Chật vật với cho vay tiêu dùng: Ngân hàng tỷ USD rao bán khoản nợ xấu 3.000 đồng

Minh Anh - 12/03/2024 23:49 (GMT+7)

(VNF) - Không chỉ rao bán những khoản nợ xấu có giá trị lớn, các ngân hàng rao bán cả những khoản vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm với giá trị rất nhỏ, chỉ từ vài nghìn đồng. Tuy nhiên, việc thanh lý nợ vay tiêu dùng khá chật vật.

VNF

Ngân hàng rao bán khoản nợ chưa đến... 3.000 đồng

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã nhiều lần rao bán các khoản nợ vay tiêu dùng.

Điều đáng nói, các khoản nợ này đều không có tài sản bảo đảm, giá khởi điểm bằng giá ghi sổ sách của khoản nợ, giá trị nhiều khoản nợ lại rất nhỏ. Có khoản nợ có giá khởi điểm chỉ chưa đến 3 nghìn đồng.

Điển hình, mới đây, VietinBank rao bán 498 khoản nợ vay tiêu dùng với tổng giá trị là 9,64 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ có giá trị cao nhất là 188,4 triệu đồng và khoản nợ có giá trị thấp nhất là 2.781 đồng. Tất cả các khoản nợ này đều không có tài sản bảo đảm.

Trong những khoản nợ này, có những khoản nợ chỉ có giá vài nghìn đến vài chục nghìn đồng.

Đơn cử như khoản nợ của khách hàng Lại Hữu Nhân có giá trị chỉ 2.781 đồng, giá bán khởi điểm là 2.503 đồng. Hay khoản nợ của khách hàng Nguyễn Hồ Công Lượng giá trị 25.991 đồng, giá khởi điểm được rao bán là 23.392 đồng.

Trước đó, vào tháng 11/2023, VietinBank thông báo bán 300 khoản nợ vay tiêu dùng của cá nhân có tổng số tiền gần 5,9 tỷ đồng. Toàn bộ khoản vay đều không có tài sản đảm bảo. Giá trị ghi sổ nợ gồm nợ gốc, lãi vay và lãi phạt từ 31.000 đồng đến hơn 220 triệu đồng/món vay.

Giá khởi điểm bán thường thấp hơn giá trị sổ nợ khoảng 10%. Ví dụ, khoản nợ của khách hàng Nguyễn Trung Đức có tổng nợ gốc, lãi vay và lãi phạt là 77,1 triệu đồng được ngân hàng này bán với giá khởi điểm 70,7 triệu đồng.

Tháng 11/2022, VietinBank chào bán 321 khoản nợ cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống. Tổng giá trị sổ sách (gốc, lãi, lãi phạt) của các khoản nợ này là hơn 6,6 tỷ đồng. Giá khởi điểm của các khoản nợ xấu vay tiêu dùng này được VietinBank chào bán là hơn 6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong số này, khoản nợ thấp nhất có giá khởi điểm chỉ chưa đến 13 nghìn đồng, hai khoản nợ có giá trị cao nhất trên 68 triệu đồng.

Theo đại diện VietinBank, đây là bước thử nghiệm để kích hoạt thị trường mua bán nợ cho vay tiêu dùng. Bởi các ngân hàng thường rao bán những khoản nợ lớn và có tài sản thế chấp, trong khi các khoản nợ vay tiêu dùng chưa được ngân hàng nào chào bán công khai. Đây cũng không phải là những khoản nợ khó bán. Việc rao bán các khoản nợ này là nghiệp vụ bình thường của ngân hàng để thu hồi, xử lý nợ.

Trên thực tế, hiện không ít ngân hàng và các công ty tài chính đang bế tắc trong việc thu hồi nợ đối với các khoản vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm.

Theo số liệu của Hiệp hội ngân hàng, nợ xấu của nhóm cho vay tiêu dùng tăng nhanh, từ mức 2% giai đoạn 2018 - 2022, lên 3,7% vào nửa cuối năm 2023,

Nợ xấu tăng nhanh trong khi việc thu hồi nợ gặp khó là điểm chung khiến các công ty tài chính, ngân hàng co mình lại. Nhiều nhà băng đã tạm hoãn hoạt động mở rộng thị phần bán lẻ, nhằm thích ứng bối cảnh thị trường.

Theo lãnh đạo các công ty tài chính, bức tranh thời gian tới cũng chưa thể sớm khởi sắc. Do đó, cho vay tiêu dùng khó trở lại thời hoàng kim.

Chật vật thanh lý nợ vay tiêu dùng

Hàng loạt ngân hàng đang gặp khó khăn trong xử lý nợ xấu cho vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo.

