Chưa được công ty mẹ đồng ý, VTM đã đấu giá gần triệu tấn quặng sắt

Thanh Hương - 27/04/2020 09:41 (GMT+7)

Chỉ mất khoảng 45 phút, cuộc đấu giá bán 800.000 tấn quặng sắt của Công ty TNHH Khoáng sản và Kim loại Việt Trung đã được hoàn tất với trị giá lô hàng lên tới hơn 400 tỷ đồng. Điều bất ngờ là nhiều doanh nghiệp lâu năm ở lĩnh vực này đều không hay biết gì về thời điểm lô hàng được mang ra bán đấu giá.

Chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia

Ngày 21/4/2020, Công ty Đấu giá Hợp danh Quốc gia đã tổ chức cuộc đấu giá lô hàng quặng sắt Limonit (có hàm lượng Fe khoảng 54%) và lô hàng quặng sắt khối lượng 800.000 tấn tại nhà văn hoá tổ dân phố Tân Xuân 1, phường Xuân Đỉnh, Hà Nội.

Băng tải vận chuyển quặng sắt tại Công ty TNHH Khoáng sản và Kim loại Việt Trung. (Ảnh: st)

Nguồn gốc của số quặng sắt nói trên là từ Công ty TNHH Khoáng sản và Kim loại Việt Trung - một trong những doanh nghiệp thuộc danh sách 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương.

Mặc dù khối lượng quặng sắt này khồng hề nhỏ, chiếm gần 1/4 sản lượng quặng sắt được khai thác hàng năm của Công ty TNHH Khoáng sản và Kim loại Việt Trung và có giá trị thị trường khá lớn, tới hơn 400 tỷ đồng, nhưng số doanh nghiệp tham gia cuộc đấu giá lại rất khiêm tốn.

Nguồn tin của phóng viên được biết, chỉ có 2 đơn vị là Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Việt Phát đến từ Hải Phòng và Doanh nghiệp tư nhân Hải Linh đến từ Hải Dương tham gia cuộc đấu giá này.

Sau 3 vòng chào giá, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát đã trở thành người chiến thắng để có quyền mua lô hàng trị giá hơn 400 tỷ đồng. Cuộc đấu giá cũng kết thúc sau 45 phút triển khai.

Bỏ qua câu chuyện trong thời điểm dịch Covid-19 đang có những diễn biến khó lường, khiến Thủ tướng Chính phủ phải ra Chỉ thị 16/CT-TTg, yêu cầu  thực hiện cách ly toàn xã hội đến hết ngày 22/4, nhưng doanh nghiệp vẫn tổ chức đấu giá trực tiếp với sự tham gia của nhiều người, chuyện đấu giá lô hàng lớn mà không thấy bóng dáng nhiều bạn hàng lâu năm của Công ty TNHH Khoáng sản và Kim loại Việt Trung cũng là một điều khá lạ.

Chưa được VNSteel đồng ý phương án cụ thể

Trao đổi với phóng viên, đại diện một số doanh nghiệp có kinh doanh mặt hàng quặng sắt cho biết, họ rất bất ngờ trước thông tin Công ty TNHH Khoáng sản và Kim loại Việt Trung đã đấu giá xong 800.000 tấn quặng bằng phương pháp đấu giá trực tiếp hôm 21/4, khi mà dù kinh doanh trong lĩnh vực này lâu năm và nhiều năm qua vẫn đều đặn mua hàng của VTM nhưng họ lại không hề hay biết gì về lần bán đấu giá này, cũng như không dễ tìm kiếm được các thông tin liên quan để tham dự đúng lúc.

Điều này cũng đặt ra câu hỏi “bên đảm trách việc bán đấu giá là Công ty Đấu giá Hợp danh Quốc gia và bên có tài sản là Công ty TNHH Khoáng sản và Kim loại Việt Nam tại sao lại phải bán gấp gáp lô hàng 800.000 tấn quặng sắt” và đã thực hiện đầy đủ các quy trình về việc bán đấu giá tài sản có giá trị lớn mà Nhà nước sở hữu cũng như đã cân nhắc thiệt hơn về kinh tế khi “tất tay” lô hàng lớn vào thời điểm kinh tế thế giới cũng như trong nước đang diễn biến khó lường như hiện nay.

Trao đổi với phóng viên, đại diện của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) - đơn vị hiện nắm 47% vốn điều lệ của Công ty TNHH Khoáng sản và Kim loại Việt Trung, cho hay, VNSteel đã nhận được phản ánh về câu chuyện này và đang yêu cầu doanh nghiệp báo cáo sự việc.

“Tổng công ty mới đồng ý về chủ trương nhưng yêu cầu doanh nghiệp phải có phương án cụ thể. Hiện tổng công ty chưa chấp thuận phương án cụ thể để đại diện vốn tại Công ty TNHH Khoáng sản và Kim loại Việt Trung biểu quyết thông qua”, đại diện của VNSteel nói.

Các bên Việt Nam trong liên doanh này ngoài VNSteel còn có Công ty Khoáng sản Lào Cai, hiện đang nắm tổng cộng nằm gần 55% vốn điều lệ tại doanh nghiệp.

Ngày 24/4, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đã có công văn hoả tốc gửi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, yêu cầu đơn vị này chỉ đạo người đại diện tại Tổng công ty Thép Việt Nam khẩn trương báo cáo gấp trước ngày 30/4/2020 về việc khai thác quặng sắt hiện nay.

Công văn yêu cầu làm rõ về các vấn đề khối lượng khai thác, phương án tiêu thụ và kết quả, đánh giá tính phù hợp quy định hiện hành và mục tiêu của Đề án 1468 (Phương án xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương theo Quyết định 1468/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác