Chủ tịch Nafoods Nguyễn Mạnh Hùng: Tạo điểm tựa tâm lý bằng tinh thần quyết thắng khó khăn

Anh Việt - 18/04/2020 09:31 (GMT+7)

Cho dù cuộc chiến chống Covid-19 có khắc nghiệt thế nào thì doanh nhân như người lính trận, doanh nghiệp như một cỗ máy, không được phép dừng lại. Lúc này, bài toán “tìm cơ trong nguy” thực sự là thử thách cam go, nhưng đầy ma lực đối với doanh nhân Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Nafoods.

VNF
Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Nafoods.

Sự thông minh của dòng tiền

Những bài học từ quá khứ cùng những kinh nghiệm lâu năm trên thương trường đã khiến doanh nhân Nguyễn Mạnh Hùng luôn đặt bản thân và doanh nghiệp vào tâm thế cẩn trọng, phải luôn chủ động, nhất là khi Nafoods chọn trái cây đặc sản làm “át chủ bài” cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có lẽ vậy, mà ông Hùng đã chọn cách nói về cơ hội hơn là nguy cơ khi bàn tới tác động của đại dịch Covid-19 đang làm đảo lộn mọi kế hoạch, làm chao đảo cả nền kinh tế thế giới, đặt mọi dự báo vào thế không thể dự báo.

“Đại dịch đang thay đổi nhu cầu của khách hàng. Chưa bao giờ mọi người nói nhiều, chính xác là nhận thức rõ ràng về sức khỏe, về sự quan trọng của thực phẩm, của vitamin, của hoa quả thiên nhiên... như hiện nay. Đây là cơ hội của các sản phẩm nông sản Việt Nam”, ông Hùng chia sẻ.

Tất nhiên, ông Hùng không chỉ chia sẻ thông tin. Năm 2020, Nafoods đặt kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu tối thiểu là 1.350 tỷ đồng, thậm chí đang kỳ vọng sẽ tận dụng mọi nguồn lực để cán mốc hơn 2.000 tỷ đồng doanh thu khi kết quả kinh doanh quý I/2020 vẫn có mức tăng 40% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 23% kế hoạch doanh thu tối thiểu năm 2020.

Hơn thế, với nhu cầu đơn hàng như hiện nay, mục tiêu doanh thu tối thiểu của Nafoods hoàn toàn khả thi. Trong trường hợp tận dụng được các cơ hội, nguồn lực hỗ trợ từ các đối tác và Chính phủ, tăng trưởng doanh thu gấp 2 lần so với năm 2019 là mục tiêu không quá tham vọng. 

Tính đến hết tháng 3/2020, 60% doanh số kế hoạch năm 2020 cũng được bộ phận kinh doanh Nafoods thông báo chốt xong. Như vậy, công suất nhà máy có thể đạt tới 90% từ quý II trở đi, cao hơn mức 75% công suất trong quý I vừa qua. 

Với kế hoạch kinh doanh  năm 2020, Nafoods cần huy động bổ sung hơn 500 tỷ đồng, nhưng đó không phải là điều khiến ông Hùng bận tâm.

“Các đối tác luôn tìm kiếm những cơ hội hợp tác đầu tư có triển vọng. Tôi tin như vậy”, ông Hùng nói.

Lý thuyết dòng tiền thông minh luôn đúng một cách đơn giản nhất. Ngay ở thời điểm thị trường vốn toàn cầu đang chao đảo, Nafoods vẫn triển khai ký kết các hợp đồng tăng vốn (bao gồm cả vốn chủ sở hữu và vốn cổ phần) theo đúng kế hoạch đã đề ra. Cuối tháng 3 vừa qua, Quỹ Hợp tác công nghiệp Phần Lan (Finnfund) đã cam kết đầu tư 5 triệu USD vào Nafoods Group. 

Lúc này, vấn đề cần ông Hùng và ban điều hành Nafoods quan tâm là kiểm soát vận hành nội bộ, tăng cường quản trị chi phí, tối ưu hóa bộ máy với các giải pháp công nghệ thông tin để hoạt động hiệu quả hơn.

Đã là doanh nghiệp, phải luôn chạy

Trong kế hoạch, từ tháng 5/2020, Nafoods bắt đầu triển khai dự án đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất các sản phẩm nông nghiệp giá trị gia tăng tại nhà máy đặt ở tỉnh Long An. Nhà máy có công suất 150 tấn/tháng cho các sản phẩm trái cây sấy dẻo phục vụ phân khúc thị trường cao cấp và khoảng 150 tấn/tháng cho các sản phẩm tinh chế, chiết xuất từ nông sản Việt Nam.

Thị trường mục tiêu mà Nafoods hướng tới là Nga, Trung Đông, Mỹ, châu Âu, các nước phát triển ở châu Á.

“Trong thời gian qua, việc nhập khẩu trái cây sấy tại các quốc gia trên đều tăng đáng kể. Ngoài ra, các đối tác lớn ở châu Âu và Mỹ đã thể hiện mong muốn đẩy mạnh sản xuất và giao các đơn hàng chanh leo, thanh long so với đàm phán vào quý IV/2019”, ông Hùng tiết lộ.

Thị trường nội địa với sức mua của gần 100 triệu dân cũng không bị bỏ quên trong chiến lược phát triển của Nafoods.

