Chờ ưu đãi phí trước bạ 50%: Lấy xe ngay hay chấp nhận chịu phạt?
(VNF) - Trước thông tin về chương trình ưu đãi giảm lệ phí trước bạ sắp diễn ra, một bộ phận khách hàng tiếp tục “nín thở” chờ chính sách được thông qua mới mua xe. Trong khi đó, một nhóm khách hàng khác đã đặt mua và quyết định chậm đăng ký xe với kỳ vọng giảm lệ phí trước bạ dù đối diện nguy cơ bị xử phạt.
Mua xe ngay hay chờ giảm phí trước bạ
Trước thông tin Chính phủ “bật đèn xanh” cho chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ dành cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước kể từ 1/8/2024, nhiều khách hàng trong nước đã “canh” để mua xe nhằm hưởng ưu đãi kép, dẫn đến sức mua của toàn thị trường ô tô rơi vào cảnh trầm lắng.
Ngoài ưu đãi từ nhà phân phối và các chính sách giảm giá bán tại đại lý, việc chờ đợi giảm lệ phí trước bạ có thể mang lại lợi ích tài chính không nhỏ cho khách hàng mua xe. Hiện tại, lệ phí trước bạ cho xe ô tô tại Việt Nam dao động từ 10 - 12% giá trị xe, tùy thuộc vào từng địa phương. Nếu chính sách giảm lệ phí trước bạ được thông qua, người dùng có thể tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể.
Chia sẻ với VietnamFinance, nhân viên bán hàng tại một đại lý của Toyota Việt Nam khu vực Hà Đông, Hà Nội cho rằng: “Việc người tiêu dùng chờ đợi chính sách giảm phí trước bạ được thông qua ngoài lợi ích trước mắt thì cũng đi kèm với những rủi ro”.
Theo nhân viên này, thị trường ô tô có thể biến động theo từng tháng, do đó giá xe có thể tăng do nhiều yếu tố như tăng giá nguyên liệu, chi phí sản xuất và vận chuyển. Tiếp đó, việc có nhiều người cùng chờ đợi để được mua xe hưởng ưu đãi sẽ dẫn tới tình trạng cung không đủ cầu, khi đó các nhà sản xuất sẽ điều chỉnh tăng giá bán lẻ của xe. Vô hình chung, việc được hưởng ưu đãi nhưng đổi lại khách hàng phải mua xe với giá cao.
“Ngược lại, nếu mua xe ngay bây giờ thì người tiêu dùng sẽ tránh được những biến động về giá cả trong tương lai. Thêm vào đó, các chương trình ưu đãi, khuyến mãi như giảm giá, tặng phụ kiện hay hỗ trợ tài chính gần như đẩy giá xe về đáy”, nhân viên này cho hay.
Cùng chung quan điểm, nhân viên tư vấn bán hàng của đại lý xe Hyundai khu vực Cầu Giấy, Hà Nội cũng nhận định đây là thời điểm thích hợp nhất để mua xe.
“Nếu chờ chính sách giảm lệ phí trước bạ được thông qua, khi đó chắc chắn các hãng xe sẽ cắt giảm các chương trình ưu đãi, đồng thời sẽ tăng giá bán. Điều này cũng đã từng xảy ra vào thời điểm năm 2022, khi đó một số mẫu xe “hot” được được chỉnh tăng giá từ 10 đến 20 triệu đồng”, nhân viên này nói.
Phê duyệt chính sách ưu đãi phí trước bạ: 50 - 50
Trong diễn biến mới nhất, mới đây Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Tư pháp, xin ý kiến thẩm định dự án Nghị định thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trước khi trình Chính phủ. Theo đó, dự thảo tờ trình của Bộ Tài chính đề xuất thời gian áp dụng thi hành kể từ ngày 1/8/2024 đến hết ngày 31/1/2025.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính đề xuất phương án cân nhắc không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Lý do được Bộ Tài chính đưa ra đó là các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương có ý kiến rằng việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ như dự thảo Nghị định sẽ vi phạm cam kết quốc tế dẫn tới nguy cơ bị xử phạt vi phạm hoặc trả đũa từ các nước mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang.
Trao đổi với VietnamFinance, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định nhiều khả năng chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ khó trở thành hiện thực.
