Thị trường

Chính phủ đã công bố nhiều chính sách để thúc đẩy sản xuất ô tô trong nước

(VNF) – Trước tầm quan trọng của công nghiệp ô tô, ngay từ đầu năm 2017, Chính phủ đã công bố nhiều chính sách tạo điều kiện, ủng hộ doanh nghiệp Việt tham gia lĩnh vực này.

Chính phủ đã công bố nhiều chính sách để thúc đẩy sản xuất ô tô trong nước

Chuyên gia cho rằng cần có các chính sách mới để thúc đẩy sản xuất ô tô trong nước

Đầu tháng 9 vừa qua, Tập đoàn Vingroup chính thức khởi công tổ hợp sản xuất xe ô tô VINFAST tại Khu kinh tế Cát Hải tại Hải Phòng với vốn đầu tư lên tới 3,5 tỷ USD. Sự kiện này ngay lập tức nhận được sự chú ý từ dư luận khi một lần nữa giúp thổi bùng lên ngọn lửa hi vọng về ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam với giấc mơ sản xuất ô tô thương hiệu Việt.

Dưới góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, Việt Nam cần phải có thương hiệu ô tô quốc gia để có một nền công nghiệp ô tô tự chủ.

"Đây là điều giúp cho chúng ta giữ lại việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, giữ lại kinh nghiệm và khả năng ứng dụng, đón đầu công nghệ mới để có thể tiến xa hơn trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 mà công nghiệp ô tô là một trong những tiền đề", ông Cung nói.

Đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á, VINFAST sẽ đạt công suất thiết kế 500.000 xe mỗi năm vào năm 2025. Một trong những điểm nhấn đặc biệt chính là lộ trình xuất xưởng những sản phẩm đầu tiên đã được chủ đầu tư Vingroup ấn định ngay trong ngày khởi công với một sự quyết liệt và chắc chắn. Theo đó, chỉ 24 tháng sau ngày khởi công, VINFAST dự kiến sẽ cho xuất xưởng sản phẩm xe ô tô thương hiệu Việt đầu tiên.

Trên thực tế, trước khi VINFAST của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ra đời, Việt Nam có 20 năm trong hành trình xây dựng ngành công nghiệp ô tô với mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa trên 60% đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi, nhưng thực tế, tỷ lệ nội địa hóa vẫn chỉ đạt chưa tới 10%. Trong hành trình này, rất nhiều công ty sản xuất ô tô đã ra đời, liên doanh có, nội địa có nhưng cho tới thời điểm hiện tại, giấc mơ ô tô thương hiệu Việt vẫn chưa thành hình.

Chia sẻ với báo giới, PGS TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói: "Chúng ta không cạnh tranh trên nền tảng công nghệ cũ mà cạnh tranh trên nền tảng công nghệ mới. Vì vậy, chúng ta có cơ sở để đặt niềm tin vào ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ có thương hiệu ô tô Việt với sự ra đời của VINFAST".

Với cách làm và mục tiêu đặt ra, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, VINFAST đang thể hiện một tầm nhìn khác hẳn và một giấc mơ lớn hơn nhiều.

Thực tế, trước tầm quan trọng của công nghiệp ô tô, ngay từ đầu năm 2017, Chính phủ đã công bố nhiều chính sách tạo điều kiện, ủng hộ doanh nghiệp Việt tham gia lĩnh vực này. Bởi đó không chỉ là tương lai của ngành ô tô – đó còn là tầm nhìn dài hạn và bền vững cho nền công nghiệp Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện tại, VINFAST ra đời không những thể hiện khát vọng xây dựng một thương hiệu Việt mang tầm thế giới mà hơn nữa, qua ngành ôtô, Vingroup cũng mong muốn tham gia góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp nặng và chế tạo tại Việt Nam.

Giới chuyên môn cũng nhìn nhận, trong suốt quá trình phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam từ năm 1995 đến nay, chưa có một bản kế hoạch nào rõ ràng và mục tiêu lớn như VinFast đang đặt ra. 

"Chúng tôi khát vọng xây dựng được xe ô tô thương hiệu Việt có thể cạnh tranh trên toàn thế giới, đồng thời góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước để có thể hỗ trợ các ngành công nghiệp khác ở Việt Nam", văn bản của  VINFAST – doanh nghiệp đang thực hiện đầu tư tổ hợp sản xuất hướng tới sản lượng 500.000 xe ô tô/năm – nhấn mạnh.

Tin mới lên