“Sau nhiều tháng giới thiệu sản phẩm, tích cực thăm dò phản ứng của khách hàng, chúng tôi nhận thấy, đây là một thị trường rất tiềm năng. Chúng tôi đang tiếp tục tìm tòi để đa dạng hóa sản phẩm, mang đến cho khách hàng trong nước những sản phẩm tự nhiên, có giá trị dinh dưỡng vẹn nguyên, chất lượng cao”, ông Hùng nói về tiềm năng thị trường nội địa. Ông cũng không giữ bí mật việc triển khai kế hoạch tạo dựng kênh phân phối mới, ứng dụng công nghệ bán lẻ tiên tiến, đang chạy thử nghiệm ở trên 100 đại lý, dự kiến đến quý IV/2020 sẽ phát triển quy mô lớn...

“Cỗ máy” Nafoods vẫn đang chạy băng băng, ngay cả khi Covid-19 chưa có tín hiệu nào về thời điểm kết thúc.

“Chống dịch như chống giặc, nhưng vẫn không dừng việc kinh doanh. Chúng tôi có thông điệp xuyên suốt, đó là: mỗi một nhà máy/văn phòng là một pháo đài, mỗi cán bộ, nhân viên là một chiến sĩ trong thời gian chống dịch bệnh Covid-19. Chúng tôi đoàn kết, kỷ luật với tinh thần 100%, nỗ lực 200% và nhiệt huyết 300%”, ông Hùng lý giải một cách đơn giản.

Nafoods đang được đầu tư các giải pháp số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu. Mục tiêu rõ ràng là để tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, kênh thương mại điện tử sẽ được đẩy mạnh, bên cạnh các kênh bán truyền thống từ trước đến nay.

Thực ra, Nafoods đã bắt tay triển khai hệ thống quản trị số hóa từ quý IV/2018. Covid-19 trở thành chất xúc tác đẩy nhanh tái cấu trúc mô hình quản trị theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, năng lực quản trị được nâng cao.

Hiện tại, mục tiêu mà Vua chanh leo Nguyễn Mạnh Hùng hay nhắc đến là đưa Nafoods phát triển thành doanh nghiệp nông nghiệp số hóa, hiện đại, tinh gọn và hiệu quả dường như có thêm năng lượng để đi nhanh hơn.

Sức mạnh nằm ở sự chủ động

- Nói về lý thuyết “tìm cơ trong nguy” trong kinh doanh thì dễ, nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan khắp toàn cầu, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn lực để tìm kiếm. Ông nghĩ thế nào về thực tế này?

Khó khăn buộc các doanh nghiệp phải đối mặt, phải chấp nhận thử thách, phải sáng tạo, tìm kiếm cơ hội nếu muốn tiếp tục tồn tại.

Nhưng trong thời chiến chống dịch bệnh này, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ, đồng hành từ Chính phủ. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có sức vượt qua khó khăn, song quan trọng hơn là chuẩn bị được thế và lực để vươn lên mạnh mẽ hơn sau dịch. Đây là lý do chúng tôi chờ đợi các gói hỗ trợ tài chính, tín dụng dành cho doanh nghiệp được triển khai nhanh.

Tôi cho rằng, cần có gói tín dụng dành riêng cho ngành nông nghiệp và phân loại, phân nhóm doanh nghiệp để có các chính sách gia hạn, giãn nợ, thậm chí nên có những phương thức hỗ trợ tăng nguồn vốn tạm thời trong thời gian diễn ra dịch Covid-19. Chẳng hạn, với các doanh nghiệp nhóm A:

hệ số tín nhiệm A+ , có đơn hàng ổn định và nguồn nguyên liệu tốt, giúp giải quyết việc làm và tỷ suất lợi nhuận bảo đảm, thì có thể giãn chưa trả nợ 3 tháng, cho vay thêm 30% hạn mức nợ mà không cần tăng tài sản đảm bảo.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh giảm lãi suất huy động vốn để giảm thêm 2 - 3% đối với lãi suất cho vay...

- Cụ thể, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp là gì?

Nên có những phương thức hỗ trợ tăng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 bằng các thủ tục đơn giản, không dùng thế chấp bằng tài sản, mà thông qua cách thức đánh giá hệ số tín nhiệm, kết quả kinh doanh, tình hình đơn hàng, nguyên liệu, công nợ khách hàng, hàng tồn kho… Bên cạnh đó, cũng có thể thông qua bảo lãnh doanh nghiệp để trực tiếp cho người nông dân vay vốn tiêu thụ nông sản.

Các chính sách khác như miễn giảm tiền thuê đất, phí, lệ phí và các sắc thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… cũng nên được tích cực triển khai và triển khai đồng bộ, đúng thủ tục pháp lý, nhưng phải nhanh gọn, linh hoạt để khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn xã hội.

- Với Nafoods, ông đang có những bí quyết gì để tận dụng được cơ trong nguy, chứ không chỉ là tìm cơ trong nguy?

Chúng tôi đã chủ động xây dựng lộ trình bài bản, có dự phóng các tình huống rủi ro từ 2 năm trước nhằm giữ sự ổn định trong hoạt động sản xuất. Thông điệp xuyên suốt của Nafoods từ năm 2018 đến nay là chủ động tài chính, chủ động nguyên liệu, chủ động thị trường.

Đây cũng là thời điểm chúng tôi phải tập trung đẩy mạnh số hóa, xây dựng hệ thống, cắt giảm chi phí không cần thiết, ưu tiên tuyệt đối dòng tiền cho hoạt động chống dịch và sản xuất, kinh doanh.

- Lúc này, các doanh nhân cần ưu tiên làm gì?

Người thủ lĩnh trong doanh nghiệp phải tạo ra điểm tựa tâm lý vững vàng cho hệ thống bằng tinh thần quyết thắng mọi khó khăn, nhanh chóng tìm kiếm cơ hội mới và triển khai các cách thức sáng tạo.

Cùng chuyên mục
Tin khác