Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hà Nội

Mộc An - 12/12/2023 14:51 (GMT+7)

(VNF) - Trưa 12/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đã tới Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 - 13/12.

Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện (2008 - 2023). Đây là chuyến thăm Việt Nam thứ ba của ông Tập Cận Bình trên cương vị Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc.

Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đến sân bay Nội Bài trưa 12/12 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Thủ tướng Phạm Minh Chính ra sân bay quốc tế Nội Bài đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc thăm Việt Nam (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Chủ tịch Tập Cận Bình kỳ vọng sẽ có cuộc trao đổi sâu sắc về các vấn đề chiến lược “quan trọng đối với định hướng” quan hệ giữa hai bên (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu thứ 2 của Việt Nam. (Ảnh: Reuters)
Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; đại diện các tầng lớp nhân dân Việt Nam và người Trung Quốc tại Việt Nam chào đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Phu nhân và Đoàn đại biểu Trung Quốc (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Trong 15 năm qua, quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển theo hướng thực chất, hiệu quả với những thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh, văn hóa - xã hội.

Trung Quốc là nước đầu tiên mà Việt Nam xây dựng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, và Việt Nam cũng là nước Đông Nam Á đầu tiên mà Trung Quốc thiết lập khuôn khổ quan hệ này.

Trong 15 năm qua, kim ngạch thương mại song phương đã tăng gần 9 lần, từ khoảng 20 tỷ USD năm 2008 lên 175,57 tỷ USD năm 2022.

Từ năm 2018, Việt Nam đã vượt Malaysia trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương vẫn duy trì xu hướng phát triển tích cực.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của một số mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như rau quả. Một trong những vấn đề quan tâm của Việt Nam là bảo đảm sự ổn định việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đã từng bước được giải quyết.

Trung Quốc cam kết tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường cho các loại hoa quả có múi và một số mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam; năm 2022, hai nước đã lần lượt ký kết Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch đối với các mặt hàng sầu riêng, khoai lang, tổ yến sang Trung Quốc.

Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh, thứ hạng có sự cải thiện rõ rệt. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam vươn từ top 20 lên top 10, từ 628 dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng 2,197 tỷ USD, đứng thứ 16/84 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam năm 2008 lên 3.567 dự án với tổng số vốn là 23,3 triệu USD vào năm 2022, đứng thứ 6 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD (tăng 5,47%), trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD (tăng 3,18%), nhập khẩu đạt 117,86 tỷ USD (tăng 6,63%). Việt Nam nhập siêu 60,17 tỷ USD (tăng 10,18%).

Theo số liệu của Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2022 đạt 234,9 tỷ USD, tăng 2,1%.

Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ, sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Xem thêm >> Ba kỳ vọng trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Cùng chuyên mục
Tin khác