Vừa qua, dư luận được một phen sôi sục bởi hàng loạt thông tin về các doanh nghiệp nước ngoài dính phải bê bối về thuế ở Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp có tên tuổi, tiếng tăm trên thế giới; nhưng vấn đề là họ đã hoạt động ở Việt Nam được một thời gian rất dài cho tới khi bị truy thu thuế. Vậy, trách nhiệm thuộc về ai?
4 doanh nghiệp: Cùng một vấn đề
Trong thời gian rất ngắn, đã có 4 doanh nghiệp bị "lên thớt" bởi nhiều vi phạm về thuế, đó là Uber, Grab, Google, Facebook. Điểm chung duy nhất của cả 4 doanh nghiệp này chính là hình thức hoạt động của họ là kinh doanh dịch vụ công nghệ, hay nói cách khác là họ chỉ bán phần mềm.
Đầu tiên, Uber và Grab. Đây là 2 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phần mềm vận tải đã có mặt ở khắp nơi trên thế giới, được rất nhiều người sử dụng bởi hàng loạt ưu thế về giá cả, vệ sinh, thái độ phục vụ… Riêng ở Việt Nam, đội ngũ xe Uber, Grab đã lấn át gần như hoàn toàn xe taxi truyền thống.
Sau một thời gian hoạt động vô cùng "hiệu quả" tại thị trường Việt Nam, thì đột nhiên xuất hiện hàng loạt văn bản kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội, TP. HCM phản đối Nghị định 24 cho phép thí điểm Uber, Grab để dẫn tới việc bùng nổ số lượng xe, nhập nhằng về thuế như hiện nay.
Đến lúc này, các cơ quan chức năng mới ngã ngửa, bởi đúng là từ trước tới nay, không có chính sách, cơ chế nào về thuế để kiểm soát Uber, Grab. Điều đó khiến 2 doanh nghiệp này hàng năm đưa ra nước ngoài hơn 3.600 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày hơn 10 tỷ đồng.
Vậy mà ở Việt Nam, họ vẫn báo lỗ, lỗ thê thảm. Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, Grab đã bị lỗ 938,2 tỷ đồng trong khi có vốn pháp định là 20 tỷ đồng; còn Uber đang bị truy thu 66 tỷ đồng các khoản thuế chi cho các cá nhân.
Không chỉ lỗ ở Việt Nam, mà ở hàng loạt quốc gia khác, 2 doanh nghiệp này cũng rơi vào tình trạng lỗ như vậy. Nhưng điểm mấu chốt ở đây, chính là số lượng tiền khổng lồ mà nhà cũng cấp dịch vụ phần mềm Uber, Grab thu về; họ hoàn toàn có lãi, nhưng lỗ lại là quốc gia sử dụng chịu.
Ở Việt Nam, đội ngũ xe Uber, Grab đã lấn át gần như hoàn toàn xe taxi truyền thống.
Tương tự, Google và Facebook là 2 "ông lớn" trong công nghệ, họ kiếm tiền bằng cách quảng cáo cho các website lớn, cá nhân… nhưng lại không phải đóng một đồng thuế nào, trong khi Facebook chỉ riêng năm 2015 đã thu về hơn 3.000 tỷ từ quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam. Rồi Google cũng không kém miếng khi thu về hơn 2.000 tỷ đồng.
Sự việc trên đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gửi văn bản tới Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về khoản 4, điều 34, Dự thảo luật an ninh mạng Việt Nam.
Theo đó, việc kiểm soát, đánh thuế đối với Google và Facebook cần phải được xem xét, điều chỉnh ngay lập tức, đề nghị Facebook và Google đưa máy chủ về Việt Nam, chấm dứt tình trạng sử dụng Việt Nam như một nơi để kinh doanh tự do.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh thuế Google và Facebook là chưa cần thiết, bởi lợi ích mà 2 dịch vụ này mang lại cho các doanh nghiệp… Nhưng đó là một suy nghĩ ích kỷ, chỉ quan tâm tới lợi ích cá nhân mà gạt bỏ hoàn toàn vấn đề an ninh quốc gia – một vấn đề còn quan trọng hơn nhiều sang một bên.
Tuy cách thức hoạt động có khác nhau, nhưng cả 4 doanh nghiệp trên đều mang một đặc điểm chung, đó là cả 4 đều là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ và tại thị trường Việt Nam.