Theo các ngân hàng, nguyên nhân khiến khó thu hồi nợ đối với các khoản vay tiêu dùng là do thời gian gần đây, hoạt động thu hồi nợ của các công ty mua bán nợ gần như bị đóng băng, thị trường mua - bán nợ gần như không có bên mua.

Trong khi đặc điểm quy mô khoản vay tiêu dùng thường là nhỏ và không có tài sản đảm bảo.

Việc các ngân hàng đứng ra thu hồi từng món nợ nhỏ không hề dễ dàng. Nhiều ngân hàng cho biết, họ đang bế tắc trong việc bán nợ không có tài sản đảm bảo.

Đại diện Ngân hàng BIDV cho hay, nợ xấu cho vay tiêu dùng không tài sản đảm bảo tại ngân hàng này chưa đến 1% tổng dư nợ vay tiêu dùng nhưng số lượng khoản vay lên đến hàng ngàn, nên công tác thu hồi gặp nhiều khó khăn do mất nhiều nhân lực để thực hiện việc này.

Vị này chia sẻ, việc bán danh mục các khoản nợ này không thực hiện được do thị trường không có bên mua, do đặc điểm quy mô khoản vay nhỏ và không có tài sản đảm bảo. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng không thuê được các dịch vụ thu hồi nợ, do doanh nghiệp không được kinh doanh các dịch vụ trong lĩnh vực thu hồi nợ.

Những năm trước, các ngân hàng, công ty tài chính thường bán theo lô các khoản nợ xấu cho vay tiêu dùng cho các công ty thu hồi nợ, các công ty tư vấn luật.

Nhưng thời gian qua, không ít công ty này đòi nợ theo hình thức cực đoan, khủng bố, bị công an xử lý. Đến nay, các công ty mua thu hồi nợ gần như đã bị đóng băng hoạt động.

Các ngân hàng cho biết họ không đủ nhân lực để tự xử lý hàng nghìn khoản nợ xấu nhỏ lẻ, trong khi việc bán theo lô các khoản nợ này như trước đây là không thể.

Các ngân hàng, công ty tài chính cho biết, nhiều khoản vay từ lúc khởi kiện đến khi thi hành án, phát mại tài sản mất 2-3 năm. Với nhiều khoản nợ có giá trị nhỏ, việc đòi nợ qua tòa án là không khả thi do quá mất thời gian và tốn kém, thậm chí chi phí bỏ ra còn lớn hơn khoản nợ xấu thu về.

Theo các ngân hàng, công ty tài chính, việc thu hồi nợ xấu không có tài sản đảm bảo đang gặp khó vì hai lý do. Một là, hiện tượng bùng nợ tập thể lan rộng. Hai là, Nghị quyết 32/2017/QH14 thí điểm về nợ xấu sẽ chấm dứt hiệu lực cuối năm nay, trong khi Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chưa kịp thông qua tại kỳ họp này, đồng nghĩa sẽ có một khoảng trống pháp lý với hoạt động thu hồi nợ.

Theo các chuyên gia, để bảo vệ thị trường tài chính tiêu dùng, trước tiên, cần bảo vệ quyền chủ nợ.

Kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy, việc thu hồi nợ hiệu quả với các món nợ nhỏ thường phải thông qua bên thứ ba.

“Bảo vệ quyền thu hồi nợ của chủ nợ là bảo vệ sống còn bên cho vay, cũng chính là bảo vệ thị trường. Nếu tình trạng bùng nợ tăng mạnh, lãi suất vì vậy cũng sẽ vọt tăng, ảnh hưởng đến mục tiêu tài chính toàn diện. Các ngân hàng sở hữu hành lang pháp lý vững chắc, có đội ngũ đòi nợ hùng hậu hàng trăm người mà vẫn còn nợ xấu cao. Các công ty tài chính, fintech, chuỗi cầm đồ…, với hành lang pháp lý lỏng lẻo, làm sao có thể đòi nợ nếu không dựa vào lực lượng đòi nợ chuyên nghiệp?”, luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến.

Chuyên gia tài chính ngân hàng - TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần sớm hoàn thiện nghị định về thị trường mua bán nợ; mở rộng phương thức mua bán nợ và sản phẩm, dịch vụ liên quan (cho phép chứng khoán hóa). Đồng thời, cho phép thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp mua bán nợ; tổ chức nhận ủy thác cho nhà đầu tư nước ngoài, công ty định giá, tổ chức xếp hạng tín nhiệm, công ty môi giới… Cùng với đó, cần phát triển thị trường thứ cấp, tăng tính thanh khoản (nghiên cứu thành lập công ty tái cho vay thế chấp) để thúc đẩy phát triển thị trường mua bán nợ.

Cùng chuyên mục
Tin khác