Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: ‘Doanh nghiệp cần khí thế mới, sự hưng phấn mới’

Kỳ Thư - 11/10/2023 22:18 (GMT+7)

(VNF) - Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, tại thời điểm này, doanh nhân, doanh nghiệp và đất nước chúng ta rất cần một khí thế, một sự hưng phấn như thời bắt đầu Đổi mới. Sức mạnh tinh thần này sẽ giúp các doanh nghiệp, doanh nhân vượt qua tất cả.

VNF
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng doanh nghiệp đang cần khí thế mới, sự hưng phấn mới.

Chia sẻ với VietnamFinance về những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp đang phải trải qua, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh, sau hơn 2 năm dài chịu ảnh hưởng đại dịch COVID-19, sang tới năm nay chúng ta thấy bức tranh kinh tế Việt Nam và thế giới đều vô cùng khó khăn. Với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, năm nay quả thật là một năm đặc biệt khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn cả thời kỳ dịch bệnh bởi khi ấy, doanh nghiệp vẫn còn “của để dành”.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, dù trong thời điểm khó khăn như vậy nhưng các doanh nghiệp Việt đã rất nỗ lực, đặc biệt là khi thị trường khó, việc tiếp cận vốn tín dụng còn nhiều khó khăn… Trước khó khăn đó, để đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, Đảng và nhà nước luôn bên cạnh và có rất nhiều những quyết sách kịp thời của Quốc hội, của Chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp. Gần đây nhất, ngày 3/10 có Quyết định 25/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm 30% giá đất, giá thuê đất cho doanh nghiệp. Đó là những chính sách rất kịp thời, cần thiết giúp trợ lực thêm cho doanh nghiệp.

- Theo ông, tình hình từ nay tới cuối năm liệu có khả quan hơn không? Bởi theo quy luật, quý cuối năm thường là quý tăng trưởng mạnh nhất, thưa ông?

Trong quý cuối cùng của năm 2023, chúng ta thấy bắt đầu đã có những tín hiệu phục hồi từ thị trường trong nước cũng như quốc tế. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng cho cộng đồng doanh nghiệp.

Chúng ta cũng đang kỳ vọng năm 2024 với những diễn biến tốt hơn, nhưng trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều biến động cả trong nước và trên thế giới nên tôi cho rằng chỉ có một điều chắc chắc là không có gì chắc chắn cả.

Những ngày gần đây, rất nhiều diễn biến về xung đột địa chính trị, xung đột vũ trang trên thế giới... những điều đó có thể phản ánh vào hoạt động kinh tế của các quốc gia. Việt Nam là một nền kinh tế mở với quy mô xuất nhập khẩu của chúng ta gần gấp đôi GDP đất nước thì mọi biến động nhỏ của thị trường thế giới cũng phản ánh vào hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam.

- Trong thế giới biến động khó lường như thế như vậy, các doanh nhân Việt cần giữ tâm thế thế nào, thưa ông?

Những biến động lớn sẽ có tác động rất lớn do tâm thế chung của các doanh nghiệp mong đợi những điều tốt hơn. Nhưng ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp, doanh nhân phải giữ cho mình tâm thế luôn sẵn sàng ứng phó với những diễn biến khó lường.

- Trong bối cảnh như hiện nay, với tư cách là cơ quan đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông có kiến nghị gì để trợ lực cho cộng đồng doanh nghiệp, thưa ông?

Năm nay, doanh nhân doanh nghiệp rất phấn chấn về ngày Tết Doanh nhân của mình. Đặc biệt là có niềm vui, động viên rất lớn, không chỉ từ những chính sách, quyết sách mới đây của Chính phủ mà ngay trong ngày hôm nay chúng ta đón nhận Nghị quyết mới của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 41-NQ/TW về phát triển, phát huy vai trò của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết như một luồng gió mới - một luồng gió tạo sự phấn chấn rất lớn cho doanh nhân, doanh nghiệp.

VCCI với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, chúng tôi vừa chào đón những chính sách mới của Đảng và Nhà nước, vừa có trách nhiệm phản ánh những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đến với Đảng và Nhà nước.

Tại cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng chính phủ với giới doanh nhân Việt Nam vào chiều ngày 11/10, VCCI đã có những báo cáo về các khó khăn, vướng mắc hiện nay của doanh nhân, doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp trong nước; tổng hợp và báo cáo về tình hình chung của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Đây là bộ tài liệu rất dày dặn và được chuẩn bị công phu, trong thời gian ngắn cũng không thể nói hết được, nhưng nếu nói về các kiến nghị thì tựu chung một số điểm như sau:

Thứ nhất, mong muốn của doanh nhân, doanh nghiệp là việc tiếp cận tín dụng. Tín dụng đang là điểm nghẽn, đặc biệt là với thị trường bất động sản.

