tuổi với nhiệm vụ đầu tiên là học về dược tá. Sau này bà được cử đi Đức du học, tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí, mảng điều hòa.
Năm 1982 bà trở thành kỹ sư Xí nghiệp Quốc doanh liên hiệp Thiết bị lạnh, ghi dấu ấn trong mắt đội ngũ lãnh đạo khi lắp thành công hệ thống lạnh lớn đầu tiên cho Nhà hát Hòa Bình.
Gắn bó sự nghiệp của mình tại Cơ điện lạnh, dưới sự chèo lái của bà Mai Thanh, REE nhanh chóng hái quả ngọt. Kể từ sau khoản lỗ 150 tỷ đồng vào năm 2008 đến nay công ty chưa từng ghi lỗ tiếp. Doanh thu năm 2022 đạt gần 9.400 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2021; lợi nhuận cũng đạt mức kỷ lục hơn 3.500 tỷ đồng – mức cao nhất trong lịch sử thành lập.
Giỏi việc công, ở gia đình bà Mai Thanh cũng là người mẹ hiện đại với những quan điểm giáo dục con có thể bước vào cuộc sống tự chủ. Bà Mai Thanh cho rằng “Phụ nữ hiện đại phải tìm thấy được hạnh phúc trong công việc và trong gia đình”.
Cao Thị Ngọc Dung, đưa thương hiệu trang sức PNJ vươn tầm thế giới
Cũng thuộc lớp doanh nhân đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, ngày nay nhắc đến cái tên Cao Thị Ngọc Dung, giới doanh nhân sẽ liên tưởng ngay tới Vàng bạc đá quý Phú Nhuận với thương hiệu PNJ.
Cuộc đời và sự nghiệp của nữ doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung trải qua rất nhiều sóng gió. Trước khi gắn bó sự nghiệp của mình cùng PNJ, bà Cao Thị Ngọc Dung từng làm việc ở nhiều đơn vị khác nhau trong đó có cả ngành ngân hàng ở cương vị Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á.
Nhớ lại những ngày đầu, bà Dung cho biết: “Cuối những năm 80, nhà nước thành lập các xí nghiệp vàng bạc theo mô hình thí điểm để chính thức đưa ngành này thành một sản phẩm hàng hóa không còn bị cấm đoán như trước”. “Ngày đó tôi còn trẻ và được giao nhiệm vụ thành lập công ty này”
Năm 1992 là cột mốc đáng nhớ liên quan đến cả duyên nợ với ngành ngân hàng của bà. Năm đó PNJ mở rộng hoạt động kinh doanh, sáng lập Ngân hàng Đông Á và góp vốn 40%.
Bà Ngọc Dung cùng chồng là ông Trần Phương Bình cùng điều hành Đông Á Bank. Tuy vậy biến cố ập đến với ông Trần Phương Bình và Đông Á Bank năm 2015 – lúc đó PNJ là cổ đông lớn của ngân hàng này, khiến PNJ gặp rất nhiều khó khăn, sóng gió.
Tuy vậy dưới sự chèo chống của bà Cao Thị Ngọc Dung, liên tục đổi mới chiến lược phù hợp tình hình thực tế, ngày nay PNJ trở thành thương hiệu vàng bạc, đá quý, trang sức có tiếng trong và ngoài nước. Ở kênh xuất khẩu, PNJ đã vươn tầm thế giới, xuất khẩu đến 13 quốc gia ở 4 châu lục khác nhau.
Năm 2022 vừa qua, PNJ một lần nữa thiết lập kỷ lục mới, ghi dấu ấn trong ngành với doanh thu đạt 33.876 tỷ đồng - tăng 73% so với năm 2021; lợi nhuận cũng tăng đột biến sau thuế hơn 1.800 tỷ đồng - tăng trưởng trên 75% so với năm 2021.