Theo lý giải của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong giai đoạn từ năm 2020 đến hết năm 2022, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và nhanh chóng lan rộng ra các quốc gia trên thế giới, tác động nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Tới năm 2023, mặc dù dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, bất ổn. Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong giai đoạn này bị ảnh hưởng vì gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng, tình hình sản xuất, kinh doanh suy giảm, doanh nghiệp cạn kiệt nguồn vốn.
Theo đó, để góp phần hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi sản xuất kinh doanh, việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là cần thiết. Nhờ chính sách này đã góp phần thúc đẩy sức mua, tạo đà cho việc tái sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
“Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thì câu chuyện đã khác. Đặc biệt, nếu chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô trong nước sẽ vi phạm các cam kết quốc tế về đối xử công bằng, bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Nghiêm trọng hơn là tạo ra tiền lệ xấu, có nguy cơ bị xử phạt vi phạm hoặc trả đũa từ các nước mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang”, chuyên gia kinh tế Thịnh nói.
Khách hàng “tiến thoái lưỡng nan”, nguy cơ bị xử phạt
Thời gian qua, đa số người tiêu dùng trong nước “nín thở” và háo hức chờ đợi chính sách ưu đãi giảm lệ phí trước bạ được thông qua. Nhiều khách hàng nhanh chóng ra đại lý đặt cọc cho mình mẫu xe ưng ý, chờ ngày đăng ký để được hưởng ưu đãi. Điều này khiến cho người đang có ý định mua xe quyết định chậm đăng ký xe.
Mặc dù vậy, quyết định chậm đăng ký xe với kỳ vọng giảm lệ phí trước bạ cũng khiến người mua xe đối diện nguy cơ bị xử phạt vì chưa tiến hành đăng ký biển số.
Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào về chính sách giảm lệ phí trước bạ và khả năng chính sách được thông qua là rất thấp.
Theo Thông tư 24/2023 của Bộ Công an có hiệu lực ngày 15/08/2023 quy định, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, chủ xe phải làm thủ tục thu hồi. Trường hợp quá thời hạn trên mà chủ xe không làm thủ tục thu hồi hoặc giao chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe làm thủ tục thu hồi thì trước khi giải quyết cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt đối với chủ xe về hành vi không làm thủ tục thu hồi theo quy định.
Như vậy, nếu như chủ xe chậm thực hiện đăng ký xe ô tô sau khi thực hiện mua bán xe, được tặng cho, phân bổ, điều chuyển hoặc thừa kế, người mua xe có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, nếu quá thời hạn kể trên mà người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ, mỗi ngày chậm nộp sẽ phải trả tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Anh Nguyễn Anh Bắc (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Giữa tháng 6 vừa qua, sát thời điểm đề xuất chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ có thể được thông qua, tôi đã đặt cọc và mua chiếc SUV đô thị Kia Seltos. Theo tính toán, tôi sẽ lấy xe vào cuối tháng 6 để sang đầu tháng 7 đi làm thủ tục đăng ký lăn bánh, khi đó sẽ được hưởng ưu đãi phí trước bạ. Tuy nhiên, theo đề xuất mới nhất của Bộ Tài Chính thì chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô trong nước sẽ áp dụng từ 1/8/2024, điều này khiến tôi phải thay đổi lại kế hoạch, buộc phải để giam xe tại bãi xe của đại lý thêm 1 tháng nữa”.
Trong khi đó, anh Trần Hoàng Thắng (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết: “Do nhu cầu cấp thiết cần có một chiếc xe ô tô để phục vụ cho công việc đi lại hằng ngày, tôi đã đặt cọc một chiếc SUV gầm cao Hyundai Santa Fe bản hybrid từ giữa tháng 6 và sẽ nhận xe đầu tháng 7, thế nhưng kế hoạch nhận xe của tôi phải đẩy lên thêm 1 tháng để được hưởng ưu đãi giảm lệ phí trước bạ, nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua”.
Bán ‘phá giá’, hãng ô tô Trung Quốc BYD bị điều tra tại Thái Lan
Cảnh đìu hiu ở Chợ trung tâm Móng Cái chuyên bán hàng Trung Quốc
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone