Chủ tịch VSD: TTCK năm 2021 sẽ vẫn giữ được đà tăng trưởng của năm 2020

Thanh Long - 31/03/2021 09:41 (GMT+7)

(VNF) - Chủ tịch VSD Nguyễn Sơn cho rằng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động đa chiều từ bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước, nhưng thị trường sẽ vẫn giữ được đà tăng trưởng của năm 2020. Tuy vậy, cũng cần lưu ý đến nhiều thách thức, trong đó có vấn đề về hệ thống công nghệ thông tin và rủi ro lan truyền từ các thị trường liên thông như bất động sản vốn đang đối diện với rủi ro sốt ảo.

VNF
Chủ tịch VSD: TTCK năm 2021 sẽ vẫn giữ được đà tăng trưởng của năm 2020

Sáng 31/3, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Tọa đàm: "Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững".

Tham luận tại tọa đàm, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho hay nhiều dấu hiệu cho thấy, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động đa chiều từ bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước, nhưng thị trường sẽ vẫn giữ được đà tăng trưởng của năm 2020.

Ông Sơn cho biết bên cạnh tác động tiêu cực của dịch bệnh, nhiều yếu tố đang tác động tích cực đến TTCK Việt Nam.

Yếu tố tích cực đầu tiên là việc tìm ra vắc xin hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh Covid-19.

Thứ hai là xu hướng dịch chuyển dòng vốn quốc tế từ kênh tín dụng ngân hàng - nơi có lợi suất thấp - sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán và các tài sản có giá trị bao gồm vàng, bất động sản, do tác động của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nới lỏng thông qua cắt giảm lãi suấ.

Thứ ba, các gói hỗ trợ tài chính lớn của hầu hết các nước trên thế giới trong năm 2020 và dự kiến kéo dài trong năm 2021 đã, đang và sẽ được xem là những nhân tố tích cực hỗ trợ sự phát triển của TTCK thế giới nói chung, trong đó có TTCK Việt Nam trong năm 2021. Đặc biệt là khi Việt Nam tiếp tục được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng để đầu tư của khu vực và là một trong số rất ít nước khống chế được dịch Covid-19 với việc đạt tăng trưởng dương trong năm 2020. 

Tuy vậy, vẫn có không ít thách thức đối với TTCK Việt Nam năm 2021.

Theo Chủ tịch VSD, thách thức đầu tiên là tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp đã cổ phần hoá khá chậm. Ngoài yếu tố do TTCK biến động mạnh, còn có yếu tố quan ngại, sợ rủi ro pháp lý liên quan đến bán tài sản nhà nước. Qua đó, làm chậm quá trình đưa doanh nghiệp lên sàn niêm yết để tạo sự minh bạch và huy động vốn phát triển.

Thách thức thứ hai là vấn đề nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vẫn gặp nhiều trở ngại về pháp lý và chính sách, cần nhiều thời gian để tháo gỡ (vấn đề tham gia của nhà đầu tư nước ngoài; tự do hoá tài khoản vốn; quản trị công ty và tính minh bạch về công bố thông tin...).

Thứ ba là rủi ro lan truyền từ các khu vực thị trường liên thông (bất động sản; ngoại hối; tiền kỹ thuật số...) gây nên những cơn sốt ảo về bất động sản cũng như về chứng khoán.

Thứ tư, hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) cho toàn thị trường còn có những trợ ngại nhất định cho sự tăng trưởng của thị trường. Cụ thể, việc hệ thống CNTT nghẽn lệnh, chậm đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống mới, dẫn đến chưa thể cho phép đưa vào vận hành các nghiệp vụ mới như giao dịch trong ngày (day-trading), bán chứng khoán chờ về, thanh toán bù trừ đối tác trung tâm (CCP).

Thách thức thứ năm là phải đẩy mạnh hoạt động thanh tra, giám sát và cưỡng chế thực thi các giao dịch làm giá, thao túng giá, giao dịch không công bằng và lôi kéo giữa các thị trường (thị trường cơ sở, thị trường phái sinh...).

Trên nền tảng và cơ sở pháp lý cho sự phát triển TTCK đã xây dựng trong năm qua, bước sang năm 2021, Chủ tịch VSD Nguyễn Sơn cho biết ngành chứng khoán sẽ tập trung triển khai 7 mục tiêu trọng tâm.

Mục tiêu đầu tiên là tập trung nỗ lực đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn Luật vào thực tiễn để hỗ trợ cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tạo động lực thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển bền vững.

Cùng với đó, xây dựng và hoàn thiện Chiến lược phát triển TTCK giai giai đoạn 2021-2030 để định hinh mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển TTCK cũng như thị trường vốn dài hạn.

Đặc biệt, hoàn thành dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động giao dịch, thanh toán nhằm triển khai các sản phẩm tài chính mới và thực hiện cải cách các thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

Đồng thời đẩy nhanh việc cơ cấu lại TTCK, xây dựng lộ trình cơ cấu lại các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa; tiếp tục tái cơ cấu hệ thống các định chế trung gian trên thị trường theo định hướng của Chính phủ.

Thêm vào đó, ngành chứng khoán cũng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, gắn với niêm yết trên TTCK để tăng quy mô và chất lượng hàng hóa, tăng tính thanh khoản cho thị trường và tăng nguồn cung cho thị trường.

Mục tiêu quan trọng nữa là nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường năng lực giám sát, quản lý, cưỡng chế và thực thi của cơ quan quản lý nhà nước đối với TTCK theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Ngoài ra, hoàn thiện cấu trúc tổ chức thị trường thông qua việc đưa Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam vào hoạt động (công ty mẹ của hai Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM) và đưa Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam vào vận hành thay cho Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam.

Cùng chuyên mục
Tin khác