Đồng thời, họ đều không đáp ứng được các yêu cầu mà khoản 4, điều 34, Dự thảo luật an ninh mạng Việt Nam đã nêu ra, đó là: "Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tôn trọng chủ quyền, pháp luật và an ninh quốc gia của Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp này phải có giấy phép hoạt động, cơ quan đại diện và máy chủ quản lý dữ liệu người dùng".
Trách nhiệm thuộc về ai?
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, việc các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam gặp vấn đề về thuế là chuyện bình thường, bởi đã là doanh nghiệp thì họ sẽ luôn tìm mọi cách để lách luật, trốn thuế. Có như vậy, họ mới giảm thiểu chi phí trong sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, mỗi quốc gia và Việt Nam cũng vậy đều có những điều khoản, quy định rõ ràng cho các doanh nghiệp về thuế, để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đồng thời đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp khác.
Tại Việt Nam, quy định về thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài đã được Bộ Tài chính nêu rõ trong Thông tư số 103/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
Theo đó, người nộp thuế ở đây là các nhà thầu, nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài; tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức khác và cá nhân sản xuất kinh doanh.
Các loại thuế áp dụng bao gồm: thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Thu nhập chịu thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là thu nhập phát sinh từ hoạt động cung cấp, phân phối hàng hóa; cung cấp dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hóa tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ.
Nếu chiếu theo những điều khoản trên thì Uber, Grab, Facebook và Google đang hoạt động ở Việt Nam dưới dạng cung cấp dịch vụ và nằm trong danh sách những doanh nghiệp phải đóng thuế.
Cho dù, cả 4 doanh nghiệp đều có máy chủ, công ty mẹ ở nước ngoài nhưng một cách chính thức họ đang kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam.
Google và Facebook là 2 "ông lớn" trong công nghệ, họ kiếm tiền bằng cách quảng cáo cho các website lớn, cá nhân…
Chuyên gia Trí Long chia sẻ thêm rằng, nếu 4 doanh nghiệp này không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm về thuế thì điều đầu tiên họ mất chính là uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp.
Bởi, trong một môi trường kinh doanh khốc liệt như hiện nay, khi mà Nhà nước đang cố gắng hết sức, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có một môi trường cạnh tranh lành mạnh mà có những cá thể nhất định không muốn, né tránh quy luật đó thì dĩ nhiên sớm muộn họ cũng sẽ bị đánh giá, thậm chí loại bỏ.
Vấn đề thứ 2 mà vị chuyên gia này đề cập tới, đó là việc trốn thuế, lách luật sẽ chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp, bởi hành vi đó đã vi phạm luật pháp Việt Nam, nếu có thái độ đúng mực, sửa sai thì sẽ được khoan hồng. Còn nếu tiếp tục vi phạm một cách trắng trợn thì họ sẽ đối mặt với nguy cơ bị truy tố hình sự.
Chuyên gia Long cho rằng, 4 doanh nghiệp này đều đã có một thời gian rất dài hoạt động tại Việt Nam, nhưng tại sao đến bây giờ mới phát hiện ra những vấn đề này? Ông Long cho rằng, đây là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, và trách nhiệm lớn nhất thuộc về Tổng cục Thuế.
Bởi cơ quan này đã không kiểm tra, đánh giá được các doanh nghiệp trên mà để họ tự do hoạt động. Cho đến khi chính Nhà nước đang phải chịu những khoản lỗ khổng lồ, những thiệt hại không thể thống kê nổi thì mới có những kiến nghị, đề nghị sửa đổi, xem xét luật…
Dù rằng, việc phát hiện ra những sai phạm này của 4 doanh nghiệp trên là muộn nhưng hy vọng rằng, trong tương lai các cơ quan có thẩm quyền sẽ quan tâm, chú trọng hơn tới việc kiểm tra doanh nghiệp trước khi cho phép hoạt động tại Việt Nam.
Việc kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp khi làm ăn ở Việt Nam chỉ để phục vụ 2 mục đích chính. Thứ nhất, đó là quy định, thủ tục của luật pháp Việt Nam; chỉ những doanh nghiệp được đánh giá tốt mới được cho phép vào hoạt động, như vậy không chỉ đảm bảo một môi trường cạnh tranh lành mạnh mà còn đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Thứ 2, đó là lợi ích cho người tiêu dùng, muốn nâng cao chất lượng đời sống của người dân thì phải đảm bảo cung cấp cho họ những sản phẩm đảm bảo chất lượng.