Chuyên gia kinh tế trưởng World Bank: ‘Năm 2021, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 6%'

Lê Ngà - 18/11/2020 17:49 (GMT+7)

(VNF) - TS. Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới (World Bank) tại Việt Nam nhận định: “Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc mạnh mẽ và có thể tăng trưởng trên 6%”.

VNF
TS. Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam.

- Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về những xu hướng của kinh tế thế giới sau Covid-19 và tác động tới Việt Nam? Đâu là những cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam?

Khi đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam, Ngân hàng thế giới tương đối lạc quan và chúng tôi tin là Việt Nam đã, đang và sẽ làm tốt.

Năm nay, Việt Nam có thể trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới ở góc độ tăng trưởng kinh tế với nhiều thành quả đạt được. Dù vẫn còn nhiều điều khó lường, chúng ta cũng chưa biết chắc rằng vắc xin có thực sự hiệu quả hay không nhưng tôi tin rằng sang năm 2021, Việt Nam chắc chắn sẽ tăng tốc mạnh mẽ hơn.

Chúng tôi kỳ vọng với nhiều tín hiệu khả quan như việc nghiên cứu vắc xin đang có bước tiến triển rõ rệt, các hoạt động thương mại đang từng bước trở lại dù không bằng trước đây nhưng đang tăng lên trên toàn cầu.

Việt Nam có thể tăng trưởng trên 6% vào năm tới. Bên cạnh con số tăng trưởng thì có một điều chúng tôi nhận thấy rõ là Việt Nam đã biết nắm bắt cơ hội tốt từ khủng hoảng.

Tôi đưa ra 2 ví dụ. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu năm nay sụt giảm nghiêm trọng, Việt Nam đã nỗ lực để xuất khẩu được nhiều hơn so với phần còn lại của thế giới, cạnh tranh mạnh mẽ hơn khi tiêu dùng sụt giảm. Đây sẽ tiếp tục là động lực của Việt Nam. Rõ ràng người ta biết nhiều đến Việt Nam như là một nước xuất khẩu rất hiệu quả nhưng ít ai biết rằng, việc kết nối với phần còn lại được thực hiện thông qua công nghệ số.

Nếu như trước đây, Việt Nam không thực sự hiệu quả trong việc số hóa nhưng từ khi khủng hoảng do dịch bệnh xảy ra thì 2/3 công ty ở Việt Nam đã chuyển đổi hoặc chuyển hướng sang sử dụng nền tảng số. Đây thực sự là một nguồn sức mạnh mới của Việt Nam. Không chỉ lực lượng tư nhân mà ngay cả Chính phủ cũng rất tích cực để chuyển đổi thông qua chính quyền hay chính phủ điện tử…

Dù rõ ràng còn rất nhiều phải làm nhưng những nỗ lực này cho thấy sự thích ứng nhanh của Việt Nam trong tình hình mới.

- Thông điệp chính của ông dành cho Việt Nam là gì?

Thông điệp của tôi là hãy tiếp tục mở cửa mạnh mẽ hơn với thế giới. Đồng thời chú trọng vào chất lượng thay vì số lượng nhà đầu tư và chuyển đổi có hiệu quả sang nền kinh tế số đổi mới sẽ gia tang hiệu quà và tính cạnh tranh trong việc sử dụng nguồn lực.

Một lưu ý quan trọng là hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.

Tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh” lần thứ 3, chúng tôi đã thảo luận rất nhiều về những hiện tượng ngày càng gia tăng và gây tác động lớn tới nhiều quốc gia như: bão lũ, ô nhiễm không khí… Đây những vấn đề không chỉ ảnh hưởng tới riêng ai vì vậy cần phải có hành động nhanh và mạnh mẽ hơn bởi nó sẽ ảnh hưởng tới thành quả phát triển của Việt Nam.

Chính phủ và người dân Việt Nam đều đã nhận thức được vấn đề này nhưng Covid-19 là một minh chứng cho thấy hành động càng nhanh càng rộng thì kết quả càng tích cực.

- Theo ông, làm sao để Việt Nam có thể tăng trưởng xanh và bền vững thành công?

Đó là tầm nhìn. Tức là Việt Nam mong muốn trở thành quốc gia như thế nào trong tương lai.

Tôi tin là Chính phủ Việt Nam đã xây dựng được những tầm nhìn thông qua các chiến lược phát triển cho 10 năm tới, 20 năm tới. Tôi cũng tin là Việt Nam có đủ nguồn lực nhưng cái mà đang thiếu chính là quyết tâm và động lực để thực hiện.

Theo tôi, đầu tiên chính làm sao để khuyến khích sự thay đổi trong hành vi. Đôi khi nó ở yếu tố giá cả. Tôi lấy ví dụ, tại sao người ta lãng phí khi sử dụng nước là bởi vì hiện tại giá nước còn đang rất rẻ.

Tôi cho rằng có thế sử dụng tới biện pháp cưỡng chế để thay đổi hành vi như việc Chính phủ áp dụng các quy định trong việc phòng chống Covid-19… Đây có thể giải pháp tốt trong việc bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

Điều cuối cùng chính là việc chia sẻ thông tin. Khi Chính phủ  chia sẻ thông tin một cách minh bạch, người dân sẽ có nhận thức và trách nhiệm tốt hơn trong việc thực hiện các biện pháp để bảo vệ môi trường.

Xem thêm: PGS.TS Tô Trung Thành: 'Mô hình tăng trưởng của kinh tế Việt Nam chưa hướng đến chiều sâu'

Cùng chuyên mục
Tin khác