Thứ hai là về các cơ chế hỗ trợ, miễn giảm các chi phí cho doanh nghiệp, kể cả giãn, giảm nộp các nghĩa vụ về ngân sách.

Thứ ba là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và tiếp tục cải cách hành chính cho các doanh nghiệp.

- Đây chỉ là những giải pháp trước mắt, về lâu dài, doanh nghiệp và doanh nhân cần một động lực dài hơi chứ không đơn giản chỉ là giải pháp tình thế, thưa ông?

Đúng là như vậy, đây là rõ ràng là giải pháp trước mắt. Là người gắn bó với cộng đồng doanh nghiệp, tôi nhận thấy có một điều mà doanh nhân, doanh nghiệp rất mong muốn là khơi dậy, chấn hưng khí thế và tinh thần kinh doanh.

Đây là việc mà chúng ta ít nhắc đến, nhưng thực sự tại thời điểm này, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam và đất nước chúng ta rất cần một khí thế, một sự hưng phấn như thời chúng ta mới bắt đầu Đổi mới. Sức mạnh tinh thần này sẽ giúp các doanh nghiệp, doanh nhân vượt qua tất cả.

Hiện nay, đâu đó sự hưng phấn đã giảm rất nhiều, không chỉ trong khu vực doanh nghiệp mà cả trong khu vực các cơ quan nhà nước, trong việc ra các quyết định, việc dám nghĩ dám làm, dám quyết đã có sự suy giảm.

Vì vậy, 2 chữ cần ở đây là tạo lại sự hưng phấn trong xã hội và trong cộng đồng doanh nghiệp. Đây là mong muốn của các doanh nghiệp và chúng tôi cũng đã truyền tải đến với Chính phủ.

- Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới vừa được Tổng bí thứ ký ban hành. Điều này sẽ có ý nghĩa như thế nào với cộng đồng doanh nghiệp, thưa ông?

Nghị quyết số 41-NQ/TW sẽ có giá trị lâu dài cho doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Nhìn lại chặng đường phát triển của doanh nhân Việt Nam, chúng ta thấy rằng, từ khi Đổi mới đến nay được 37 năm và từ giờ cho đến lúc chúng ta đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển còn 22 năm nữa.

Chặng đường đó là khoảng 60 năm và chúng tôi hình dung ra 3 giai đoạn phát triển. 20 năm đầu là giai đoạn hình thành giới doanh nhân Việt Nam, lúc đó còn rất bỡ ngỡ và đang định hình. 20 năm tiếp theo từ 2007 - khi chúng ta gia nhập WTO giai đoạn hội nhập quốc tế của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Và bây giờ chúng ta đang bắt đầu bước vào giai đoạn thứ 3: giai đoạn thực hiện mục tiêu, khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển.

Nghị quyết 41 mới ra đời chính là định hướng xây dựng một đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, đủ sức thực hiện sứ mệnh, nhiệm vụ góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 trong 22 năm tới.

Nghị quyết này có những nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp thực hiện và điều này rất đúng, rất trúng với mong đợi của doanh nhân Việt Nam, là nền tảng để chúng ta tạo dựng một môi trường kinh doanh mới, môi trường chính sách mới cho giới doanh nhân Việt Nam phát triển.

Ví dụ, Nghị quyết đưa ra một nội dung rất mới và rất quan trọng: Doanh nhân Việt Nam không chỉ có vai trò quan trọng như trong các văn kiện trước đây mà là một trong những lực lượng nòng cốt để đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Rõ ràng, vai trò đã được đặt lên rất cao. Hay việc chúng ta sẽ có chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân rất bài bản. Đáng chú ý, chúng ta sẽ tăng cường bổ sung các chế tài kinh tế để xử lý các vi phạm…

Doanh nhân Việt Nam rất mong đợi điều này vì các nước cũng như vậy, không phải việc gì cũng hình sự hóa các chế tài kinh tế. Việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế lần này được tái khẳng định trong nghị quyết 41. Đây là những nội dung mới mà doanh nhân rất mong đợi và sẽ tạo sự phấn chấn cho doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Xin cảm ơn ông

Cùng chuyên mục
Tin khác