Nữ kỹ sư Trung Quốc đứng sau nỗ lực 'thách thức' Boeing và Airbus
(VNF) - Zhao Chunling là một kỹ sư nữ từng tốt nghiệp tại một trường đại học Trung Quốc nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Bà hiện đang giữ vai trò then chốt trong chương trình sản xuất máy bay dân dụng thân rộng C929, một nỗ lực lớn của Trung Quốc nhằm thách thức sự thống trị của Boeing và Airbus trong ngành hàng không thế giới.

Từ quốc phòng đến hàng không dân dụng
Bà Zhao Chunling tốt nghiệp Đại học Bách khoa Tây Bắc (Northwestern Polytechnical University – NPU) ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc vào năm 1991. Đây là một trường đại học có mối liên hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc và thường xuyên nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Các sinh viên và giảng viên tại đây bị cấm tiếp cận phần mềm và công nghệ Mỹ, kể cả phần mềm toán học chuyên dụng.
Dù vậy, NPU đã tham gia phát triển nhiều loại vũ khí hiện đại, bao gồm cả máy bay chiến đấu tiên tiến. Sau khi tốt nghiệp, bà Zhao không ngay lập tức tham gia lĩnh vực hàng không dân dụng mà đầu quân cho một viện nghiên cứu quang điện tử tại Lạc Dương (tỉnh Hà Nam). Đây là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), cũng được xem là "ông lớn" trong ngành hàng không – quốc phòng.
Suốt 18 năm tại đây, bà từng bước khẳng định năng lực khi viện nghiên cứu của bà trở thành trung tâm nghiên cứu công nghệ then chốt cho các hệ thống điều khiển lực đẩy và chỉ huy hàng không. Bà Zhao được bổ nhiệm làm Phó tổng thiết kế của viện, nơi sản xuất các cảm biến điện quang và cụm thiết bị cho máy bay không người lái, cũng như màn hình hiển thị trước mắt (HUD), bao gồm cả HUD được lắp đặt trên mẫu C919 sau này.
Năm 2009, bà Zhao gia nhập Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) – doanh nghiệp mới được thành lập tại Thượng Hải với sứ mệnh hiện thực hóa khát vọng sản xuất máy bay dân dụng “made in China”. Tại đây, bà tham gia thiết kế, thử nghiệm bay và chứng nhận trong nước cho các mẫu C909 và C919 – những mẫu máy bay thân hẹp nhằm cạnh tranh với Boeing 737 và Airbus A320.
Bà Zhao đảm nhận vai trò thiết kế hệ thống điện tử hàng không và bảng điều khiển buồng lái mới lạ cho mẫu C909. Thiết kế này hướng đến môi trường “tối, yên tĩnh” nhằm giúp phi công tập trung và xử lý tốt hơn trong các tình huống khẩn cấp.
Với C919, bà là người dẫn dắt nhóm phát triển hệ thống hiển thị và cảnh báo phi hành đoàn mới – được Comac đánh giá là hiện đại hơn các đối thủ phương Tây. Đặc biệt, trong những ngày đầu đại dịch Covid-19 năm 2020, bà Zhao dẫn dắt hơn 100 kỹ thuật viên làm việc không ngừng nghỉ để so sánh hiệu suất của C919 với các tiêu chuẩn quốc tế, nhằm loại bỏ mọi khiếm khuyết thiết kế và sản xuất.
C919 đã cất cánh trong chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 5/2023, đánh dấu bước ngoặt trong hành trình hiện thực hóa giấc mơ máy bay thương hiệu Trung Quốc.
Thắp lên khát vọng "soán ngôi" Boeing và Airbus của Trung Quốc
Từ năm 2023, bà Zhao chính thức đảm nhận vai trò kỹ sư trưởng của chương trình C929 – mẫu máy bay thân rộng đầu tiên do Trung Quốc phát triển, với tham vọng cạnh tranh trực tiếp với Boeing 787 Dreamliner và Airbus A350.

