Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Những năm gần đây, nói đến tranh Việt, nhất là dòng tranh của họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, gọi nôm na là tranh Đông Dương, giới sưu tầm doanh nhân đều nói đến con số triệu đô.
Giá trị tranh Đông Dương để lại cho hậu thế có khởi nguồn từ năm 1924, khi đó vị hiệu trưởng người Pháp Victor Tardieu cùng họa sĩ Nam Sơn đã thành lập trường “École Supérieure des Beaux-Arts de l’Indochine” tiền thân của Đại học Mỹ thuật Hà Nội ngày nay. Ý định xây dựng truyền thống nghệ thuật Việt Nam như là điểm khởi đầu cho một xu hướng thế giới đã sớm thành công, khi 7 năm sau đó, thế hệ họa sĩ Việt ưu tú đầu tiên do trường đào tạo gây ấn tượng mạnh với người xem phương Tây, giành liền 3 giải thưởng lớn tại Triển lãm nghệ thuật quốc tế Paris năm 1931 (Exposition Coloniale Internationale de Paris 1931).
Theo dòng thời gian, những học trò thuở ban đầu ấy như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh… đã thành danh trong làng hội họa quốc tế cho đến nay, tạo ấn tượng đặc biệt trên thị trường tranh mỹ thuật và luôn được giới doanh nhân nâng tầm giá trị khi săn đón.
Năm 2018, bức tranh “Em bé bên chú chim” (Enfant à l’oiseau) của danh họa Nguyễn Phan Chánh trong cuộc bán đấu giá của Christie’s International tại Hồng Kông được bán với giá kỷ lục là 853.921 USD. Năm 2019, tác phẩm “Khỏa thân” (Nude) của danh họa Lê Phổ cũng tại nhà đấu giá trên đã rất thành công khi đạt mức giá 1,4 triệu USD.
Và dấu ấn đỉnh cao được lập tại nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong là kỷ lục 3,1 triệu USD, tác phẩm “Chân dung cô Phương” (Portrait of Mademoiselle Phuong) của danh họa Mai Trung Thứ vào tháng 4/2021. Theo những người thạo tin trên thị trường tranh mỹ thuật, những người thắng đấu giá trên trường quốc tế đều là những doanh nhân tỷ phú người Việt hiện ở trong nước.
Trả lời thời báo Straitstimes, bà Bernadette Rankine - giám đốc khu vực Đông Nam Á của nhà đấu giá Bonhams cho biết: “Người Việt Nam rất tích cực mua tranh các nghệ sĩ của họ, những tác phẩm đã ra nước ngoài trong thời thuộc địa. Khi đó, người nước ngoài mua tác phẩm trong thời gian họ ở Việt Nam rồi mang về nước. Các tranh này hiện được đấu giá và hồi hương”.
“Dấu hiệu này thật đáng mừng… Cuối cùng, tất cả những gì hay nhất, cho dù lưu lạc ở đâu vẫn về với Việt Nam”, họa sĩ Lê Thiết Cương hào hứng cho biết.
Có cơ hội đến thăm tư gia của nhà sưu tầm Nguyễn Minh trên phố Phan Đình Phùng – Hà Nội, chắc hẳn ai cũng đều choáng ngợp với hơn 200 bức tranh quý của các danh họa Việt Nam có từ thập niên 40 mà anh đã sưu tầm được.
Trong hơn 25 năm đam mê sưu tầm tranh, anh rất tự hào khi trúng đấu giá 4 bức tác phẩm có từ năm 1964 của danh họa Vũ Cao Đàm, đó là các bức có tên quốc tế là “Gossip”, “Spring”, “Two Lovers”, “Lovers in a landscape”. Để có được những bức tranh quý, anh đã phải thực hiện hàng chục chuyến bay sang Hồng Kông và Mỹ để tham gia các phiên đấu giá. Âm thầm với những chuyến đi phải nói là tốn kém với không ít những vất vả nhọc nhằn ở xứ người. Anh Minh cho biết: “Nghề chơi tranh sưu tầm “rất lắm công phu” chứ không chỉ dừng ở “cũng lắm công phu” như các cụ ta thường nói. Đưa được 4 bức tranh của cụ Vũ Cao Đàm về tới Hà Nội là một niềm hạnh phúc lớn trong hành trình của tôi”.
Có thể nói, nhờ có điều kiện thuận lợi về tài chính, không thiếu những doanh nhân Việt đam mê sưu tầm tranh nghệ thuật. Có người tìm đến với việc sưu tầm hội họa xuất phát từ thú vui và cảm xúc cá nhân, song cũng có người tìm kiếm những động cơ thực tế trong kinh doanh.
Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Phúc Sinh, ông Phan Minh Thông nổi lên như một nhà sưu tập tranh Việt chịu chi và có thẩm mỹ tốt. Ông cho rằng, chơi tranh và sưu tầm tranh giúp ông cũng như doanh nghiệp của mình nâng tầm văn hóa, giúp việc giao kết kinh doanh với đối tác Âu – Mỹ dễ dàng hơn.
Anh Phạm, chủ một phòng tranh tại TP. HCM nhận xét, khoảng 8 năm trở lại đây, các ông chủ doanh nghiệp rất thích mua tranh, đặc biệt là họ rất chú ý đến những bức tranh đắt giá của danh họa Việt Nam. Họ mua tranh vừa để thỏa niềm đam mê, vừa xem là một kênh đầu tư đẳng cấp mà không phải ai cũng có thể thực hiện được. Những cuộc đấu giá trên trường quốc tế đã chứng minh điều đó khi liên tiếp năm gần đây, các doanh nhân Việt đều trúng giá tranh Đông Dương với mức triệu USD.
“Sau biệt thự cao cấp, ôtô sang trọng, máy bay và du thuyền, thì các tác phẩm mỹ thuật đỉnh cao sẽ là mối quan tâm của giới doanh nhân”, một doanh nhân Việt giấu tên cho biết.
Ngày nay, những giao dịch “bạc tỷ” tranh nghệ thuật các bậc tiền bối không chỉ tác động tích cực đến làng hội họa mà còn kích thích những người mê tranh. Nhưng ngắm thôi là chưa đủ! Giá trị gia tăng là yếu tố quan trọng của người “chơi tranh” xuống tiền cho một tác phẩm. Giống như chứng khoán, vàng, bất động sản… tranh mỹ thuật là một hình thức đầu tư phái sinh trên thị trường hàng hóa. Khi một họa sĩ đang từ không có tên tuổi, bỗng thành danh, được nhiều người biết đến, tác phẩm của họ được nhiều người mua thì giá của những tác phẩm đó cũng tăng dựa trên quy luật cung cầu như tất cả các hàng hóa khác.
Họa sĩ Bảo Nguyễn chia sẻ: “Tranh như một miếng đất vậy, mua khi miếng đất có tiềm năng và bắt đầu có những dự án hot thì đương nhiên nó lên gấp bội lần. Tranh cũng vậy, khi quá trình hoạt động nghệ thuật của người họa sĩ ấy có nhiều tiềm năng, tranh họ nhiều cái mới hơn, nội dung trở nên sâu sắc, giới phê bình nghệ thuật chú ý và đánh giá cao thì lúc ấy tranh dần được cộng đồng sưu tập tranh tìm hiểu và săn đón”.
Lợi nhuận từ nghệ thuật sẽ không có được sớm chiều. Ngay cả các chuyên gia, nhà môi giới hay tư vấn chuyên nghiệp cũng phải kiên nhẫn chờ đợi cho khoảng đầu tư có khi lên đến cả chục năm. Bởi vậy, rất nhiều doanh nhân sở hữu các tranh nghệ thuật có giá trị cao xem đó là tài sản đầu tư dài hạn.
Thị trường tranh mỹ thuật thật khá đặc thù, ngay cả bây giờ, khi doanh nhân đầu tư vào cổ phiếu, bất động sản bị thất bại thì các khoản đầu tư vào tranh vẫn có thể sinh lời. Ngày Tết là khoảng thời gian các đại gia có thời gian đi ngắm tranh, “săn” tranh và tìm cách sở hữu những “đứa con tinh thần” của các họa sĩ có tiếng. Ở nhiều cuộc đấu giá trong nước, có nhiều bức tranh cũng đã lên tới số tiền cả vài tỷ đồng. Trông nhẩn nha vậy thôi nhưng biểu đồ giá của tranh có giá trị vẫn tăng khá ổn định so với biểu đồ các nhóm đầu tư khác. Đơn giản là các nhà đầu tư tranh không bán đi tác phẩm theo quy luật của kinh tế thị trường. Họ chờ chúng tỏa sáng trong một khoảng thời gian đặc biệt, phụ thuộc vào kinh nghiệm, dòng tiền và đẳng cấp của người chơi tranh.
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.