Theo tiết lộ từ truyền thông nhà nước, thiết kế tổng thể của C929 đã được hoàn tất. Mẫu máy bay này dự kiến chở tối đa 440 hành khách, có tầm bay khoảng 12.000km – tương đương quãng đường từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến New York (Mỹ). Các nguyên mẫu đang trong giai đoạn phát triển, và các nhà cung cấp trong nước sẽ bắt đầu chuyển giao các bộ phận lớn như phần giữa thân máy bay từ năm 2027.
Một nguồn tin gần gũi với Comac cho biết: “Việc bổ nhiệm một kỹ sư kỳ cựu như bà Zhao làm trưởng dự án C929 cho thấy nỗ lực chuyển giao nguồn lực và kinh nghiệm từ các mẫu nhỏ hơn, nhằm đẩy nhanh tiến độ phát triển dòng máy bay thân rộng mang dấu ấn Trung Quốc”.
Tại một buổi chia sẻ với sinh viên các ngành khoa học – kỹ thuật tại Đại học Giao thông Thượng Hải vào tháng 12 năm ngoái, bà Zhao tiết lộ: “C929 sẽ sở hữu thiết kế khí động học ưu việt, tiết kiệm nhiên liệu, hệ thống điều khiển bay điện tử (fly-by-wire) tiên tiến có thể xử lý cả những điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất. Ngoài ra, thiết kế khoang hành khách cũng sẽ được chú trọng nhằm mang đến trải nghiệm bay tốt hơn cho hành khách”.
Tuy nhiên, bà Zhao nhấn mạnh rằng mục tiêu cuối cùng không chỉ là công nghệ: “Tôi luôn phải cân nhắc khả năng thương mại hóa và lợi nhuận. Chúng tôi đặt mục tiêu bán được số lượng lớn cả trong nước lẫn quốc tế".
Hành trình sự nghiệp của bà Zhao Chunling cũng là biểu tượng cho sự phát triển song hành giữa ngành quốc phòng và dân dụng của Trung Quốc – từ những phòng nghiên cứu bí mật đến các dây chuyền sản xuất máy bay thương mại hiện đại. Việc một nữ kỹ sư đảm nhận vai trò dẫn dắt chương trình phát triển máy bay thân rộng đầu tiên của Trung Quốc là một dấu ấn đặc biệt trong ngành công nghiệp vốn bị chi phối bởi nam giới.
Cùng với các bước tiến của Comac, câu chuyện của bà Zhao phản ánh tham vọng ngày càng rõ nét của Trung Quốc trong việc định hình lại cán cân quyền lực trên bầu trời toàn cầu – nơi mà từ lâu, Boeing và Airbus vẫn là hai cái tên thống trị.
Boeing rút máy bay khỏi Trung Quốc giữa lúc căng thẳng leo thang
Peng Zhihui – Từ nhân tài Huawei đến 'ngôi sao' mới của ngành robot Trung Quốc
(VNF) - Peng Zhihui, đồng sáng lập kiêm giám đốc công nghệ AgiBot, là đại diện mới nhất của thế hệ doanh nhân trẻ Trung Quốc nhận được sự quan tâm từ giới lãnh đạo cấp cao nước này, trong đó có thủ tướng Lý Cường.
Peng Zhihui – Từ nhân tài Huawei đến 'ngôi sao' mới của ngành robot Trung Quốc
(VNF) - Peng Zhihui, đồng sáng lập kiêm giám đốc công nghệ AgiBot, là đại diện mới nhất của thế hệ doanh nhân trẻ Trung Quốc nhận được sự quan tâm từ giới lãnh đạo cấp cao nước này, trong đó có thủ tướng Lý Cường.
Thăm lô đất đấu giá 158 triệu đồng/m2 gây 'sốc' tại Hưng Yên
(VNF) - Một lô đất đấu giá tại xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên được trả với giá lên đến 158,2 triệu đồng/m2. Đây là mức giá gây 'sốc khi đắt ngang ngửa với đất nội đô Hà Nội.